Huyền tích núi Bà Đen
Người ta vẫn thường gọi núi Bà Đen là núi Bà với lòng kính cẩn chốn thờ tự linh thiêng. Có nhiều huyền thoại về những di tích trên núi Bà ngọn núi được xem là biểu tượng thiêng liêng của vùng đất Tây Ninh trù phú, là "nóc nhà" của Đông Nam Bộ…
"Nóc nhà” Đông Nam Bộ
Cứ mỗi dịp xuân về, mọi người từ khắp nơi lại nườm nượp đổ về núi Bà Đen hành hương lễ bái, viếng Bà và cũng để vãn cảnh ngọn núi cao và đẹp – cách TP HCM hơn 100km về hướng Tây Nam.
Núi Bà đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trông xa xa ngọn núi như chiếc nón bài thơ nằm úp giữa vùng đồng bằng trù phú với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, cây cối tươi tốt quanh năm. Quần thể núi Bà trải rộng 24km², là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, gồm cụm 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo, trong đó cao nhất là núi Bà Đen. Nói đến núi Bà, người ta nghĩ ngay đến Điện Bà, tức là chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Điện Bà ở lưng chừng núi với hai ngôi chùa là chùa Thượng và chùa Hang.
Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi trời hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa linh thiêng vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Trên núi có một số hang động được các tăng ni, Phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà… Ở đây khí hậu ôn hòa mát mẻ vì ngoài cánh đồng bát ngát, núi Bà còn được bao bọc bởi hệ thống kênh đào dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng (nằm giữa vùng giáp ranh Tây Ninh – Bình Dương) là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất miền Nam.
Với chiều cao 986m so với mực nước biển, ngọn núi Bà Đen được mệnh danh là “nóc nhà” Đông Nam Bộ. Nếu nói về độ cao thì núi Bà chỉ bằng 1/3 so với đỉnh Phanxipăng – “nóc nhà” Đông Dương. Nhưng xét về dáng vẻ bề thế, hùng vĩ thì ngọn núi này xứng đáng là Phanxipăng của miền Đông.
Những người đam mê leo núi thường chinh phục đỉnh núi Bà theo hai con đường mòn chính. Một đường mòn nằm sau lưng Điện Bà ở lưng chừng núi, đường này gập ghềnh, khó đi với vách núi dựng đứng, những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau ngổn ngang. Một đường mòn khác bắt đầu từ Đài Liệt sĩ dưới chân núi, đi men theo các trụ điện lên thẳng đến đỉnh. Cả hai con đường lên đỉnh đều quanh co khúc khuỷu. Người leo núi có thể dừng chân nghỉ ngơi dưới những tán lá sum suê và vui đùa với loài khỉ hoang dã sống trên núi. Hai bên đường, tiếng chim hót véo von và tiếng nước chảy róc rách hòa cùng nhau tạo thành bản tình ca trong trẻo của núi rừng. Gần đến đỉnh là cơ man nào là cỏ tranh, tre, trúc, hoa ngũ sắc và bạt ngàn cỏ lau. Những cánh rừng cỏ lau rậm rạp liêu xiêu trong gió làm cho cảnh chiều tà trên đỉnh núi thêm huyền ảo. Khí hậu trên đỉnh mát dịu vào ban ngày và lạnh buốt vào ban đêm. Được nằm trên đỉnh núi khi màn đêm buông xuống là cảm giác khó tả với bất cứ ai.
Những ai đã từng đi thăm núi Bà mà có sở thích khám phá “đặc sản” núi ở đây hẳn sẽ nghe rằng: "Thằn lằn ốc núi núi Bà/ Ai chưa động đũa kể là chưa đi”. Thoạt lần đầu nghe nói đến món ăn thằn lằn núi, hẳn nhiều người sẽ ớn lạnh. Thế mà khi nhìn những chú thằn lằn núi to gần bằng cườm tay bị mổ bụng, chiên giòn để trong dĩa cùng mấy lát cà chua đỏ, rau xà lách xanh lại cảm thấy vô cùng hấp dẫn. Có thử rồi mới thấy thịt thằn lằn núi cuốn chung với rau giá lụa, đọt cóc, đọt rau nhái và mấy thứ rau thơm khác chấm mắm me, hóa ra lại ngon quá chừng. Thơm, giòn, béo… vô cùng! Nhiều người bảo ăn món này tráng dương và chữa chứng hen suyễn, nhức xương.
Món ốc núi cũng vậy, có người nói vui về thăm núi Bà mà chưa ăn ốc núi Bà thì coi như chưa đến đây vậy. Ốc núi sinh sống nhiều ở dưới chân núi, có hình dáng giống như loài ốc bươu nhưng mình dẹp và nhỏ hơn. Ốc núi có thể làm đủ món như nướng, xào me, xào tỏi, xào sa tế…, nhưng ngon nhất là luộc trộn gỏi với củ hành tây. Theo người dân địa phương, do ăn lá cây Nàng Hai (một loại cây thảo dược) nên thịt của ốc rất ngon và có vị thuốc trị được bệnh nhức mỏi.
Chuyện nàng Thiên Hương
Đi thăm núi Bà, mọi người sẽ được nghe những câu chuyện vốn truyền tụng từ lâu trong dân gian kể về cái tên núi Bà Đen như sự tích nàng Đênh, chuyện về nàng Lý Thị Thiên Hương… Trong đó, câu chuyện về nàng Thiên Hương đã được viết lại thành sách và dựng thành phim ảnh.
Thuở xa xưa núi Bà Đen vốn có tên là núi Một. Sự tích núi mang tên gọi Bà Đen được truyền tụng vào thế kỷ XVIII về người con gái tên Lý Thị Thiên Hương có võ nghệ cao cường, nhan sắc mặn mà với làn da bánh mật nên gọi là Bà Đen. Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Nàng là một người mộ đạo, mỗi dịp Nguyên Tiêu, nàng thường vượt đường xa lên núi lễ Phật. Một ngày kia, trên đường lên núi viếng chùa, nàng bị bọn cường sơn thảo khấu chặn đường uy hiếp. Thiên Hương chống trả rất quyết liệt, nhưng vì thân gái thế cô, nàng đành lao mình xuống vực sâu quyên sinh nhằm giữ tiết hạnh, quyết không chịu hoen ố thanh danh trong tay bọn chúng.
Đêm ấy, Thiên Hương về báo mộng cho nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Hôm sau nhà sư lần xuống vực sâu tìm xác nàng đi an táng. Tương truyền, Bà Đen lúc sinh thời thường làm phước, lập đức giúp đời, lúc chết rất hiển linh, vẫn ban an lành cho chúng sinh, thiện tính mười phương. Tin này lan rộng ra, từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái và cầu nguyện vì sự linh thiêng của người con gái tiết hạnh, xin cô phù hộ độ trì. Nhà chùa đã lập điện thờ bà trên núi để mọi người cúng bái, từ đó núi có tên là núi Bà Đen. Khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, vua nhớ lại khi bôn tẩu khắp miền Nam, lúc đến gần núi được bà mách bảo chỉ đường lánh nạn, liền sai Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng đốc thành Gia Định lên núi sắc phong cho bà, truy tặng cho bà danh hiệu Linh Sơn Thánh Mẫu, đặt tên chùa là Linh Sơn Tiên Thạch Tự và tạc tượng bà bằng đồng đen để cho nhân dân thờ phụng.
Việc hành hương về viếng bà vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây. Tháng Giêng hàng năm, dân chúng thập phương đổ về núi viếng bà, cầu tài, xin lộc rất đông. Từ những ngày tết cho đến suốt tháng Giêng, ngày nào cũng có hàng vạn người vãn cảnh núi Bà.
Ngoài ra, còn biết bao điều huyền bí được mọi người truyền tụng trên ngọn núi Bà Đen. Người dân địa phương bảo rằng, trên đoạn đường lên chùa Bà đến khu vực Tháp Tổ, trước đây khách tham quan có thể tìm thấy một tảng đá còn hằn rõ dấu chân to lớn mà theo huyền thoại là dấu chân của Ông Khổng Lồ. Dấu chân ấy giờ đã dần phai mờ theo thời gian. Ngoài ra, trên ngọn núi này qua bao năm tháng cho đến nay có một điều lạ mà hầu như mọi người không ai giải thích được vì con suối chảy quanh sườn núi bên dưới luôn óng ánh cát vàng. “Suối Vàng” nước chảy quanh năm, nước trong vắt mát lạnh, cát vẫn luôn ngời chiếu sắc vàng, thách thức những lời giải thích về mỏ vàng tiềm ẩn ở đâu đây.
Trên đoạn đường từ Điện Bà lên chùa Hang, đi chừng mươi bước nhiều người sẽ thấy ngay một tảng đá to lớn, cao hơn 3m, nứt làm đôi hiện ra một lối đi ở giữa trông hết sức kỳ thú. Tảng đá nứt đôi ấy gắn liền với huyền thoại cho rằng, thuở trước, khách hành hương từ Điện Bà muốn viếng chùa Hang phải đi vòng xuống “Suối Vàng” rất vất vả khó khăn do giữa đường đi có một tảng đá to chặn lấp. Thương cảm trước cảnh bá tánh phải cực nhọc đi vòng quanh như vậy, vị sư tổ thứ ba của Linh Sơn Tiên Thạch Tự lúc bấy giờ là Tánh Thiền đã đêm đêm đến bên tảng đá thành tâm khấn nguyện tụng kinh. Và chuyện lạ xảy ra trong một đêm nọ, tảng đá lớn tự dưng chuyển động và bỗng chốc nứt làm đôi, dịch ra thành một lối đi nhỏ chừng 2m. Tảng đá bị tách làm đôi ấy qua bao năm tháng đến nay vẫn còn nguyên vẹn…
Có thể thấy rằng huyền thoại về những di tích trên quần thể núi Bà Đen là rất phong phú. Xin nhắc lại vài cái tên huyền thoại như: Động Thanh Long với những dây thanh long chịu nắng chịu mưa bám trên đá mà sống. Hang Hổ, nơi người ta truyền tụng rằng ngày xưa là nơi trú ẩn của một vị chúa sơn lâm sống thành tinh, nhưng chưa hại một ai. Còn Hang gió, nơi khách có thể dừng chân tận hưởng ngọn gió kỳ bí từ đâu đó thổi về làm mát rượi bước chân hành hương. Và nào là những truyền thuyết về Chùa Hang, động Kim Quang, động Ba Cô… Những huyền thoại sao lại ứng với tạo vật của thiên nhiên lạ thường!
…Vào buổi chiều tà khi ánh mặt trời đã lặn dần ở gần đường chân trời, những du khách lần lượt rời núi, tiếng chuông chùa xa xa vọng lại. Từ biệt núi Bà, hứa với lòng sẽ quay trở lại bởi còn nhiều điều huyền bí chưa kịp khám phá…
Thế Vinh