Quyết định bất ngờ của Trump sẽ “vực dậy” giá vàng tuần tới?
Việc Trump bất ngờ gia hạn lệnh trừng phạt Triều Tiên thêm một năm có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, qua đó phần nào hỗ trợ giá vàng tuần tới.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.277USD/oz, giá vàng quốc tế giao ngay đã phục hồi lên mức 1.285USD/oz, nhưng sau đó lại giảm mạnh xuống mức 1.261USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế đã giảm gần 0,8% so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước, nhưng tính chung trong tuần giá vàng giảm 1,86%.
Giá vàng miếng SJC đã giảm khoảng 200.000đ/lượng trong tuần này. |
USD tiếp tục ép giá vàng
Sở dĩ giá vàng giảm mạnh xuống mức thấp nhất 6 tháng qua là do USD tiếp tục chiếm ưu thế so với các đồng tiền chủ chốt khác, mặc dù thị trường chứng khoán thế giới tiên tiếp “đỏ sàn” trong nhiều phiên. USD tăng mạnh là do kinh tế Mỹ tiếp tục có những dấu hiệu tích cực, được thể hiện qua các chỉ số việc làm, sản xuất công nghiệp và dịch vụ, GDP, lạm phát,… Chủ tịch FED Powell cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng dần lãi suất để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Không chỉ vàng, mà phần lớn các hàng khác cũng đều sụt giảm mạnh trong tuần này do lo ngại căng thăng thương mại Mỹ- Trung ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu. Điều này cho thấy giá vàng đã và đang đóng vai trò là hàng hóa nhiều hơn là công cụ phòng ngừa rủi ro như trước đây.
Trong số các hàng hóa nói chung, dầu thô còn chịu thêm áp lực tăng sản lượng của OPEC và một số quốc gia ngoài khối này. Theo đó, ngày 22/6 vừa qua, OPEC đã quyết định tăng thêm sản lượng khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 1% nguồn cung dầu thế giới kể từ tháng 7/2018, bất chấp sự phản đối của Iran và một số quốc gia khác. Giá dầu thô sụt giảm sẽ làm giảm áp lực lạm phát thế giới, qua đó vai trò trú ẩn của vàng cũng giảm bớt.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC giảm khá mạnh do tác động từ giá vàng quốc tế. Tính chung trong tuần này, giá vàng miếng SJC giảm khoảng 200.000đ/lượng, đạt mức thấp nhất tại 36,69- 36,80 triệu đồng/lượng.
Do giá vàng liên tục sụt giảm, nên các nhà đầu tư chưa có động thái mua vào, mà chỉ chờ thêm hiệu ứng tích cực hơn. Bởi vậy, khối lượng giao dịch vàng khá thấp. Theo đó, giá vàng miếng SJC vẫn biến động chậm hơn so với giá vàng quốc tế, và mức chênh lệch giá giữa thị trường trong nước và quốc tế vẫn duy trì ở mức hơn 1,7 triệu đồng/lượng.
Phục hồi trong giới hạn
Nhìn chung, giá vàng vẫn đang chịu áp lực khá lớn trong ngắn hạn khi các yếu tố cơ bản, đặc biệt là USD đang tác động tiêu cực đến giá kim loại quý này. Trong khi đó, vai trò hàng hóa của vàng lại đang nổi lên mạnh mẽ, lấn át vai trò trú ẩn an toàn. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể sẽ phải tiếp tục bán bớt vàng trong danh mục đầu tư để bổ sung tiền ký quỹ để duy trì trạng thái đầu tư cổ phiếu khi thị trường chứng khoán thế giới được dự báo tiếp tục điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt Triều Tiên thêm một năm kể từ ngày 26/6 có thể sẽ làm chậm tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí có nguy cơ “hâm nóng” căng thẳng trở lại. Sở dĩ Trump quyết định như vậy là do lo ngại nguy cơ phổ biến các nguyên liệu phân hạch sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể đe dọa an ninh của Mỹ. Điều này có thể sẽ hỗ trợ cho giá vàng tuần tới, nhưng không mạnh mẽ.
Ông Ken Morrison, chuyên gia phân tích của Hãng tin Morrison, cũng kỳ vọng giá vàng sẽ phục hồi nhẹ trong tuần tới. “Giá vàng có thể sẽ phụ hồi lên mức 1.288USD/oz, kế tiếp là 1.305USD/oz”, ông Morrison nhận định.
Trong khi đó, ông Georgette Boele, chuyên gia của ABN AMRO, cho rằng nguy cơ giảm giá vàng còn lớn trong ngắn hạn. “Với nhu cầu vàng vật chất cũng như nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro đang ở mức thấp, thì giá vàng có thể sẽ giảm xuống 1.200- 1.250USD/oz”, ông Boele dự báo.
Biểu đồ phân tích kỹ thuật vẫn tiếp tục cho thấy áp lực đang đè nặng lên giá vàng ngắn hạn, nhưng trong thời gian trước mắt, giá vàng có thể sẽ phục hồi nhẹ lên vùng 1.290USD/oz. Tuy nhiên, nếu không vượt qua được 1.306USD/oz, thì áp lực chốt lời sẽ tăng mạnh, khiến giá vàng có thể xuống tới 1.234USD/oz (MA200).
Trong tuần tới có một số chỉ số kinh tế có thể tác động đến giá vàng, như đơn đặt hàng hoá bền lâu, GDP quý 2 và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ (thước đo lạm phát quan trọng của FED). Ngoài ra, còn có một số bài phát biểu của các quan chức FED, như phát biểu của ông Raphael Bostic, Chủ tịch FED Atlanta và ông Robert Kaplan, Chủ tịch FED Dallas vào ngày 25/6; phát biểu của ông James Bullard, Chủ tịch FED St. Louis ngày 28/6…
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần tới, trong số 17 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 10 người (59%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 5 người (29%) dự báo giá vàng giảm; 2 người (12%) dự báo giá vàng đi ngang. Trong khi đó, trong số 2.276 độc giả tham giá khảo sát trực tuyến của Kitco, có 915 người (40%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 796 người (35%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 565 người (25%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang trong tuần tới. |