Đường sắt Việt Nam
Hạ tầng lạc hậu - Báo động đỏ!
Các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất cập trong lĩnh vực đường sắt, trong đó có vấn đề hạ tầng và công tác quản lý.
Ngày 27-5, một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại điểm giao nhau giữa đường sắt với đường ngang dân sinh, thuộc địa bàn xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Thời điểm trên, tàu hàng số hiệu SH3 đang lưu thông theo hướng Bắc - Nam, khi đến đây thì đâm vào xe bồn BS 37C-17.316 đang băng qua đường sắt. Vụ tai nạn khiến chiếc xe bồn bị văng xoay nằm dọc đường sắt, đầu xe hư hỏng nặng, tài xế bị thương.
Trước đó, sự cố tàu SE19 đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng đâm vào xe tải chở đá băng qua đường tại khu gian Khoa Trường (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) ngày 24-5 khiến 2 lái tàu tử vong, tài xế xe tải và 10 hành khách, nhân viên trên tàu bị thương nặng.
(Ảnh minh họa) |
Sau đó, lúc 17 giờ ngày 26-5, tàu hàng ASY2 chạy từ Nam ra Bắc, đến đoạn qua Núi Thành (Quảng Nam) đã đâm trực diện tàu hàng 2469 chạy ngược lại. Vụ va chạm khiến 100m đường ray bị hư hỏng, 4 toa tàu và 2 đầu máy hư hỏng nặng. Cùng thời điểm, trên tuyến đường sắt đoạn vào ga Yên Xuân (Nghệ An), tàu hàng kéo 27 toa chở đá hộc và thạch cao bị trật bánh toa xe thứ 3 và giá chuyển toa xe thứ 4. Không có thương vong về người, nhưng vụ việc đã khiến giao thông đường sắt ách tắc.
Chia sẻ về nguyên nhân của các vụ tai nạn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Nguyên nhân thứ nhất do hệ thống quy định bảo đảm vận hành và an toàn đường sắt chưa hoàn thiện, cần phải nghiên cứu, hoàn thiện ngay; Nguyên nhân thứ hai là, hạ tầng kỹ thuật cơ sở quá kém. Máy tàu, toa tàu, hệ thống đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ lạc hậu bậc nhất so với thế giới; Nguyên nhân thứ ba là, ý thức tuân thủ của người dân trong quá trình tham gia giao thông rất thấp. Ngay ở xung quanh thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt hết sức “nham nhở”, kiến trúc lộn xộn.
Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, ngành đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải phải chủ trì cùng với các bộ, ngành nghiên cứu đề án khả thi, báo cáo với Chính phủ về việc củng cố hệ thống đường sắt, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đồng thời nâng cấp các quy định và tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân viên đường sắt cũng như ý thức của công dân.
Có thể nói, khi so sánh với hệ thống đường sắt trên thế giới, đường sắt Việt Nam thuộc diện lạc hậu bậc nhất. Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hiện nay toàn ngành đường sắt đang sở hữu một khối lượng tài sản từ hạ tầng đến phương tiện có “thâm niên” rất cao. Riêng về thiết bị, ngành đường sắt có 294 đầu máy, với 11 chủng loại đã sản xuất trên 30 năm; gần 1.000 toa hành khách, 5.000 toa hàng hóa tuổi thọ trung bình cũng khoảng 30 năm. Trong số toa tàu khách mà ngành đường sắt hiện có, trừ những toa mới đóng, số còn lại ít nhất cũng đã sử dụng 14 năm.
Giai đoạn 2010-2015, vốn đầu tư cho giao thông tới 330.000 tỉ đồng, nhưng đường sắt vẫn chỉ được phân bổ 9.203 tỉ đồng (chiếm 3%), vốn đầu tư cho đường bộ là 299.000 tỉ đồng (chiếm 90%). |
Thực tế, đường sắt chưa được quan tâm đầu tư, phát triển đúng mức, dẫn đến tình trạng hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Nếu như giai đoạn 2001-2010, tổng vốn đầu tư cho ngành giao thông là 140.870 tỉ đồng thì vốn đầu tư cho đường sắt chỉ 4.802 tỉ đồng (chiếm 2,9%), trong khi đó vốn cho đường bộ tới 140.870 tỉ đồng (chiếm 88%). Giai đoạn 2010-2015, vốn đầu tư cho giao thông tăng gấp đôi, tới 330.000 tỉ đồng, nhưng đường sắt vẫn chỉ được phân bổ 9.203 tỉ đồng (chiếm 3%), vốn đầu tư cho đường bộ là 299.000 tỉ đồng (chiếm 90%). Chính vì vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt ngày càng xuống cấp, dẫn đến sức cạnh tranh của vận tải đường sắt ngày càng thấp so với các loại hình vận tải khác.
Hằng năm, ngành đường sắt cần 6.000 tỉ đồng duy tu, bảo dưỡng, nhưng nguồn ngân sách cấp chỉ có 2.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 1.200 tỉ đồng chi phí cho nhân công hệ tuần gác như nhân viên gác chắn, tuần đường, tuần hầm, bảo hiểm, quản lý... Chi phí vật tư cho bảo trì, duy tu chỉ chiếm khoảng 25% số vốn 2.000 tỉ đồng đó, bao gồm cả đường ray, thông tin tín hiệu, ghi, nhà ga, đường ngang... Đó là chưa kể nhiều công trình sửa chữa lớn, khẩn cấp hay sửa chữa, gia cố bảo đảm an toàn cũng trích ra từ khoản vốn đó. Và, theo tốc độ bảo trì hiện nay, tính toán của VNR cho thấy, phải quay vòng 70 năm mới hết 1 vòng bảo trì vì kinh phí được cấp rất thấp.
Lãnh đạo VNR cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất xin nguồn vốn trung hạn trái phiếu Chính phủ cho ngành đường sắt là 7.000 tỉ đồng để tập trung vào nâng cao kết cấu chạy tàu, trong đó khai thác đồng đều tải trọng toàn tuyến, kéo dài một số các đường ga.
Từ nay đến năm 2020, ngành đường sắt sẽ thay thế dần các chủng loại đầu máy, toa xe lạc hậu, công suất nhỏ (100 đầu máy mới, 150 toa xe khách, 300 toa xe vận chuyển container và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60km/giờ) với tổng kinh phí 4.700 tỉ đồng nhằm nâng cao hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt với các loại hình khác…
Trong khi chờ đợi, những nguy cơ gây tai nạn do hạ tầng yếu kém vẫn hằng ngày, hằng giờ đe dọa nhân viên ngành đường sắt, hành khách và người dân.
K.A