Chất lượng quyết định thứ hạng đại học
Vừa qua, The Times Higher Education (THE) đã công bố danh sách 350 trường đại học (ĐH) hàng đầu châu Á, trong đó, không có trường ĐH nào của Việt Nam. Điều này đang đặt ra cho các nhà quản lý câu hỏi: ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu, chất lượng ra sao?
Xếp hạng là xu thế tất yếu
Tháng 2-2018, THE - tờ báo chuyên đề báo cáo các vấn đề giáo dục ĐH, có trụ sở ở London, Anh) đã công bố bảng xếp hạng chất lượng ĐH châu Á năm 2018 với những cái tên dẫn đầu như ĐH Singapore, ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc)… Tuy nhiên, không trường ĐH nào của Việt Nam có mặt trong danh sách xếp hạng. Bảng xếp hạng của THE cung cấp danh sách các trường ĐH hàng đầu thế giới, đánh giá các trường ĐH với những sứ mệnh cốt lõi như giảng dạy, nghiên cứu, truyền đạt kiến thức và triển vọng quốc tế. Nhờ vào yếu tố toàn diện, đây là một trong những bảng xếp hạng được các sinh viên tương lai rất quan tâm chú ý.
Một giờ thực hành của sinh viên ngành y |
Hiện nay, trên thế giới có 16 bảng xếp hạng ĐH có ảnh hưởng quốc tế ở các mức độ khác nhau, trong đó 4 bảng xếp hạng phổ biến nhất là THE, World University Rankings (QS), Webometrics và ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải. Thế nhưng đến nay, chỉ có bảng xếp hạng QS đánh giá Việt Nam có 6 trường ĐH lọt vào danh sách 400 ĐH châu Á. Đó là: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng. Tuy nhiên, con số 6 trường ĐH được lọt vào một bảng xếp hạng quốc tế chưa thực sự xứng tầm với số lượng cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam.
Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam” diễn ra ngày 11-4-2018, hầu hết đại diện các cơ sở giáo dục ĐH đều khẳng định, xếp hạng ĐH là xu thế tất yếu khi giáo dục ĐH Việt Nam tham gia hội nhập khu vực và thế giới. Trong đó, việc lựa chọn bảng xếp hạng ĐH phù hợp là cần thiết.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT dự định thành lập một nhóm, bao gồm cả chuyên gia nước ngoài và trong nước để hỗ trợ kỹ thuật các trường ĐH đang phát triển ở mức cao với quyết tâm lọt vào các bảng xếp hạng thế giới. |
Chia sẻ về vấn đề xếp hạng ĐH, GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Cần phải có sự đầu tư mục tiêu của Nhà nước trong việc nâng hạng ĐH Việt Nam trong bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Đầu tư của Nhà nước ngoài việc đầu tư thúc đẩy nghiên cứu, còn cần tích hợp với đề án đào tạo tiến sĩ đang có, dĩ nhiên là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về một cuộc “chạy đua tài chính” giữa các trường ĐH để có tên trên bảng xếp hạng quốc tế. Vì thế, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, trong vài năm tới, giáo dục ĐH Việt Nam vẫn nên tập trung vào công tác kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng là cơ sở ban đầu, sau đó mới công bố danh sách các trường đã kiểm định. Việc đánh giá là một nguồn thông tin tốt, sau đó hãy nghĩ tới chuyện “xếp hạng Việt Nam”.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ về mặt chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng nên có kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các trường ĐH tham gia xếp hạng, hoặc Việt Nam nên có bảng xếp hạng riêng. Các trường ĐH sẽ ngồi lại cùng nhau để đưa ra các tiêu chí đánh giá cho xếp hạng, một hiệp hội sẽ xét duyệt và Bộ GD&ĐT là người công nhận.
Thờ ơ với nghiên cứu khoa học
Đối với câu chuyện thứ hạng và chất lượng giáo dục, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, không nên coi việc lọt vào bảng xếp hạng là mục tiêu cao nhất.
Ông khẳng định: “Điều quan trọng để phát triển giáo dục ĐH là chất lượng của hệ thống phải nâng được lên. Khi giáo dục ĐH phát triển đến một tầm mức nào đó, thì hãy nghĩ đến việc trường này, trường kia lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Còn khi giáo dục ĐH vẫn trì trệ thì giả sử có trường lọt vào bảng xếp hạng cũng không làm thay đổi được diện mạo toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH trong nước”.
Còn GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, bảng xếp hạng phần nào phản ánh được giá trị, chất lượng, thành tựu đào tạo và nghiên cứu của một trường ĐH. Trong đó, các bảng xếp hạng quốc tế uy tín thường có giá trị đánh giá khách quan hơn xếp hạng trong nước. Có điều không nên quá tuyệt đối hóa giá trị của bảng xếp hạng.
GS Đào Trọng Thi cũng khẳng định, việc Việt Nam “vắng bóng” tại các bảng xếp hạng danh tiếng trên thế giới cũng chỉ ra một thực tế, đó là các trường ĐH trong nước rất thờ ơ với công tác nghiên cứu khoa học. Bởi đối với nhiều tổ chức xếp hạng (như THE), tiêu chí số lượng bài báo khoa học, nghiên cứu khoa học được đăng tải chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Thực tế, còn có nhiều bảng xếp hạng chỉ quan tâm và chấp nhận các trường có ít nhất 150 bài báo ISI (những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được công nhận bởi Viện Thông tin khoa học, Institute for Scientific Information - ISI) mỗi năm.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, số lượng gần 300 trường ĐH Việt Nam hiện nay so với 90 triệu dân không phải là nhiều. Nhưng bên cạnh những trường hoạt động tốt thì có nhiều trường chất lượng rất kém.
Vào tháng 9-2017, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ đưa vấn đề xếp hạng ĐH vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH để việc xếp hạng của Việt Nam gần hơn với thông lệ quốc tế và phù hợp với chủ trương tự chủ ĐH đang được thực thi ở Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Mục tiêu quan trọng nhất trong xếp hạng ĐH là chất lượng, vì gắn chất lượng với xếp hạng thì mới biết chúng ta đang ở đâu so với thế giới để phấn đấu thêm. Thông qua chất lượng, các trường sẽ tạo được thương hiệu, uy tín, nhưng điều quan trọng nhất đối với trường ĐH là phải có trách nhiệm với cộng đồng để xây dựng văn hóa chất lượng”.
K.An