Grab, Uber tạo cảm hứng và cổ vũ cho sự sáng tạo
Thay vì than phiền, kêu gọi tẩy chay hay khởi kiện, các hãng taxi truyền thống có lẽ nên tự làm mới mình mới mong cạnh tranh sòng phẳng và tồn tại.
Với một thị trường đa số là những người trẻ, tỷ lệ người dùng điện thoại di động thông minh cao, Việt Nam chính là một trong những thị trường lý tưởng cho các hãng taxi công nghệ. Ở chiều ngược lại, các hãng taxi truyền thống đứng trước bài toán khó và kết quả kinh doanh của họ đã nói lên tất cả.
Tự chuyển mình khi "than phiền" không hiệu quả
Không ai dám cam đoan một hành khách bước lên taxi truyền thống không bị làm phiền bởi các vấn đề như đồng hồ chạy quá nhanh hay lái xe từ chối chở khách vì đường quá ngắn, thậm chí cố tình chạy lòng vòng với khách “chân ướt chân ráo” từ nơi khác đến… Muốn biết nỗi đoạn trường đi vài km có thể bị hét giá vài triệu đồng, có thể hỏi vài du khách nước ngoài mà nhiều trường hợp đã được báo chí phản ánh.
Để phản đối taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống than phiền về chuyện cạnh tranh bất bình đẳng, thậm chí có hãng còn dán lên thân xe khẩu hiệu “hãy đi taxi truyền thống để bảo vệ nguồn thu ngân sách” (?!). Một số hãng còn lựa chọn hình thức khởi kiện các hãng taxi công nghệ cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Tuy nhiên, sau một thời gian từ than phiền đến kêu gọi, khởi kiện mà không có kết quả, không còn cách nào khác, chính các hãng taxi truyền thống cũng phải đổi mới, chuyển mình và... áp dụng công nghệ. Nhằm cạnh tranh với xe chở khách như Grab, Uber, thời gian qua, nhiều hãng taxi Việt triển khai ứng dụng gọi xe công nghệ. Tuy nhiên. do phần mềm bất tiện, giá cước đắt, quảng cáo hạn chế, taxi công nghệ Việt vẫn chưa chứng tỏ được mình.
Tạm gác câu chuyện cạnh tranh thị phần giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, nhìn dưới góc độ người tiêu dùng, rõ ràng, họ đang được hưởng lợi và chẳng có lý do gì để họ phản đối một một loại hình vận chuyển hành khách mới tiện và rẻ hơn rất nhiều.
Thay đổi hoặc bị đào thải
Câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab trong suốt 1 năm trở lại đây cũng chỉ với một câu hỏi: Thay đổi hay là chết? Bám víu vào phương thức kinh doanh vốn đã lỗi thời liệu có đủ sức trống lại sự bành trướng của một phương thức khác thuận lợi hơn, hấp dẫn người dùng hơn?
Bình luận về “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech Group, cho rằng đã đến lúc taxi truyền thống nên lựa chọn thay đổi hoặc bị đào thải.
"Điểm dễ nhận thấy ở các hãng taxi truyền thống là tính bảo thủ. Họ vẫn giữ cách thức kinh doanh như hàng chục năm về trước, và rất chậm chễ trong việc tự thay đổi chính mình nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người dùng, chứ không chỉ đơn thuần là nằm ở đối thủ cạnh tranh như Uber hay Grab", ông Bình nhận định.
Và nói như ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber là ví dụ rất sinh động của các doanh nghiệp ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp. Câu chuyện của Grab, thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác.