Cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu, suy đa phủ tạng
Một bệnh nhân bị nhiều bệnh lý phức tạp: vừa có nhồi máu não cấp tính ở bệnh nhân tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường lại xuất hiện thêm các bệnh như viêm tụy cấp biến chứng suy đa tạng với tiên lượng tử vong rất cao. Vậy mà các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống bệnh nhân.
Nhưng nhờ sự nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai với sự quyết tâm chỉ đạo và điều hành sát sao của Giám đốc bệnh viện, sự phối kết hợp của các chuyên khoa cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, bệnh nhân đã được cứu sống và hồi phục hoàn toàn.
Bệnh nhân Tòng Văn B. (62 tuổi, ở TP Sơn La), tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, gút hơn 20 năm có biến chứng hẹp động mạch vành tơi 90%. Ngày 06/5/2018, bệnh nhân xuất hiện đau tức ngực được đưa đến Bệnh viện tim Hà Nội trong tình trạng hôn mê, liệt hoàn toàn nửa người trái, được chẩn đoán nhồi máu não cấp và được dùng kỹ thuật tiêu sợi huyết để phá cục máu đông.
Bệnh nhân đang tập đi để phục hồi chức năng |
Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân có diễn biến nặng lên, đau và chướng bụng nhiều, xét nghiệm men tụy tăng cao. Chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh viêm tụy cấp nặng, đường máu tăng cao, bệnh nhân đi vào hôn mê, suy hô hấp, sốc và được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai: Bệnh nhân Tòng Văn B. được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai đêm 22/5 trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, liệt hoàn toàn nửa người trái, suy hô hấp rất nặng, bụng chướng căng. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân, ngay trong đêm 22/5, Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội chẩn toàn viện với sự tham gia của gần 20 chuyên khoa để cùng tìm ra phác đồ điều trị tối ưu.
Với chẩn đoán nhồi máu não, viêm tụy cấp, tăng áp lực thẩm thấu biến chứng suy đa phủ tạng, bệnh nhân có chỉ định hầu hết các biện pháp hồi sức tích cực gồm: đặt nội khí quản, thở máy, bù dịch, lọc máu liên tục, điều chỉnh đường huyết, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch, kháng sinh phổ rộng...
Sau 3 ngày nỗ lực, bệnh nhân đã thoát sốc, tình trạng suy đa tạng được cải thiện, nhưng vẫn liệt hoàn toàn nửa người trái, không có khả năng ho khạc do liệt các cơ hô hấp, liệt hoàn toàn dây thanh âm bên trái. Tiên lượng không thể rút được nội khí quản, bệnh nhân đã được mở khí quản và bỏ máy thở sau đó.
Sau khi bỏ được máy thở, bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc đặc biệt, kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát đường huyết… và đặc biệt là kết hợp phục hồi chức năng tại giường. Sau 46 ngày “giằng co với tử thần”, bệnh nhân B. đã tỉnh hoàn toàn, liệt nửa người trái đang hồi phục tốt, đi lại và ăn uống được bình thường, đường huyết, huyết áp được kiểm soát ổn định và có thể xuất viện.
Tú Anh