Ngành mía đường: Cần tái cơ cấu để đủ sức "chạy đường dài"
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng các DN phải hướng tới mục tiêu cùng giảm giá thành, đầu tư thích đáng cho cải tiến công nghệ, nâng công suất để tối ưu hóa chi phí; nghiên cứu kỹ thuật canh tác; xây dựng các trung tâm giống, trung tâm nghiên cứu… Nói cách khác là phải tái cơ cấu, nếu không muốn thất bại.
Nhìn vào hai nhà sản xuất mía đường lớn trên thế giới hiện nay là Brazil và Thái Lan, có thể thấy sản phẩm từ Thái Lan hiện đang là áp lực trực tiếp đối với mía đường Việt Nam.
Có thể thấy việc sản xuất đường của Thái Lan chỉ có lợi thế so với Việt Nam nhờ vị trí địa lý phù hợp hơn cho chu kỳ sinh trưởng của cây mía. Còn mức độ ảnh hưởng của cấu trúc ruộng đất lên cơ giới hóa của Việt Nam và Thái Lan hầu như ngang nhau (mỗi cánh đồng mía ở Thái Lan có diện tích bình quân khoảng 5 ha, Việt Nam cũng tương tự).
Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế hơn hẳn về tưới tiêu và chi phí nhân công. Nghĩa là mía đường Việt Nam có dư địa để hạ giá thành xuống thấp như Thái Lan, ông Phạm Hồng Dương, Phó Chủ tịch VSSA khẳng định.
Tuy nhiên, còn rất nhiều gút mắc chủ quan khác khiến mía đường Việt Nam cứ mãi chật vật. Không thể phủ nhận là các DN mía đường Việt Nam đang đi chậm hơn về công nghệ nên năng suất thấp, chi phí vận hành cao; nông dân cứ thấy cây gì được giá thì trồng, giá giảm thì phá bỏ khiến nguồn nguyên liệu bấp bênh.
Nhưng theo đại diện VSSA, giá đường bán lẻ của Việt Nam tại các kênh chính thức trong nước không cao hơn giá bán lẻ ở các nước lân cận. Ví dụ, giá đường tại Trung Quốc đang là 24.000 đồng/kg, giá đường tại siêu thị Thái Lan cũng khoảng 26.000/kg; còn đường các loại tại Việt Nam hiện đang quanh mức 18.500 - 22.000 đồng/kg.
“Nếu cứ lấy giá bán buôn so với giá bán lẻ hay mang giá bán lẻ ở siêu thị so với giá đường trôi nổi (khoảng 11.200 đồng/kg) - trong khi thị trường trong nước đang bị bóp méo bởi đường nhập lậu - thì quả thực là không công bằng cho các nhà sản xuất và cả người trồng mía Việt Nam”, ông Dương nói
Kinh nghiệm từ Thái Lan
Nếu nhìn vào giá bán lẻ đường tại siêu thị Thái Lan và giá đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam có thể thấy chủ trương chuyển lợi ích xã hội từ người tiêu dùng sang nông dân trồng mía đã được áp dụng khá thành công tại Thái Lan, do họ đã xây dựng được ngành mía đường với hai trụ cột vững chắc là DN và nông dân.
Với chính sách chia tổng lượng đường sản xuất thành 3 hạn ngạch khác nhau (quota A: Phần dành cho tiêu dùng nội địa; quota B: Phần làm mức cơ sở tính toán hỗ trợ cho nông dân; quota C: Phần được “thả nổi” giá), lợi nhuận cho DN từ kinh doanh đường ở thị trường nội địa hoàn toàn có thể bù đắp cho lượng đường bán “phá giá” ở các nước khác (thuộc quota C). Sau một thời gian, ngành mía đường ở các thị trường thuộc quota C “chịu không thấu” sẽ tự động phá sản.
Về hỗ trợ nông dân trồng mía, Thái Lan được xem là khá thành công khi sớm thành lập quỹ mía đường với khoản đóng góp căn cứ trên chính sản lượng bán ra ở cả DN lo khâu phân phối lẫn các nhà sản xuất trực tiếp.
Cùng với đó là hàng loạt chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm đầu - cuối khác. Cụ thể như: Giá bán điện sinh khối từ bã mía tại Thái Lan đang là 13 cent/kWh (trong khi tại Việt Nam đang là 5,8 cent/kWh); để hấp dẫn người tiêu dùng, giá xăng A92 và giá xăng E5 (loại xăng có pha cồn với nguồn gốc từ rỉ mật của nhà máy mía đường) ở Thái Lan chênh nhau 1.500 đồng, còn tại Việt Nam chỉ chênh lệch khoảng 800 đồng.
Bởi vậy, sự lớn mạnh của các nhà sản xuất và thương mại nội địa không thể chỉ tùy thuộc vào nội tại của DN nếu nhìn từ kinh nghiệm của Thái Lan.
Tái cơ cấu là bắt buộc
Trở lại với thực tế của Việt Nam, đại diện VSSA cho rằng ngành mía đường cần tái cơ cấu toàn diện để có thể “chạy đường dài”.
Trước tiên là phải giải quyết được khâu tiêu thụ, phải làm được việc phân công lại trách nhiệm và quyền lợi trong chuỗi phân phối để tiết giảm chi phí (hiện sản phẩm mía đường đang phải qua khá nhiều khâu trung gian từ cấp 1, cấp 2 đến cấp 3 rồi mới đến tay người tiêu dùng); phải định hướng để các nhà phân phối không dùng “đường lậu” trộn vào nhau làm nhiễu loạn thị trường trong nước; tăng cường chống buôn lậu, có giải pháp với đường tạm nhập tái xuất…
Gần đây nhất, VSSA kiến nghị hạn chế nhập khẩu đường lỏng, loại đường có tỉ lệ ngọt cao hơn nhưng quá trình sản xuất rất độc hại với sức khỏe con người. Hiện đường lỏng đang ùn ùn nhập khẩu về Việt Nam với mức thuế 0%, tức ngân sách không chỉ mất nguồn thu mà ngành mía đường và nông dân Việt Nam đều sẽ bị ảnh hưởng.
Hiệp hội Mía đường đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về phân tích các tác động tiêu cực của đường lỏng. Trong đó có đề nghị áp thuế nhập khẩu mặt hàng này như một hình thức tự vệ chính đáng. Thái Lan cũng áp thuế đường lỏng 20% còn Brazil cấm nhập khẩu loại đường này, theo ông Phạm Hồng Dương.
Về lâu dài, VSSA cũng cho rằng các DN sản xuất phải hướng tới mục tiêu cùng giảm giá thành, đầu tư thích đáng cho cải tiến công nghệ, nâng công suất để tối ưu hóa chi phí; nghiên cứu kỹ thuật canh tác; xây dựng các trung tâm giống, trung tâm nghiên cứu và chia sẻ thành tựu cho nhau…
Ngoài ra, các nhà máy đường vẫn cần có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng Nhà nước trong các chính sách ủng hộ sản phẩm đầu - cuối như: Tăng giá mua điện sinh khối, tăng chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và xăng A92…