Bảo vệ trẻ em không bị bạo hành, xâm hại
Khoảng cách xa từ luật tới thực tế
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã trình bày trước Quốc hội những đánh giá, các biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bổ sung một số biện pháp.
Luật đã có nhưng ít ai thực thi
Theo Thủ tướng Vũ Đức Đam, về hành vi xâm hại trẻ em, phải xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, không để lọt tội và quan trọng nhất phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên trên hết. Tuy nhiên, việc bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ có xử lý các vụ việc mà cần có 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp như pháp luật đã quy định đối với các vụ việc bạo hành, trong đó có dâm ô với trẻ em.
Theo Phó Thủ tướng, từ năm 1990 đã có công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới tham gia hoàn toàn công ước này, không bảo lưu bất kỳ một điều gì. Hay tại Luật Trẻ em năm 2016, vấn đề này được quy định cụ thể, trong đó quy định rất rõ vai trò của UBND cấp xã.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận xét: Mặc dù Luật Trẻ em 2016 đã có hiệu lực được 1 năm, nhưng đến nay còn nhiều điều quy định cụ thể trong luật chưa triển khai. “Điều 12 của Luật Trẻ em quy định người được phân công trách nhiệm bảo vệ trẻ em là ở cấp xã. Nhưng đến nay, số địa phương thực hiện việc này rất ít”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã giải quyết nguồn lực để bảo đảm công tác bảo vệ trẻ em qua y tế và giáo dục tốt. Luật pháp cũng có quy định chương trình bảo vệ trẻ em thông qua ngành LĐ-TB&XH, tuy nhiên, đến nay chưa đến một nửa số địa phương đưa vấn đề này ra hội đồng nhân dân để triển khai.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Luật không chỉ quy định tòa án, viện kiểm sát, công an, mà còn quy định trách nhiệm của Đoàn TNCS, Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ trẻ em… bảo vệ trẻ em, nhưng đến giờ phút này chưa có một chương trình tập huấn đồng bộ của các đoàn thể này xuống cán bộ phụ trách ở cấp cơ sở. Tới đây, chúng tôi sẽ tổng kết vấn đề này, việc gì làm được nói được, việc gì không làm được nói không. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, công tác bảo vệ trẻ em sẽ phải lo từ khâu phòng ngừa”.
Cần lên tiếng khi trẻ bị xâm hại
Trong khi Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em Việt Nam bị xâm hại là con số nhỏ so với thế giới, thì Phó Thủ tướng cho biết, thế giới thống kê trẻ em bị xâm hại không chỉ là bị xâm hại bằng hành vi đánh đập, hành động dâm ô mà bị xâm hại cả bằng lời nói, thái độ.
“Tại Mỹ có 83% bé gái, 79% bé trai khi được hỏi đều trả lời có bị xâm hại. Hàn Quốc có 67% số trẻ em được hỏi công nhận bị xâm hại. Tại Việt Nam, theo một tổ chức quốc tế điều tra thống kê theo cách hỏi riêng thì có 62% số trẻ em được hỏi nói rằng có bị xâm hại” - Phó Thủ tướng dẫn chứng.
“Rõ ràng, con số 2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm, 1.300-1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục là con số nổi rất nhỏ trong tảng băng chìm. Chúng ta cần có giải pháp đồng bộ, để không chỉ là 2.000, mà còn nhiều vụ xâm hại trẻ em nữa được báo và được xử lý” - Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Tôi lưu ý hai điều. Một là cần phải có quy trình điều tra xét xử thật sự thân thiện để người ta mạnh dạn dám trình bày, dám tố cáo. Thứ hai là phải có quy định để các chuyên gia tâm lý, các nhà hoạt động xã hội tham gia từ đầu khi có vụ việc xảy ra”.
Dẫn chứng thực tế, từ năm 2016, Chính phủ thành lập Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, ngay sau khi tổng đài hoạt động, số lượng cuộc gọi đến hỏi, tư vấn, báo trẻ em tăng lên rất nhiều, Phó Thủ tướng nói: “Chúng tôi mong bằng giải pháp đồng bộ, một mặt chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, không coi trẻ em như ngày xưa là “yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”. Hiện nay chúng ta sống trong thời đại văn minh, khi trẻ em bị xâm hại cần lên tiếng và trẻ em cần được bảo vệ một cách đúng đắn”.
Nguyễn Bách