Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội và mục tiêu 5 triệu USD
(PetroTimes) - Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) vừa ban hành Kế hoạch số 173/KH-SVHTT triển khai chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm phát triển đa dạng ngành công nghiệp văn hóa bền vững.
Mục tiêu đến năm 2020, ngành điện ảnh phấn đấu sản xuất được từ 4 đến 6 phim/năm đối với loại hình phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình; đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu phim, đến năm 2020 có từ 0,8-1,2 triệu lượt/người/năm xem phim.
Năm 2020 ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 5 triệu USD và đạt khoảng 8 triệu USD trong năm 2030. Trong đó, phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn từ 15 đến 20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp, phấn đấu mỗi năm có từ 3.500 đến 4.000 buổi biểu diễn, tới năm 2030 là trên 4.000 buổi biểu diễn.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh, tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô.
Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, thành phố sẽ tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng, gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Đồng thời từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng thời, Hà Nội sẽ phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế. Thúc đẩy văn hóa Thủ đô tăng trưởng và phát triển đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Thủ đô. Đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước với nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, công nghiệp văn hóa phát triển tương xứng với tiềm năng của Thủ đô, xứng đáng là con chim đầu đàn về văn hóa của cả nước.
Một số chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân và nhiều thách thức trong việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Một trong số đó là cơ chế xin - cho còn nặng nề, chưa khai mở sự sáng tạo, chưa thật sự tạo động lực cho những người làm nghệ thuật. Nhận thức xã hội, nhất là của những người trực tiếp liên quan đến lĩnh vực văn hóa, về vai trò, vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển chung của Thủ đô còn chưa đầy đủ, dẫn tới văn hóa vẫn bị coi là thứ yếu.
Những không gian sáng tạo mới, nơi truyền cảm hứng sáng tạo và kết nối cho giới nghệ sĩ, nhất là người trẻ, như Hanoi Creative City, Manzi, Doclab, Nhà Sàn Studio... chưa được quan tâm đúng mức, coi là một loại hình kinh doanh đặc biệt được hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện ưu tiên. Ngoài ra, tình trạng vi phạm bản quyền ở hầu hết những lĩnh vực thuộc các ngành công nghiệp văn hóa như sản xuất băng đĩa, in ấn, ý tưởng... cũng là cản trở lớn đối với những nhà quản lý văn hóa.
Nhã Anh