Cục Hàng không thay "chậm huỷ chuyến" thành "bay chưa đúng giờ"
Cho rằng theo xu thế thế giới, Cục Hàng không Việt Nam sử dụng thuật ngữ "bay chưa đúng giờ" để "bớt không khí u ám".
Máy bay hoãn cất cánh để cấp cứu sản phụ |
Thu bằng lái cơ trưởng, cơ phó hạ cánh nhầm đường băng |
Hàng loạt giải pháp giảm thiểu các sự cố máy bay |
Ngày 26/5, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho hay, nhằm hướng tới mục tiêu để các dịch vụ hậu cần kỹ thuật ngày càng phục vụ hành khách tốt hơn, hướng tới các chuyến bay đúng giờ (on-time performance), Cục không dùng cụm từ "chậm-huỷ chuyến" (delay-cancel) nữa.
Trước câu hỏi về việc thay đổi thuật ngữ sẽ làm giảm nhẹ bản chất của việc chậm, huỷ chuyến, lừa dối tình trạng chuyến bay với khách hàng, ông Cường cho rằng: "Về bản chất không có gì thay đổi, chậm giờ vẫn là chậm giờ, huỷ chuyến vẫn là huỷ chuyến, có điều chúng tôi đang muốn phấn đấu theo hướng tích cực hơn thay vì cứ tiếp cận theo tên gọi chậm huỷ chuyến mãi sẽ cảm thấy u ám".
Hành khách bị chậm chuyến chờ đợt ở sân bay Đà Nẵng (Ảnh: Nguyễn Đông) |
"Điều quan trọng nhất, đây chỉ là phương thức thống kê trong nội bộ của Cục cho phù hợp với xu thế của thế giới" - ông Cường nói.
Từ việc thay đổi trên, Cục Hàng không kỳ vọng thời gian tới Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt 91% chuyến bay đúng giờ; Vietjet và Jetstar đạt 85% chuyến đúng giờ.
Hiện nay, việc "chậm, huỷ chuyến" của các chuyến bay được quy định tại Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông Vận tải và thuật ngữ này vẫn được giữ nguyên. Quy định này cũng là căn cứ để Cục áp dụng xử phạt và có chế tài với các hãng khi chậm, huỷ chuyến.
Theo quy định, khi chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy, các hãng hàng không phải cung cấp thông tin về tình trạng chuyến bay cho cảng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nhà ga hành khách; cung cấp các dịch vụ mà khách được hưởng...
Trường hợp chậm chuyến từ 15 phút trở lên, bên cạnh trách nhiệm thông báo đến khách lý do, kế hoạch phục vụ, trợ giúp khách... hãng hàng không còn phải xin lỗi hành khách.