Kiểm toán Nhà nước "soi" sai phạm, tham nhũng trong quản lý tài sản công tại TPHCM
Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 tại TPHCM nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
Ảnh minh hoạ |
Tại Hội nghị triển khai Quyết định kiểm toán tại TPHCM diễn ra vừa qua, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực IV Nguyễn Đức Tín đã công bố Quyết định kiểm toán về Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 của TPHCM.
Đồng thời, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Nguyễn Văn Hiệu cũng công bố Quyết định kiểm toán về Kiểm toán chuyên đề “Việc ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các Doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TPHCM”.
Theo Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, Đoàn kiểm toán của KTNN khu vực IV do Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV Nguyễn Đức Tín làm Trưởng đoàn sẽ thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017 của TPHCM.
Mục tiêu kiểm toán nhằm xác định tính đúng đắn, trung thực của Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2017; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
Đáng lưu ý, cuộc kiểm toán cũng được thực hiện nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí trong công tác quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý vi phạm theo quy định.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày triển khai kiểm toán, Đoàn kiểm toán sẽ tiến hành kiểm toán tại 5 cơ quan quản lý Nhà nước của TPHCM: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước; đồng thời kiểm toán chi tiết tại 10 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, 05 đơn vị dự toán cấp thành phố, 07 Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và 04 doanh nghiệp.
Cuộc kiểm toán Chuyên đề “Việc ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các Doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu ché xuất trên địa bàn TPHCM” do Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV làm Trưởng đoàn sẽ thực hiện kiểm toán nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư (quy hoạch, đất đai, miễn tiền thuế đất, cho thuê đất…) cũng như việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất.
Phạm vi kiểm toán là năm 2017 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị được chọn đối chiếu.
Thông tin về hoạt động của KTNN trong năm 2017, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: Năm 2017, KTNN đã thực hiện 283 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính trên 91 nghìn tỷ, thu về NSNN 46 nghìn tỷ, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 156 chính sách, cơ chế… chưa phù hợp.
Hiện nay, KTNN đang cải tiến công tác lập kế hoạch kiểm toán, rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trước đó, niên độ thanh tra, kiểm tra một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM trong 2 năm 2016 - 2017, Thanh tra TPHCM có 10 kết luận, phát hiện đến 103 cơ sở nhà đất công sản có sai phạm. Cụ thể, về chủ thể quản lý là UBND quận, đơn vị hành chính có 5 mặt bằng; Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM: 65 mặt bằng (trong đó Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn: 32 mặt bằng, Tổng công ty văn hóa Sài Gòn: 19 mặt bằng, Tổng công ty du lịch Sài Gòn: 14 mặt bằng); Công ty 100% vốn nhà nước: 25 mặt bằng (trong đó Công ty dịch vụ công ích Q.8: 14 mặt bằng, Công ty dịch vụ công ích Q.6: 2 mặt bằng, Công ty Sakyno: 2 mặt bằng, Lực lượng TNXP: 7 mặt bằng); Công ty CP: Công ty Bình Phú: 1 mặt bằng, Công ty CP văn hóa Phương Nam: 7 mặt bằng.
Về nội dung sai phạm cụ thể, có 17 mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, sai quy định; 32 mặt bằng cho thuê trái phép; 26 mặt bằng không quản lý, bỏ trống gây lãng phí; 3 mặt bằng để xảy ra lấn chiếm; 1 mặt bằng vừa cho thuê trái phép vừa bỏ trống...