Báo chí thời 4.0: Thời cơ lớn, thách thức cũng nhiều
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có sức tác động mạnh mẽ đến từng ngành, với báo chí nó tạo ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức.
Không thể phủ nhận công nghệ truyền thông và cuộc cách mạng 4.0 đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực trong đời sống báo chí. Xu hướng cơ quan báo chí đa phương tiện và toà soạn hội tụ ngày càng thể hiện rõ nét trong hoạt động báo chí.
Cơ quan báo chí đa phương tiện và toà soạn hội tụ thể hiện rõ nét trong hoạt động báo chí |
Theo ông Tống Tuấn Minh (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông), cách mạng công nghiệp 4.0 đã từng bước thâm nhập vào đời sống báo chí Việt Nam từ khoảng 10 năm trở lại đây với một số mô hình đã được áp dụng, tiêu biểu như mô hình tòa soạn hội tụ. Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cũng thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ báo chí trong thời kỳ mới, cách thức hoạt động trong tòa soạn hội tụ, cách khai thác tin, bài để có thể ứng dụng trên nhiều loại hình báo chí khác nhau.
Để là lực lượng xung kích trong mặt trận tư tưởng của thời đại 4.0, với mỗi bài báo viết đúng có lẽ là chưa đủ bởi, khi đã có được những tác phẩm tốt chúng ta cần biết cách sử dụng các phương pháp để tuyên truyền thông tin đó đến với bạn đọc.
Đặc biệt, thách thức cận kề đối với người làm báo chính thống khi sức mạnh của mạng xã hội đã thể hiện rõ ràng, nhà báo cũng cần có các yêu cầu mới.
Nói về yêu cầu của nhà báo đáp ứng môi trường làm báo mới như hiện nay, ông Trần Bá Dung – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam cho biết, nếu chúng ta không có trình độ xử lý thiết bị máy tính, không có khả năng phân tích tổng hợp, không có kiến thức của một người tự tổ chức nguồn thông tin của mình, bao gồm trình bày, đồ họa, cùng các phương thức liên quan để truyền tải trên tác phẩm báo chí, thì chắc chắn chúng ta sẽ bị tụt hậu.
Ông Tống Tuấn Minh đồng thời cho rằng, mặc dù báo chí chính thống có nhiều lợi thế như: Tính chính xác, chuẩn mực cũng như phương thức chọn lọc thông tin phù hợp với từng đối tượng độc giả của các cơ quan báo chí, nhưng không thể phủ nhận, nếu không có sự thay đổi để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi đề cao sự kết nối, báo chí sẽ ngày càng bị lấn át bởi các làn sóng mới trên môi trường mạng.
Do đó, trước thách thức của mạng xã hội phát triển tràn lan như hiện nay, với nhiều thông tin giả, xấu, độc,... những người cầm bút cần phải tiếp cận, thanh lọc thông tin, tuyên truyền một cách đúng đắn và hiệu quả.
Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua, bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền.
Theo bà Minh, báo chí đóng vai trò truyền tải và nắm bắt hơi thở, cuộc sống của nhân dân, do đó các cơ quan báo chí truyền thông nên tập trung tuyên truyền, đưa ra các thông điệp chính xác, truyền tải một cách đầy đủ để mọi tầng lớp nhân dân tiếp cận kịp thời hơn, tránh xảy ra những hiểu lầm không đáng có.
Bên cạnh đó, trong thời buổi công nghệ phát triển, mạng xã hội tràn lan như hiện nay thì những người công tác trong lĩnh vực báo chí đặc biệt cần có sự chủ động hơn nữa, nắm bắt dư luận và tín hiệu không tốt từ xã hội để có cách định hướng, truyền thông chính xác và hiệu quả.
Việc đưa các bài báo chính thống lên mạng xã hội để định hướng mạng xã hội là việc nên làm của những nhà báo chân chính. Tính lan truyền của mạng xã hội rất mạnh, người làm báo nếu tuyên truyền thông tin một cách đúng đắn thì bài báo đó, tờ báo đó càng trở nên uy tín, được bạn đọc tin tưởng và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Xung kích trên mặt trận tư tưởng đối với nhà báo là không ngừng học tập rèn luyện, mỗi nhà báo cần có tác phẩm hay, đúng và trúng để dẫn dắt dư luận. Và mới mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, người làm báo phải trung thực với mình, cho dù làm báo ở cơ quan hay tham gia thông tin trên mạng xã hội.