Doanh nghiệp xuất khẩu được lợi nhờ tỷ giá
Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất đồng USD thêm 0,25% lên mức 1,5 - 1,75%, tỷ giá VND/USD đã biến động khá linh hoạt. Chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được điều tiết hợp lý với cơ chế tỷ giá trung tâm dao động hàng ngày đang là công cụ rất hữu hiệu để quản lý thị trường ngoại tệ.
Doanh nghiệp chế biến thủy sản hưởng lợi từ tỷ giá |
Tỷ giá diễn biến ổn định
Ngày 22/3 là lần nâng lãi suất đầu tiên của FED năm 2018 và là lần tăng lãi suất thứ 6 kể từ khi Mỹ bắt đầu đưa lãi suất ra khỏi vùng tiệm cận 0% vào cuối năm 2015. Việc FED tăng lãi suất sẽ tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, đến nay, tình hình tỷ giá, lãi suất và dòng vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam vẫn chưa có biến động đáng kể.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về cơ bản, việc FED tăng lãi suất USD sẽ không có tác động nhiều đối với dòng vốn đầu tư ra - vào Việt Nam, bởi mức tăng lãi suất đợt này không nhiều. Mức lãi suất của FED chỉ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường khi ở mức khoảng 3,5 - 4%. Hiện nay, ngay cả khi FED có tăng lãi suất đến 4 lần thì Việt Nam vẫn còn cách xa so với mức 3,5 - 4% đó.
Bên cạnh đó, để giữ được ổn định của tỷ giá trước biến động về việc tăng lãi suất của FED là do chính sách ngoại hối của NHNN được điều tiết khá hợp lý, với cơ chế tỷ giá trung tâm dao động hàng ngày đang là công cụ rất hữu hiệu để quản lý thị trường ngoại tệ. Hơn nữa, NHNN đang có nguồn dự trữ ngoại hối lên tới khoảng 60 tỷ USD, đủ để can thiệp thị trường khi cần thiết. Ngoài ra, kế hoạch tăng lãi suất của FED được đưa ra từ trước và NHNN cũng đã có các kịch bản trong điều hành nên diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước tương đối ổn định.
Doanh nghiệp lạc quan
Đại diện Hiệp hội Chế biến xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các doanh nghiệp (DN) XK tôm vào Nhật Bản đang được hưởng lợi từ tỷ giá. Nguyên nhân bởi hiện nay, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu (NK) tôm lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 17% tổng kim ngạch XK mặt hàng này). Hầu hết các DN NK thanh toán bằng đồng USD, do vậy, khi giá VNĐ giảm, đồng nghĩa rằng giá NK tôm từ Việt Nam sẽ rẻ hơn so với các nước khác, DN Việt sẽ cạnh tranh tốt hơn.
Cũng lạc quan như ngành thủy sản, theo đại diện Hiệp hội Rau, quả Việt Nam, mặc dù kim ngạch XK mặt hàng rau, củ, quả vào thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đang diễn biến rất thuận lợi. Thống kê đến hết tháng 1/2018, giá trị XK các mặt hàng rau, quả vào thị trường này cũng đạt gần 100 triệu USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2017. Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch Công ty TNHH nông sản Cát Tường (Tiền Giang) - cho biết, việc Hoa Kỳ chấp thuận thêm hàng chục DN XK trái cây tươi trong thời gian vừa qua, khả năng nhiều mặt hàng trái cây xuất vào Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 15 - 30% trong năm nay. Thêm vào đó, với giá bán trung bình cao gấp 1,5 lần thị trường trong nước, cộng với sự ổn định của tỷ giá như hiện nay, DN XK rau, quả hoàn toàn có thể lạc quan tăng kim ngạch và giá trị XK.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) với sự hỗ trợ từ nguồn lực dự trữ ngoại hối và cơ chế tỷ giá trung tâm cũng như mức thặng dư của cán cân thương mại khá lớn, cộng với triển vọng nguồn vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán đang khởi sắc thì năm 2018, tỷ giá VND/USD sẽ chỉ tăng nhẹ ở mức 1,5 - 2%. Điều này cho thấy, áp lực của tỷ giá đối với ổn định kinh tế vĩ mô là không lớn, ngược lại vẫn đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hoạt động XK.
Lượng ngoại tệ dồi dào, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, cùng với những dự báo thị trường chính xác giúp NHNN kiểm soát tốt trước những biến động của tỷ giá từ đầu năm đến nay, nhờ đó không tạo áp lực lên tỷ giá mà còn hỗ trợ mạnh cho hoạt động XK. |