Vì sao Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ?
(PetroTimes) - Ngày 19/6, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ).
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley, đã thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền ngày 19/6 |
Đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley ngày 19/6 công bố quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì lý do cơ quan này đối xử không công bằng với Israel.
"Chúng tôi phải thực hiện quyết định này bởi vì cam kết của chúng tôi không cho phép chúng tôi tiếp tục là một phần của một tổ chức giả tạo, nó làm cho nhân quyền trở thành một chủ đề bị nhạo báng", bà Nikki Haley nói.
Bà Nikki Haley cáo buộc Hội đồng Nhân quyền LHQ thiên vị có hệ thống chống lại Israel, theo Reuters.
Mỹ từ lâu đã đe dọa rút lui khỏi tổ chức LHQ. Một năm trước đây, bà Nikki Haley đã nói rằng Washington đang xem xét lại tư cách thành viên của mình và kêu gọi cải cách và loại bỏ “sự thiên vị chống Israel kinh niên”.
Theo bà Haley, Hội đồng Nhân quyền LHQ có một nội dung thường trực trong nghị trình là những vi phạm nhân quyền của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Washington muốn đưa vấn đề này ra khỏi nghị trình.
Tháng trước, Hội đồng đã bỏ phiếu thông qua cuộc điều tra về các vụ sát hại ở dải Gaza và cáo buộc Israel đã sử dụng bạo lực quá mức. Mỹ và Úc là hai nước bỏ phiếu chống. Đại sứ Israel ở Geneva đã lên án Hội đồng này là “truyền bá sự dối trá về Israel”.
Bà Haley khẳng định, việc rút ra khỏi Hội đồng Nhân quyền không đồng nghĩa với việc xóa bỏ “các cam kết nhân quyền” của Washington mà trái lại Mỹ sẽ là nước đi đầu trong việc bảo vệ nhân quyền.
Kể từ khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng đầu năm 2017, Hoa Kỳ đã rút khỏi UNESCO, cắt giảm tài trợ cho các cơ quan LHQ và tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Ngay sau thông báo của Mỹ, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu rằng ông mong muốn Hoa Kỳ vẫn ở lại Hội đồng Nhân quyền.
Theo Reuters, việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ bị các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo sẽ làm cho việc thúc đẩy nhân quyền toàn cầu trở nên khó khăn hơn nữa.
Khi Hội đồng Nhân quyền ra đời vào năm 2006, chính quyền của Tổng thống George W. Bush lúc đó đã không tham gia.
Sau đó, dưới thời của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã được Đại hội đồng LHQ bầu vào cơ quan này với tối đa hai nhiệm kỳ liên tiếp. Sau một năm nghỉ, Washington đã được bầu trở lại cho nhiệm kỳ 3 vào năm 2016.
Nh.Thạch