Sinh viên khởi nghiệp - Tại sao không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản yêu cầu các trường triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, trong đó yêu cầu các trường phải xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo.
Mục đích của đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, từ đó tạo môi trường, cơ chế hoạt động mang tính đột phá về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) trên cả nước.
Sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong một dự án khởi nghiệp |
Đề án sẽ được thực hiện theo hình thức tự chọn hoặc bắt buộc, tùy theo điều kiện của từng trường. Nhưng lộ trình cụ thể là trong giai đoạn 2018-2020 ngành giáo dục thí điểm xây dựng 3 mô hình trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tại 3 khu vực. Giai đoạn 2021-2025 tiến tới hình thành ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trên cơ sở cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường.
Để hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp một cách tốt nhất, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo bố trí cán bộ, giảng viên phụ trách công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các trường.
Đó là những đường hướng mà Bộ GD&ĐT mong muốn các trường triển khai mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Thực tế, giấc mơ được khởi nghiệp ngay từ khi ngồi trong giảng đường đã đeo bám bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Nhiều thế hệ người trẻ đã phải đứng trước lựa chọn: Nên học tiếp hay ra ngoài đời khởi nghiệp?
Giấc mơ được khởi nghiệp ngay từ khi ngồi trong giảng đường đã đeo bám bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Nhiều thế hệ người trẻ đã phải đứng trước lựa chọn: Nên học tiếp hay ra ngoài đời khởi nghiệp? |
Trong khi đó, các nước có nền giáo dục phát triển luôn chú trọng điều này. Các trường học đều có các khóa học về khởi nghiệp do những doanh nhân thành đạt giảng dạy. Thậm chí như ĐH Harvard, ĐH Columbia… còn có quỹ cho sinh viên khởi nghiệp.
Thực ra, những năm gần đây, các trường ĐH ở Việt Nam đã chú trọng đến vấn đề khởi nghiệp, nhưng thực hiện còn manh mún. Một trong những trường đi đầu về khởi nghiệp phải kể đến như ĐH Bách khoa Hà Nội đã thường xuyên tổ chức khóa đào tạo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” dành cho giảng viên, sinh viên nhằm giúp học viên tiếp cận với thực tế, xu thế phát triển của các ngành nghề trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp từ năm 2015, với mục đích tạo cơ hội cho đoàn viên, sinh viên được giao lưu với các doanh nghiệp, tiếp cận với các quỹ đầu tư để hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp.
Thế nhưng, trong hàng trăm các trường ĐH, CĐ đang hoạt động ở Việt Nam, số trường quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp còn rất ít.
Còn nhớ trong cuộc hội thảo mở về “Vai trò của trường ĐH trong đổi mới sáng tạo khởi nghiệp” diễn ra cách đây 1 năm, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM đã phải thốt lên rằng: “Các trường ĐH ở Việt Nam đã bỏ trống một mặt trận là nghiên cứu vấn đề đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp. Nhiều trường thậm chí còn không biết mình cần phải nghiên cứu cái gì. Trong khi chúng ta còn đang loay hoay thì thế giới đã đi rất xa rồi, chúng ta ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp mất 3-5 năm, thế giới hiện giờ chỉ làm 3-5 tháng”. Đến nay, nhận định của ông Tước vẫn chưa cũ.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây cho thấy: Hơn 40% thanh niên Việt Nam đang làm công việc không phù hợp với trình độ. Có tới 92% thanh niên có trình độ từ ĐH trở lên mong muốn làm việc có tay nghề cao, nhưng thực tế chỉ có 70% thực sự có việc làm, 30% còn lại thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
Phản hồi từ nhiều nhà tuyển dụng cũng chỉ ra một thực tế: Thiếu kỹ năng mềm là nguyên nhân khiến thanh niên thất nghiệp. Muốn có lực lượng lao động chất lượng cao, các doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kể cả những sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH hàng đầu.
Đáng quan tâm hơn, kết quả nghiên cứu được công bố tại Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ 2017 chỉ ra rằng: Việt Nam đứng đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đồng thời đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp… Nhưng đáng tiếc là có đến hơn 80% công ty khởi nghiệp không có cơ hội mừng sinh nhật lần thứ 2. Một trong những nguyên nhân là do đa số nhà khởi nghiệp còn non trẻ, thiếu cả kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp.
Đào tạo khởi nghiệp đang là vấn đề vô cùng cấp thiết. Tới đây, bên cạnh lộ trình mà Bộ GD&ĐT vạch ra, các trường phải xây dựng bộ giáo trình, đào tạo đội ngũ giáo viên về khởi nghiệp cũng như có chính sách khuyến khích doanh nhân đồng hành cùng nhà trường tham gia giảng dạy sẽ giúp sinh viên có bài học thực tiễn sống động, tạo được nguồn cảm hứng khởi nghiệp.
Hãy biến giấc mơ khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trong giảng đường của sinh viên trở thành hiện thực.
Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT nhằm thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đề án này ngay từ khi ra đời đã được hy vọng là cú hích cho sinh viên khởi nghiệp. Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường ĐH, CĐ tập trung triển khai một số nhiệm vụ: 1. Xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của trường. 2. Bố trí cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên (HSSV) khởi nghiệp. Thành lập bộ phận hoặc trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trên cơ sở các bộ phận, phòng, ban đã có của nhà trường. 3. Thiết lập kênh thông tin cung cấp các tài liệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nguồn học liệu của nhà trường cho HSSV. Tổ chức truyền thông, khuyến khích HSSV đề xuất các dự án, ý tưởng với bộ phận tư vấn hỗ trợ HSSV khởi nghiệp của nhà trường để được tư vấn, hỗ trợ. 4. Phối hợp với các doanh nghiệp, mời các chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, các buổi nói chuyện chuyên đề, các diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV. Tổ chức lựa chọn các dự án, ý tưởng có tính khả thi để hỗ trợ ươm tạo tại trường hoặc kết nối đến các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ ươm tạo, tăng tốc, kết nối đầu tư. 5. Lập cơ sở dữ liệu về các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của HSSV sau khi đã được hỗ trợ, lựa chọn các ý tưởng dự án khả thi và có tính sáng tạo để tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia cho HSSV cấp khu vực. 6. Nghiên cứu hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của HSSV theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ. |
Huyền Anh