Nhiều trường khẳng định không dễ dãi trong tuyển sinh năm 2018
Điểm mới của xét tuyển ĐH, CĐ năm nay là các trường được tự xác định điểm sàn và tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm trong “Hội nghị Công tác thi THPT Quốc gia và tuyển sinh năm 2018” diễn ra vào chiều qua (15/6) nhiều trường khẳng định: “Không vì thế mà tuyển sinh bằng mọi giá”.
“Hội nghị Công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018” được tổ chức trực tuyến tại 5 điểm cầu trên cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chủ trì hội nghị.
Mở đầu hội nghị, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo chung về tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Theo báo cáo, về cơ bản kỳ thi THPT năm nay được giữ ổn định như năm 2017 và có một số điều chỉnh như: Nâng cao độ phân hóa của đề thi, Thí sinh đã đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH thì phải thi đầy đủ hai bài thi mới được xét công nhận tốt nghiệp THPT, Thời gian chuyển tiếp giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp từ 20 phút rút ngắn xuống còn 10 phút…
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và Kiểm định giáo dục: Đến nay Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng về công tác thi. Dự kiến có khoảng 45.000 cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp với các địa phương tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Các khâu kỹ thuật như sử dụng các phần mềm hay tổ chức sắp xếp phòng thi, cụm thi đã cơ bản hoàn thành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị (Ảnh P.T) |
Đại diện các trường đại học, cao đẳng cũng cho biết: Hiện nay, công tác phối hợp với các Sở GD&ĐT để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đều tiến triển tốt và đã tương đối hoàn thiện các đầu việc.
Hiện, các cụm thi đang thực hiện khâu in sao đề thi và quy trình nghiêm ngặt, cách ly 3 vòng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tất cả các cụm thi trên cả nước cần tuân thủ nghiêm túc, đúng quy chế thi. Công tác chuẩn bị kỳ thi càng thuận lợi thì càng phải cẩn thận, không được chủ quan để xảy ra những sự cố đáng tiếc, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng như kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, vì một giáo viên để lọt đề thi đã làm ảnh hưởng đến cả kỳ thi.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị thời gian tới các trường ĐH, CĐ chủ động phối hợp với các địa phương trong công tác tổ chức thi, cử đủ cán bộ, giảng viên về coi thi tại các địa phương, tổ chức phổ biến cũng như tập huấn nghiêm túc quy chế và nghiệp vụ coi thi.
Tại hội nghị, phương thức tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ cũng được quan tâm. Điểm mới của xét tuyển ĐH, CĐ năm nay là các trường được tự xác định điểm sàn và tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, nhiều trường đại học bày tỏ dù được nới lỏng trong tuyển sinh nhưng sẽ không tuyển sinh bằng mọi giá. Bởi, nhiều trường lo ngại việc dễ dãi trong đầu vào sẽ ảnh hưởng đến uy tín lâu dài cũng như chất lượng đào tạo của trường.
Vì vậy, đại diện của nhiều trường đã có đề nghị tới Bộ GD&ĐT sớm công bố phổ điểm, mở cổng thông tin tuyển sinh… để các trường chủ động xác định sớm điểm sàn xét tuyển. Đáng chú ý, nhiều trường mong muốn Bộ GD&ĐT đẩy mạnh việc công bố chỉ tiêu sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng như thước đo chất lượng đào tạo.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh các trường đại học phải hết sức coi trọng công tác dự báo, cơ cấu nghề nghiệp để xác định chỉ tiêu, mở ngành đào tạo để tránh tình trạng "đưa chỉ tiêu nhiều nhưng thí sinh không vào". Các trường cần chú trọng tới điều kiện chất lượng đào tạo, chấp nhận tuyển sinh ít trong một vài năm để củng cố cơ sở vật chất bảo đảm tăng chỉ tiêu bền vững trong tương lai.
"Hiện có 60% các trường tham gia xét tuyển theo nhóm, nhờ đó đã giúp lọc ảo hiệu quả. Vì vậy, các trường nên nghiên cứu, tham gia tích cực", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị kỳ thi THPT Quốc gia 2018 về cơ bản không nên thay đổi nhiều.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì: Khi triển khai ổn định xong chương trình sách giáo khoa mới cũng như thực hiện đổi mới tương đối căn bản giáo dục đại học theo hướng tự chủ thì lúc đấy có chăng mới có sự thay đổi lớn về phương thức tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Chính vì vậy, trong một vài năm tới kỳ thi THPT sẽ ổn định theo hướng nhẹ nhàng hơn với xã hội, các phụ huynh, các cháu học sinh nhưng vẫn đảm bảo trung thực khách quan và an toàn.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia chứ không phải kỳ thi Đại học. Vì vậy các phương thức tổ chức phải được triển khai một cách khách quan trung thực, để các trường đại học lấy đó để tham khảo phục vụ cho công tác tuyển sinh của mình, cùng với đó các trường cần tiếp tục đổi mới để sau này có kế hoạch kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Trong thời điểm này và một vài năm tới sự tham gia của các trường đại học vào việc tổ chức kỳ thi này cùng với các Sở giáo dục và các địa phương là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm liên quan đến đầu vào của các trường đại học mà là trách nhiệm của xã hội làm sao để các trường đại học là nơi tập hợp những tinh hoa nhất của đất nước”.
Huyền Anh