Vì sao Mỹ tấn công Syria?
Sáng 14-4-2018 (theo giờ Việt Nam), Mỹ, Anh và Pháp đã phối hợp tấn công vào các cơ sở được cho là tàng trữ và sản xuất vũ khí hóa học của Syria mà không thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Đây là lần thứ 2 Mỹ “thích thì tấn công” Syria mà không cần bất cứ một sự đồng thuận của nước nào hay bằng chứng cụ thể gì. Sự việc một lần nữa cho thấy, nước Mỹ dù dưới bất kỳ thời tổng thống nào cũng vậy, ông Trump không phải ngoại lệ như người ta tưởng.
Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Barzeh, Syria, bị trúng tên lửa của Mỹ ngày 14-4-2018 |
Với những gì ông Donald Trump tuyên bố trong lúc tranh cử tổng thống và cả sau khi đã bước vào Nhà Trắng, thế giới như thở phào nhẹ nhõm vì từ nay Mỹ sẽ không còn can thiệp vào nội bộ nước khác, không còn lật đổ các chính thể nước ngoài bằng những hành động quân sự. Nói tóm lại, thế giới sẽ có ít chiến tranh hơn. Nhưng những gì vị tân Tổng thống Mỹ đang làm lại khiến nhân loại lo sợ, không chỉ bởi việc làm không đi đôi với lời nói, mà còn bởi nguy cơ chiến tranh leo thang và lan rộng từ những việc Mỹ tự cho mình là “cảnh sát của thế giới”.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ tái lập sự hùng mạnh cho Mỹ, nhưng điều này có nghĩa là phục hồi thịnh vượng cho dân Mỹ. Nói cách khác, với ông Trump làm tổng thống, Mỹ có thể sẽ thu mình lại, đi theo hướng chủ nghĩa biệt lập.
Đối với châu Âu, ông Trump vốn ủng hộ Brexit vẫn cho rằng, Liên minh châu Âu nên tự lo lấy thân và nhất là tự tài trợ cho phòng thủ của họ hơn là cứ núp mãi dưới cây dù Mỹ. Nói cách khác, theo ông, khối NATO chỉ có thể vận hành được và Mỹ có thể ứng cứu một đồng minh bị tấn công nếu các quốc gia châu Âu tăng ngân sách quốc phòng. Trong thời gian qua, ông Trump vẫn chỉ trích chính sách can thiệp ra bên ngoài của Mỹ, cũng như không chấp nhận các chiến dịch quân sự do chính quyền George W. Bush tung ra. Tuy vậy, ông cũng đã tỏ ý muốn gia tăng lực lượng quân đội Mỹ và thề sẽ “hạ nốc ao” quân IS. Có điều tổng thống tân cử của Mỹ không nói rõ ông sẽ làm bằng cách nào.
Đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, ông Trump cũng đã từng yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc hãy tự bảo vệ lấy thân, nếu cần sẽ cho các nước này được trang bị vũ khí nguyên tử hơn là dựa vào sự che chở của Mỹ.
Ông Trump trong thời gian tranh cử từng tuyên bố sẽ hợp tác với Nga, ít nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố. Phía Nga cũng tỏ ý sẵn sàng làm việc với chính phủ của Trump. Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ The Wall Street Journal ngày 12-11-2016, nhà tỉ phú Mỹ đã đề ra chủ trương là nên tập trung nhiều hơn vào việc chống tổ chức IS. Ông Trump cho rằng, nếu cứ tìm cách thay thế Bachar al-Assad, rồi chúng ta cũng sẽ đánh luôn cả nước Nga, đồng minh của chính quyền Damas.
Trước đó, trên tờ New York Times vào tháng 7-2016, ông Trump cũng đã tuyên bố rằng, tổ chức IS là mối đe dọa lớn hơn chính quyền Damas. Lúc đó, ứng cử viên Cộng hòa đã nhấn mạnh đến lập trường của ông là không muốn Mỹ can thiệp vào Syria, vì ông cho rằng, “đã 50 năm rồi Hoa Kỳ can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác, nhưng chỉ toàn gây ra các vấn đề, chứ không giải quyết được gì”.
Tổng thống tân cử cũng đã ngầm nêu lên khả năng Mỹ ngưng trợ giúp vũ khí cho các nhóm vũ trang thuộc phe đối lập ôn hòa, hiện vừa chiến đấu chống chế độ Assad, vừa đương đầu với lực lượng thánh chiến Hồi giáo.
Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura, trên Đài BBC ngày 15-11-2016, đã cho rằng, lập trường của ông Trump, qua những phát biểu nói trên, là “hợp lý”, tức là cứ tập trung đánh IS trước đã, rồi sau đó cùng với Nga tìm ra một giải pháp thương lượng cho khủng hoảng Syria. “Ấn tượng” nhất là phát biểu khi có mặt ở căn cứ quân sự Fort Bragg ngày 6-12-2016, ông Trump cho biết: “Chúng ta sẽ ngừng chạy đua để lật đổ các chế độ ở nước ngoài mà chúng ta chẳng biết gì về họ, chúng ta không nên dính vào những việc đó. Thay vào đó, chúng ta phải tập trung đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tiêu diệt IS. Chúng ta sẽ làm như vậy”.
Nhưng khi vào Nhà Trắng, ông Trump “lên án hành động gây hấn của Nga tại Ukraine”. Tại Hội đồng Bảo an, nữ đại sứ Mỹ khẳng định, lệnh trừng phạt “sẽ được duy trì cho đến khi nào Nga trả bán đảo Crimea lại cho Ukraine”. Rồi Tổng thống Mỹ hồi tháng 2-2017 tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng, trong khi trước đó, khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, chính quyền Obama đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống còn 3,3% GDP.
Và chưa đầy 2 tháng sau khi trúng cử, ngày 6-3-2017, Tổng thống Trump thông báo gửi quân đội Mỹ tới vùng Manbij, phía bắc Syria. Rồi rạng sáng 7-4-2017, Mỹ đã bắn 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Chaayrate thuộc tỉnh Homs, Syria. Lý do của hành động đơn phương này là “trừng phạt” vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở tỉnh Idleb ngày 4-4-2017, mà Washington cho là Chính phủ Syria thực hiện nhưng lại không cung cấp bằng chứng cụ thể. Đây là lý do Nga và Trung Quốc bác một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Syria vài ngày trước đó.
Những lý do và diễn biến của vụ tấn công Syria ngày 14-4-2018 cũng chẳng khác gì so với vụ tấn công hồi năm ngoái. Những hành động của ông Trump, theo giới quan sát, có thể làm hài lòng những người chỉ trích thái độ “nhu nhược” của chính quyền Obama, nhưng cũng có thể đưa Mỹ vào những cuộc chiến tốn kém và không lối thoát, thậm chí còn xa đà hơn cả những cuộc chiến mà chính quyền G.W. Bush phát động. Điều làm người ta lo ngại là sự thiếu kinh nghiệm của ông Trump về những vấn đề thế giới phức tạp; và tính nóng nảy của ông không thích hợp với những tình huống phức tạp, tế nhị và đòi hỏi sự kiềm chế.
Duy Hưng