Tiếng hát Quan họ giữa lòng Thủ đô
Gốc gác của làn điệu dân ca Quan họ là ở Bắc Ninh nhưng với sự lan tỏa nhanh chóng, sức cuốn hút người học một cách lạ kỳ, Quan họ đã trở thành một sợi dây vô hình gắn kết những người yêu tiếng hát dân tộc. Đấy là câu chuyện ở Câu lạc bộ (CLB) Quan họ đình làng Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội).
Đến hẹn lại lên, cứ vào những ngày diễn ra hội Lim (Bắc Ninh, từ 12 đến 14 tháng Giêng, Âm lịch), những buổi biểu diễn của CLB Quan họ đình làng Kim Mã lại dày thêm. Sáng nay, ngày 3/2, tức 12 tháng Giêng Âm lịch, 20 thành viên CLB đã sang đền Liễu Giai giao lưu văn nghệ kỷ niệm 986 năm ngày sinh Đức thánh hoàng Nguyễn Qúy Công. Đây cũng là dịp để những CLB Quan họ trên địa bàn Hà Nội giao lưu, để các liền anh, liền chị bày tỏ lòng thành kính tới Đức thánh hoàng.
Trò chuyện với phóng viên Petrotimes, bà Nguyễn Thị Hạnh – Chủ nhiệm CLB Quan họ đình làng Kim Mã cho biết: Đầu năm 2008, lớp học về Quan họ được thành lập do liền anh Lê Huy Cần, chủ nhiệm CLB Quan họ Bắc Ninh, đồng chủ nhiệm CLB văn nghệ dân gian, trực thuộc Trung tâm hỗ trợ trẻ em thiệt thòi của Hiệp hội UNESCO Việt Nam sáng lập. Những ngày đầu thành lập, lớp học thu hút được gần 100 các cụ ông, cụ bà, những người trung niên đến học. Sau đó, thấy phong trào phát triển, lớp học đã quyết định tách và thành lập các CLB. Hiện nay, các CLB Quan họ Cát Linh, Cầu Diễn, Liễu Giai và Kim Mã là những CLB được hình thành từ việc tách lớp học Quan họ này.
Những cử chỉ trao nhau ánh nhìn thân ái, mời nhau cơi trầu, chén nước trà xanh của các liền anh, liền chị đã khiến những ai đến xem buổi biểu diễn cũng cảm thấy như được hòa mình vào không gian Quan họ Bắc Ninh. Và họ say sưa vang, rền, nền, nảy cùng những ca khúc Quan họ như: Còn duyên, Tương ngộ tương phùng, Ngồi tựa song đào, Ngồi tựa mạn thuyền, Giã bạn…
CLB Quan họ đình làng Kim Mã là nơi khởi phát và hoạt động Quan họ dưới hình thức CLB đầu tiên ở Hà Nội. Tự hào là nơi quần tụ những “liền anh, liền chị” Quan họ nghiệp dư, đình làng Kim Mã vẫn là nơi hội họp của những “người cũ” mỗi khi dịp lễ, Tết. Họ đến đây để ôn lại những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt về những ngày đầu lớp học được mở ra.
Thành phần của những CLB này chủ yếu là những người đã về hưu, hoặc đang làm những công việc gần nhà nên có nhiều thời gian để tập luyện. Ông từ đình làng Kim Mã Nguyễn Ngọc Quảng cho biết, tôi làm ở đây khoảng 30 năm rồi nhưng mấy năm gần đây có CLB Quan họ thường tới đình tập hát, làm cho không khí thêm rôm rả, cũng là cái phấn khởi của tuổi già. Bản thân ông Quảng không tham gia CLB nhưng “cái máu nghệ thuật” được được vợ ông – bà Vũ Thị Phương rất tích cực tập luyện và công diễn.
Dù là tập hợp rất nhiều thành phần khác nhau nhưng CLB Quan họ đình làng Kim Mã hoạt động rất quy củ, bài bản. Trước kia, mỗi tháng, mỗi thành viên đóng góp 30 nghìn vào quỹ của CLB. Nhưng hiện nay, cứ mỗi lần đi diễn ra, CLB sẽ kêu gọi những tấm lòng hảo tâm đóng góp. Như buổi biểu diễn sáng nay tại Đền Liễu Giai, Ban quản lý đình Kim Mã tặng 1,5 triệu đồng cho CLB lo toan phần loa đài, phông bạt. Về cá nhân từng liền anh, liền chị vẫn phải tự túc từ quần áo the, áo tứ thân đến phấn son, nón quai thao… Bà Hạnh vui vẻ bảo rằng, mỗi lần đi diễn, các thành viên phấn khởi như được… cưới lần hai. Ngày thường có bao giờ trang điểm, quần áo màu mè đâu, nhưng khi vận trang phục quan họ thì ai cũng thấy như trẻ ra, phấn khởi lạ thường.
Cứ mỗi chiều thứ Tư và chiều Chủ nhật hàng tuần, đình làng Kim Mã lại vang lên những tiếng hát Quan họ của những người đã tuổi lên ông, lên bà. Họ đều đeo thẻ hội viên, quần áo chỉnh tề, ăn miếng trầu xanh, uống chén nước chè xanh ấm lòng rồi cùng nhau tập luyện hăng say. Thời tiết thường xuyên thay đổi nên nhiều cụ già không đến tập được. CLB lại tổ chức đến thăm hỏi và cùng hát cho nhau nghe, người ốm cũng cảm thấy trong người khỏe khoắn hơn.
Bà Nguyễn Thị Thành – Phó chủ nhiệm CLB Quan họ đình Kim Mã lại có một câu chuyện xúc động khác. Nhiều lần bà phải vất vả chăm sóc mẹ chồng bị ốm đau, thuốc thang mãi cũng không khỏi. Theo thói quen, lúc nấu cơm, bà Thành thường hát quan họ và mẹ chồng bà thấy vui tai, yêu cầu con dâu hát cho nghe. Bà Thành xúc động, mọi ngày, hai mẹ con ít khi trò chuyện nhưng khi có câu hát làm đầu câu chuyện, mẹ chồng bà Hạnh như được khỏe ra, có bữa ăn được 2 bát cơm đầy, cả nhà đều vui vẻ, đầm ấm hơn.
Tiếng hát Quan họ còn làm cho những cựu chiến binh như ông Lã Văn Hiệp (74 tuổi) được sống lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc qua những bài như Tây tiến chuốc chén rượu đào, Mùa xuân tiễn bạn, Chung lập chiến công… Ngày còn trong quân đội, ông Hiệp từng tham gia biểu diễn văn nghệ ở các chiến khu, giờ về đây có CLB Quan họ đình làng, ông như tìm lại được những ngày tháng lãng mạn. Mỗi lần ông hát những bài ấy, nước mắt ông lại ứ trào, xót xa cho những đồng đội đã anh dũng ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc.
Và chiều nay, 20 thành viên CLB Quan họ đình làng Kim Mã lại lên đường sang hội Lim giao lưu những chiếu quan họ để nối dài tình yêu với Quan họ. Bài Ngồi tựa song đào có câu: “Nửa chăn, nửa chăn là chăn, nửa chiếu í ơ cũng có a nửa giường, là nửa giường để đó đợi ai. Hử rằng là hội hừ”. “Ai” ở đây chính là tình yêu Quan họ, và người Hà Nội mãi đợi một tình yêu với làn điệu dân ca Quan họ cho dù đã ở cái tuổi U60, U70.
Đức Chính