Total và chiến lược chinh phục thị trường LNG thế giới
(PetroTimes) - Tập đoàn dầu khí Total của Pháp đã ký với Sonatrach, công ty dầu khí quốc gia của Algeria, và Repsol của Tây Ban Nha thỏa thuận chuyển nhượng mới để phát triển mỏ khí ngưng tụ trên bờ Tin Fouye Tabnkoft tại Algeria trong 25 năm, theo truyền thông Algeria ngày 16/6.
Một cơ sở khai thác khí của Total ở Algeria |
Chung tay phát triển
Công ty dầu khí quốc gia Algeria cho biết, các đối tác trong dự án phát triển TFT sẽ đầu tư 324 triệu USD để hỗ trợ sản xuất tại hiện trường ở mức 3 tỷ mét khối mỗi năm trong 6 năm tới.
Với dự án này, Total đề ra mục tiêu thực hiện chiến lược toàn cầu của mình nhằm gia tăng sản lượng khí trong điều kiện cạnh tranh. Tại Tin Fouye Tabnkoft, công ty hy vọng sẽ giới thiệu các công nghệ mới để khai thác hết trữ lượng của mỏ này. Các khoản đầu tư sẽ hướng đến phục vụ việc khoan giếng mới để phát triển tiềm năng tài nguyên bổ sung của Tin Fouye Tabnkoft, ước tính khoảng 250 triệu thùng dầu quy đổi. Theo thỏa thuận mới, Sonatrach với 51% cổ phần sẽ giữ quyền kiểm soát tài sản, Total giữ 26,4% và Repsol chiếm 22,6% trong đó.
Tin Fouye Tabnkoft đã được phát triển bởi Sonatrach kể từ khi được phát hiện vào năm 1980. Tuy nhiên, ban đầu, Sonatrach chỉ tập trung khai thác dầu ở đây mà thôi. Chỉ đến năm 1996, công ty dầu khí quốc gia Algeria mới bắt đầu mời gọi Total và Repsol tham gia khai thác khí ngưng tụ ở mỏ này, và vào năm 1999 thì cả 3 bên cùng bắt đầu chung tay khai thác khí tự nhiên ở nơi đây.
Tin Fouye Tabnkoft là một trong những mỏ khí lớn nhất được phát triển ở Algeria với sự tham gia của các công ty dầu mỏ quốc tế. Công ty Total của Pháp đã hoạt động tại quốc gia Bắc Phi này từ năm 1952. Năm ngoái, Total đã đạt sản lượng 15.000 thùng dầu quy đổi mỗi ngày tại Algeria và tất cả đều được khai thác ở Tin Fouye Tabnkoft, mỏ dầu và khí ngưng tụ mà trong đó người Pháp sở hữu 35% trước khi đăng ký nhượng quyền.
Vào tháng 3/2018, Total bắt đầu sản xuất khí đốt tại mỏ Timimoun của Algeria, với kế hoạch khoan 37 giếng. Công ty Pháp có 37,75% cổ phần ở mỏ này. Năng lực sản xuất ước tính khoảng 5 triệu mét khối khí mỗi ngày (tương đương khoảng 30 nghìn thùng dầu quy đổi). Ở đỉnh điểm khai thác, sản lượng khí tại mỏ sẽ đạt 1,6 tỷ mét khối mỗi năm.
Total tăng cường sức mạnh
Từ đầu tháng 3 năm nay, sau khi hoàn tất thỏa thuận sáp nhập Maersk Oil, Total đã tăng thêm được 12,25% cổ phần trong dự án phát triển các mỏ dầu El Merk, Hassi Berkine và Ourhoud của Algeria, nhờ đó có thể gia tăng sản lượng thêm 400.000 thùng dầu quy đổi mỗi ngày.
Trong tháng 11/2017, Total đã ký một thỏa thuận mua lại toàn bộ tài sản khai thác dầu khí và tài sản chế biến LNG của Engie (công ty đa quốc gia chuyên về sản xuất và phân phối điện, khí thiên nhiên và năng lượng tái tạo) ở Algeria, đồng thời cũng mua lại hợp đồng dài hạn cung cấp LNG từng được Engie ký với Sonatrach. Sau khi hoàn thành thỏa thuận này trong năm nay, Total sẽ tăng đáng kể sự hiện diện của mình trên thị trường Algeria.
Ngoài ra, vào tháng 5 năm nay, công ty Pháp đã ký một thỏa thuận với Sonatrach để nghiên cứu kỹ thuật xây dựng dự án hóa dầu Arzew, ở phía tây Algeria.
Với việc mua lại Engie, Total vươn lên chiếm vị trí số hai trên thị trường LNG thế giới. Với thỏa thuận trị giá 1,49 tỷ USD này, cũng như với số lượng tài sản cực lớn mua được của Engie và các hợp đồng cung cấp LNG dài hạn, công ty Pháp đã gia tăng rõ rệt sự hiện diện mạnh mẽ của mình trong phân khúc này, và có thể kiểm soát việc cung cấp LNG từ Hoa Kỳ, Ai Cập, Algeria, Nigeria, Na Uy, Nga và Qatar với tổng mức 28 triệu tấn/năm (từ năm 2020). Công ty sẽ có quyền tiếp cận với khả năng tái chế biến LNG ở châu Âu khoảng 18 triệu tấn mỗi năm. Ngoài ra, Total cũng đã tăng được đội tàu chở khí của riêng mình lên thêm 13 tàu chuyên dụng chở LNG.
Algeria quyết tâm vươn mình
Đối mặt với doanh thu giảm trong những năm gần đây (do giá hydrocacbon xuống thấp trong giai đoạn các năm 2014-2016), chính quyền Algeria sẽ xem xét luật pháp quốc gia trong lĩnh vực sử dụng lòng đất và thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến với đất nước. Hiện Algeria đã xuất khẩu hơn 80% lượng khí sản xuất trong nước sang châu Âu. Trên bảng cân đối tài nguyên, nước này có nguồn trữ lượng dầu lớn thứ ba ở châu Phi. Doanh thu bán dầu và khí đốt mang lại cho Algeria 95% thu nhập xuất khẩu và 60% ngân sách của nước này. Ngoài ra, lượng tiêu thụ nội địa cũng đang gia tăng rõ rệt: từ năm 2010 đến năm 2017, nhu cầu trong nước về hydrocacbon lỏng tăng từ 210 nghìn lên 420 nghìn thùng dầu quy đổi.
Từ nay đến năm 2021, chính phủ Algeria sẽ đầu tư 78 tỷ USD vào việc thăm dò và phát triển nguyên liệu hydrocacbon. Nhà nước cũng chú trọng phát triển nguồn cung cấp LNG trong giai đoạn 2018-2020. Nước này có trữ lượng hydrocacbon đá phiến đáng kể. Hiện tại thì chính quyền Algeria chưa có một kế hoạch rõ ràng cho sự phát triển khai thác dầu và khí đá phiến, nhưng hy vọng sẽ thu hút được các công ty quốc tế phát triển nguồn tài nguyên có tiềm năng vô cùng to lớn này.
Về phần mình, công ty dầu khí quốc gia Algeria Sonatrach đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ lọt vào top 5 công ty dầu khí hàng đầu thế giới. Từ năm 2022 công ty có kế hoạch đầu tư 56 tỷ USD vào các dự án thăm dò và khai thác hydrocarbon. Ở những dự án khí mới trong giai đoạn 2017-2018, các mỏ Nord và Timimoun đã được đưa vào hoạt động, đồng thời, dự kiến trong nửa cuối năm nay, với sự ra mắt của mỏ Touat, Algeria đảm bảo nâng cao sản lượng khí sản xuất trong nước trong những năm tới lên đến khoảng 9 tỷ mét khối mỗi năm.
Bá Thủy