Hai chiến sĩ đến từ bên kia vĩ tuyến 17
Nếu không có hai cuộc chiến tranh khốc liệt, chắc hẳn hai chiến sĩ cách mạng ở bên kia vĩ tuyến 17 không có dịp gặp nhau và xây dựng mái ấm nơi miền Tây xứ Nghệ. Cuộc đời họ là những kho chuyện về sự anh dũng, can trường, đức hy sinh cùng nỗi đau và hạnh phúc của con người Việt Nam.
Những chiến sĩ quả cảm
Kể từ ngày rời khỏi tàu địch, bước chân lên vùng đất Cửa Hội (26-8-1954), tính đến nay đã ngót 64 năm, vợ chồng ông Lê Hữu Phường và bà Phan Thị Giáp ở xóm Hưng Bắc, xã Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) đã gắn bó với mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió. Ông Phường tâm sự: “Mỗi chúng tôi đều có hai quê hương, quê hương thứ nhất là nơi mình sinh ra, lớn lên và tham gia chiến đấu. Nghệ An là quê hương thứ hai, nơi tình yêu được ươm mầm và đơm hoa, kết trái, cũng là nơi gửi lại tấm thân khi trở về cùng tiên tổ...”.
| | ||
Ông Lê Hữu Phường thời hoạt động du kích ở quê Hải Lăng - Quảng Trị (ảnh nhân vật cung cấp) | Bà Phan Thị Giáp thời bị địch bắt giam (1951) ở Đà Nẵng (ảnh nhân vật cung cấp) |
Ông Phường và bà Giáp cùng sinh năm 1934, quê hương đều ở phía bên kia vĩ tuyến 17. Hai người đều sớm giác ngộ, đứng vào hàng ngũ cách mạng. Tròn 16 tuổi, cậu bé Lê Hữu Phường ở xã Hải Quang, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có mặt trong tiểu đội dân quân, rồi chuyển sang đội du kích của xã với nhiệm vụ hằng ngày là dò la tin tức, gặp gỡ những người đi lính cho Pháp, hát những bài có nội dung kêu gọi quân lính bỏ vũ khí trở về với làng mạc, gia đình và nhân dân.
Với bản tính nhanh nhạy, thông minh, Phường đã lập được nhiều chiến công, trong đó phải kể đến trận hạ đồn địch chỉ bằng 1 quả bom, không tốn viên đạn nào, thu về 35 khẩu súng. Vào tháng 10-1952, chàng trai trẻ bị địch bắt. Chúng đưa Phường về đồn, dùng mọi nhục hình để tra tấn hòng khai thác thông tin, nhưng tất cả đều vô hiệu. Dã man hơn, chúng còn tra tấn Phường giữa làng để bố mẹ Phường và mọi người chứng kiến, hòng làm nhụt ý chí của nhân dân. Cuối cùng, chúng đưa Phường ra xét xử và kết án chung thân, Phường sắp sửa bị đày ra Côn Đảo thì Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Lê Hữu Phường và nhiều tù binh khác được trao trả tại Cửa Hội.
Vợ chồng ông Lê Hữu Phường - bà Phan Thị Giáp (ảnh: Công Kiên) |
Còn cô bé Phan Thị Giáp quê ở phường Hòa Cường (thành phố Đà Nẵng), 14 tuổi đã làm cộng tác viên quân báo, rồi tham gia lực lượng biệt động thành, hoạt động ở vùng địch hậu, năng nổ, gan dạ và thông minh nên được mọi người tin tưởng. Hằng ngày, Giáp hóa thân thành thiếu nữ bán quà vặt để dò la tình hình địch, vận động binh lính người Việt phía bên kia chiến tuyến trở về với cách mạng. Ngày 5-5-1951, đang trên đường thực hiện nhiệm vụ, Phan Thị Giáp bị địch bắt, đưa về đồn tra tấn dã man nhằm buộc Giáp khai ra những cán bộ Việt Minh đang lãnh đạo phong trào đấu tranh trên địa bàn, nhưng không đạt kết quả. Không khai thác được gì, địch tổ chức xét xử Giáp, tuyên bố mức án tử hình. Rất may, khi chuẩn bị thi hành án, một luật sư người Việt đã đứng ra bào chữa với lý lẽ thiếu nữ Phan Thị Giáp đang là vị thành niên, không thể nhận mức án tử hình và tòa phải giảm án xuống chung thân, giam giữ tại nhà lao Con Gà (Đà Nẵng). Ngày 26-8-1954, nữ chiến sĩ biệt động trẻ xứ Quảng Đà được trao trả tại Cửa Hội - cảng biển nổi tiếng của xứ Nghệ.
Niềm hạnh phúc nơi xứ Nghệ
Khi đặt chân lên miền Bắc, ông Phường, bà Giáp và tất cả những tù binh được Pháp trao trả đều vui sướng đến trào dâng nước mắt. Trong vòng tay các mẹ, các chị xứ Nghệ, những người con, người em miền Nam cảm nhận được hơi ấm, tình cảm chân thành và niềm thương yêu vô hạn. “Thực sự, lúc ấy chúng tôi hạnh phúc vô cùng, cảm giác như được trở về với làng mạc, quê hương, được bố mẹ và người thân che chở” - bà Giáp tâm sự. Và, họ bắt tay vào việc làm đường, đắp đê, giúp bà con miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, chờ năm sau trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm đã bội ước, không tổ chức tổng tuyển cử, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài. Những người lính quả cảm từ miền Nam ra ấy, người trở về miền Nam chiến đấu, người ở lại miền Bắc xây dựng hậu phương. Ông Phường và bà Giáp lên Nghĩa Đàn xây dựng Nông trường Tây Hiếu.
Niềm vui đoàn tụ của gia đình ông Lê Hữu Phường - bà Phan Thị Giáp (ảnh nhân vật cung cấp) |
Xa quê hương, gặp nhau ở chốn từng được gọi là rừng thiêng nước độc, lại từng chịu cảnh tù đày, con tim hai người sớm có được “tiếng nói chung” và quyết định xây dựng hạnh phúc. Đám cưới được tổ chức vào năm 1957, dù thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn vui tươi, đầm ấm, bạn bè, đồng nghiệp tham dự rất đông. Tiếp đến là những năm tháng cơ cực, vất vả, vợ chồng ông Phường, bà Giáp luôn sát cánh bên nhau cùng nuôi dạy con cái và hoàn thành các công việc được giao. Thời điểm ấy, chiến tranh ngày càng ác liệt, ở đất phủ Quỳ, vợ chồng ông Phường vừa mưu sinh, vừa dõi theo tình hình chiến sự ở miền Nam. Mỗi khi đài, báo đăng tin chiến thắng, đêm đến ông bà không tài nào chợp mắt, mong sao ngày thống nhất đến gần.
Chờ ngót 20 năm, đến mùa xuân năm 1975, quân giải phóng giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên (19-3), tiếp đến là Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (2-3), gia đình ông Phường sung sướng đến quên ăn, quên ngủ. Đặc biệt, khi hay tin Sài Gòn được giải phóng (30-4), hai miền đã thống nhất, một lần nữa nước mắt lại rơi trên khuôn mặt của đôi vợ chồng chiến sĩ du kích - biệt động, khóc vì vui sướng, khóc vì thời gian chờ đợi quá lâu, khóc vì sắp được trở về thăm gia đình, họ mạc.
Ông bà sắp xếp về thăm quê hương, qua cầu Hiền Lương nhờ xe dừng lại, cùng nở nụ cười bởi giới tuyến chia cắt hai miền nay đã hoàn toàn xóa bỏ. Chan hòa trong niềm vui thắm thiết với anh em, họ hàng và quê hương, kể cả sau này lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mời về sinh sống, sẵn sàng cấp nhà ở, nhưng vợ chồng ông Phường vẫn quyết định ở lại miền Tây xứ Nghệ. Điều ấy được ông bà lý giải rằng, một phần do con cháu đã đuề huề (4 con và 8 cháu nội, ngoại) và gia đình, công việc đã ổn định; phần nữa là đã gắn bó với vùng đất này từ lâu nên đã trở thành máu thịt, quê hương của mình.
Ở tuổi 85, vợ chồng ông bà Phường - Giáp còn khá khỏe mạnh và minh mẫn, những sóng gió và cơ cực của cuộc sống giờ đã lùi xa. “Chúng tôi mong nước nhà luôn phát triển, cuộc sống ngày càng đi lên, khắp mọi miền đều có nhiều niềm vui, xứng đáng với sự chiến đấu và hy sinh của bao thế hệ” - bà Phan Thị Giáp chia sẻ tâm tình.
Ông Lê Hữu Phường: “Mỗi chúng tôi đều có hai quê hương, quê hương thứ nhất là nơi mình sinh ra, lớn lên và tham gia chiến đấu. Nghệ An là quê hương thứ hai, nơi tình yêu được ươm mầm và đơm hoa, kết trái, cũng là nơi gửi lại tấm thân khi trở về cùng tiên tổ”. |
Công Kiên