Kiềm chế đà tăng của CPI
Trái với lo ngại chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục tăng sau quý I, đến tháng 4, CPI cả nước dần giảm. Vì vậy, áp lực điều chỉnh giá thị trường để tránh lạm phát cũng giảm so với thời điểm đầu năm.
Giá thực phẩm tươi sống trong tháng 4/2018 tương đối ổn định |
CPI giảm dần
Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cho hay, năm 2017, CPI đi theo xu hướng tháng 1 đạt mức cao nhất (5,22%) và giảm dần sau các tháng. Tuy nhiên, đến hết quý I/2018, CPI lại đi theo xu hướng ngược lại khi tăng dần theo các tháng và đạt mức tăng 2,82% so với cùng kỳ. Điều này gây áp lực cho mục tiêu CPI cả năm vì thước đo CPI hiện nay là tính mức tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau tháng 4, CPI đang có dấu hiệu tăng chậm lại khi chỉ tăng 0,08% so với tháng trước. Nếu tính bình quân 4 tháng đầu năm, mức tăng CPI là 2,8%, thấp hơn so với con số 2,82% của 3 tháng đầu năm.
Tại cuộc họp của Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 4 diễn ra mới đây, bà Phùng Ánh Ngọc - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết, giá nhiều mặt hàng thiết yếu trong tháng 4 tương đối ổn định như giá thép, thực phẩm tươi sống, phân bón… khiến mặt bằng giá được duy trì ổn định. Đặc biệt, trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý I/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã đánh giá rất cao công tác điều hành mặt hàng xăng dầu khi quỹ bình ổn được sử dụng hợp lý, nên dù giá cả thế giới liên tục tăng nhưng giá xăng dầu không tăng giảm quá sốc, gây ảnh hưởng đến CPI nói chung.
Mặt hàng xăng dầu đang tiếp tục được điều hành ổn định khi gần đây nhất, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 23/4, để giảm áp lực giá của mặt hàng này đến giá cả hàng hóa nói chung trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 khá dài, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định trích thêm Quỹ bình ổn giá để tránh tăng giá xăng.
Cụ thể, liên Bộ đã tăng mức chi quỹ bình ổn xăng dầu với xăng E5 RON 92 là 958 đồng/lít (kỳ trước chi 790 đồng/lít); xăng RON 95 451 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít) để ổn định giá xăng.
Thực hiện giải pháp phù hợp
Đà tăng của CPI đang dần giảm nhưng nhìn chung, từ nay đến cuối năm, mức tăng của chỉ số này vẫn được dự báo tương đối phức tạp. Bà Phùng Ánh Ngọc chỉ rõ, tháng 5 có kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 tương đối dài nên phát sinh nhu cầu du lịch, khiến giá một số mặt hàng tăng như hàng ăn, du lịch, giao thông công cộng. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng, giá điện tăng cao. Giá dầu được điều chỉnh tăng, giá thịt lợn cũng đang ở mức cao do người dân giảm tái đàn sau đợt khủng hoảng thừa năm ngoái, phần nào tác động lên CPI tháng 5.
Tuy nhiên, năm nay, tình hình sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi đã giúp nguồn hàng lương thực thực phẩm khá dồi dào. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản như dưa hấu, vải, nhãn… để hạn chế tối đa tình trạng dư cung như những năm trước đây.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, đồng thời công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra giá, quản lý chất lượng, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu... Đây được cho là giải pháp quan trọng để tránh những tác động bất lợi của giá xăng dầu tới CPI.
Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành, đảm bảo bình ổn thị trường hàng hóa. |