Ca khúc cho thiếu nhi
Xưa cảm xúc, nay… lãng quên!
Hiện nay, khi các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi đang ngày càng nở rộ, thì mảng ca khúc dành cho các em lại bị bỏ ngỏ. Trong hầu hết các cuộc thi, các em phải hát những ca khúc người lớn, vượt quá khả năng và hiểu biết của mình.
Đã có thời gian, các ca khúc sáng tác cho thiếu nhi có đời sống phong phú, tác động vào tâm lý và quá trình giáo dục văn hóa, nhận thức cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thời kỳ kháng chiến và xây dựng đất nước. Chính những ca khúc đó đã làm nên tên tuổi của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Tuyên, Hoàng Long - Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích… Thế nhưng, những nhạc sĩ lớp trước dần dần già đi, các ca khúc dành cho thiếu nhi cũng chỉ còn “vang bóng một thời” và cũng trở nên lạc lõng trong đời sống của trẻ em hiện đại. Bao năm đã trôi qua, làng nhạc thiếu nhi vẫn chỉ quanh đi quẩn lại những “thành tựu” cũ, những gương mặt cũ, những bài hát cũ và chỉ gói gọn trong “ba vào nhà máy, mẹ đi cấy cày” không còn phù hợp với đời sống ngày nay.
Một tiết mục trong chương trình “Gương mặt thân quen nhí” |
Thời gian qua, chương trình “Giai điệu tự hào” đã đem đến cho khán giả một số ca khúc thiếu nhi nổi tiếng một thời. Ca sĩ Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh đã cùng trình bày ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, Thiện Thanh (con gái ca sĩ Thanh Lam - Quốc Trung) trình bày ca khúc “Em yêu trường em” hay Hồng Nhung thể hiện “Người cho em tất cả”… đã khiến nhiều khán giả rưng rưng xúc động vì sự gần gũi và thân quen của các ca khúc đồng hành cùng tuổi thơ của nhiều thế hệ. Thế nhưng đối với trẻ em thời hiện đại, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Người cho em tất cả”, “Hạt gạo làng ta”… thật khó hiểu, khó hình dung được, nên lẽ đương nhiên trẻ không mấy mặn mà với những ca khúc này.
Nhạc sĩ Hoàng Lân đánh giá, những bài hát đã có đời sống lâu dài thì thường lặp lại trong các hội diễn, trong khi số bài mới quá nhỏ nhoi và chất lượng lại chưa tốt, thường chỉ xuất hiện một lần rồi… biến mất. Hiện nay, nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều, nếu có thì ít bài có sức lan tỏa rộng, hầu hết chỉ được phổ biến gọn trong một địa phương hoặc vùng nhỏ. Một số bài có lời ca còn rất thô thiển, âm nhạc lai căng, dễ dãi, ít tính thẩm mỹ, đôi khi phản cảm, thiếu tính giáo dục… Đặc biệt, loại bài hát dành cho lứa tuổi trung học phổ thông rất hiếm hoi. Chính vì thế, tại nhiều chương trình ca nhạc, hội diễn, các em hát toàn bài của người lớn, cả nội dung và nghệ thuật đều quá sức.
Nhạc sĩ Hoàng Long tâm sự: “Ca khúc thiếu nhi không còn được chú trọng nữa. Trước đây đài phát thanh, đài truyền hình luôn có nhiều chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi. Giờ đây mọi thứ đã không còn như trước. Ca khúc cho thiếu nhi phải viết bằng cái tâm chứ không phải vì tiền. Nếu viết vì tiền, đó sẽ là nhạc thị trường. Phải chăng do thù lao bồi dưỡng cho các sáng tác nhạc thiếu nhi thấp hơn nhạc thị trường nên các nhạc sĩ không còn mặn mà? Sẽ rất khó khăn cho nhạc Việt có chỗ đứng trong lòng trẻ em. Vấn đề nữa là trẻ em hiện nay đang hát những ca khúc không đúng với lứa tuổi, điều đó có thể ảnh hưởng tới cả tâm tính và cách trẻ nhìn nhận về xã hội sau này”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, người có nhiều ca khúc được thiếu nhi cả nước yêu mến, cho rằng: “Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi vừa phải đáp ứng được nhu cầu chơi của các em, vừa phải đáp ứng được tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm thích vui chơi của trẻ. Thiếu nhi là những giám khảo đặc biệt, không phải phân tích tác phẩm như thế nào, chỉ cần thích là hát thôi. Muốn sáng tác cho thiếu nhi, phải thâm nhập vào thế giới tuổi thơ, cảm nhận cuộc sống bằng con mắt trẻ thơ và tư duy theo cách trẻ thơ”.
Nhạc sĩ Văn Dung, tác giả bài hát “Chim chích bông”, chia sẻ: “Thời chúng tôi, chiến tranh loạn lạc, cơm không đủ ăn, nhưng tinh thần và tâm hồn luôn hướng về trẻ em và viết nhạc thiếu nhi bằng tất cả niềm yêu mến và tự hào, cho nên mỗi ca từ cất lên đều dạt dào cảm xúc. Vậy mà trong thời bình, khi cơm đã no, áo đã ấm thì âm nhạc cho thế hệ tương lai đất nước lại bị lãng quên. Các nhạc sĩ trẻ không nên vin vào cái gọi là mưu sinh, thị trường... bởi thời nào chẳng phải mưu sinh. Nếu thực sự quan tâm và nghĩ đến trẻ nhỏ thì hoàn cảnh nào cũng có thể viết nhạc. Xưa kia, làm gì có đơn đặt hàng hay cát-xê. Thế mà Phạm Tuyên vẫn viết được 250 bài, Hoàng Long - Hoàng Lân viết 200 bài hát dành cho thiếu nhi...
Là một trong số ít nhạc sĩ trẻ đam mê với dòng nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: Việc không có những bài hát thiếu nhi mới dẫn đến các em không có những ca khúc thực sự gần gũi với cuộc sống. Nhạc sĩ trẻ cũng khẳng định: “Để viết ca khúc cho cho thiếu nhi, trước hết cần phải thật sự là bạn của một đứa trẻ. Phải dành thời gian chơi và nói chuyện để hiểu về sở thích, hứng thú của trẻ. Bài hát thiếu nhi cần hướng chủ đề vào đúng điều các em muốn thì trẻ mới thích nghe, thích hát, như vậy mới tốt và hiệu quả. Theo đuổi nhạc thiếu nhi không phải ở lợi nhuận. Phải cân đối tài chính để nuôi được lâu dài đam mê. Bởi không phải hôm nay viết là hôm sau sẽ có tiền. Có thể viết xong sẽ bị lãng quên luôn, vậy phải viết như thế nào, cân đối như thế nào để đi được con đường lâu dài”.
Tháng 4-2018, gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên giới thiệu Dự án Sing Channel phát hành trên Internet với gần 3.000 bài hát thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1930 trở lại đây. Sing Channel có nhiều ca sĩ tham gia, như: Nguyễn Trần Trung Quân, Bảo Trâm, giọng ca nhí Nhật Minh, Ngọc Linh… Dự án sẽ mở rộng nội dung và hợp tác với VTVGo, VTVCab, Nhaccuatui, Metub. |
K.An