'Xã hội đen' ẩn náu trong vũ trường, karaoke ở Sài Gòn
Đa số quán bar, vũ trường, các điểm kinh doanh trò chơi giải trí... ở TP HCM tiềm ẩn tội phạm.
Báo cáo với UBND TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trong đợt tổng kiểm tra mới nhất, ngành chức năng thành phố đã làm việc với hơn 2.900 nhà hàng karaoke, vũ trường, quán bar, beer club, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, các giải thi đấu thể thao trí tuệ "Bridge và Poker".
Đa số cơ sở bị phát hiện vi phạm như: khách và nhân viên mua bán, sử dụng ma túy hoặc tiềm ẩn tệ nạn mại dâm, cờ bạc. Nhiều nơi hoạt động đến 3-4h sáng, là chỗ các băng nhóm xã hội đen tụ tập.
Lực lượng chức năng đã xử lý gần 1.400 cơ sở vi phạm, phạt hơn 17,5 tỷ đồng. Công an cũng khởi tố, đưa vào trại cai nghiện hàng trăm người.
Trước đó, trung tướng Lê Đông Phong (Giám đốc Công an TP HCM) đã chỉ ra hiện tượng các băng nhóm tội phạm có chiều hướng từ các tỉnh kéo về thành phố hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar... Chúng núp bóng các doanh nghiệp để hoạt động cầm đồ, cấu kết các tội phạm khác để đòi nợ thuê, cho vay, tổ chức cờ bạc...
Ngành chức năng xác định đa số vũ trường, nhà hàng karaoke... luôn tiềm ẩn tội phạm, tệ nạn xã hội. Ảnh: Quốc Thắng. |
Thể thao trí tuệ biến tướng thành cờ bạc
Theo Sở Văn hóa, thành phố hiện có gần hơn 1.000 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, trung tâm vui chơi giải trí và khoảng 2.000 hộ kinh doanh dịch vụ thể thao trí tuệ. Những nơi này trang bị máy đua ngựa, đua chó, máy bắn cá; các giải thi đấu thể thao trí tuệ "Bridge và Poker"... và đều là dạng cờ bạc trá hình, có tính đối phó cao.
Ngành chức năng thừa nhận việc quản lý chưa tốt do chưa theo kịp sự phát triển các loại hình dịch vụ mới, nghiệp vụ còn hạn chế nên chậm để phát hiện, triệt phá. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh loại hình dịch vụ thể thao trí tuệ, nhưng chưa có thông tư quy định về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp.
Khi bị xử phạt, các cơ sở có nhiều phương thức đối phó, lẩn tránh (như thay tên đổi chủ, xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới); trong khi giải pháp cưỡng chế, khấu trừ tiền từ các tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt không có hiệu quả.
Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND thành phố yêu cầu các đơn vị cho thuê vị trí kinh doanh ngành nghề nhạy cảm phải thu hồi mặt bằng khi cơ sở đó vi phạm nhiều lần.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn quản lý môn thể thao trí tuệ "Bridge và Poker"; quy định rõ các máy trò chơi điện tử không trang bị chức năng tích điểm như đồng xu, điểm thưởng, không cho trúng thưởng bằng bất kỳ hình thức nào để quy đổi thành tiền.
Cuối tháng 10/2017, UBND TP HCM ban hành kế hoạch tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm do có nhiều dấu hiệu vi phạm, có chiều hướng gia tăng. Một số doanh nghiệp kinh doanh biến tướng, không đúng chức năng ngành nghề đã đăng ký, phát sinh các tệ nạn xã hội, không đảm bảo an toàn PCCC, gây mất an ninh trật tự.
Poker vốn là môn thể thao trí tuệ, được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập Hiệp hội Bridge và Poker. Nhiều tỉnh thành đã lập các câu lạc bộ, tham gia thi đấu ở các giải thử nghiệm, song loại hình này vẫn chưa được ngành thể thao ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thi đấu và tập luyện. Theo cơ quan điều tra, một số câu lạc bộ đã để xảy ra nhiều sai phạm như treo giải thưởng không thông báo cơ quan chức năng, kết nạp thành viên chưa đúng. Do đó, các nhóm tội phạm đã lợi dụng để tổ chức môn thể thao này thành các ổ cờ bạc trá hình. Ngày 3/1, Công an TP HCM triệt phá sòng bạc chuyên phục vụ giới doanh nhân, Việt kiều, đại gia do Nguyễn Tấn Phát (31 tuổi), Trần Tuấn Anh (27 tuổi) và Trần Nguyễn Anh Tú (26 tuổi) cầm đầu. Ngoài 21 người bị bắt quả tang đang ăn thua, cảnh sát thu giữ gần 400 triệu đồng, 3.400 USD, hơn 500 phỉnh, nhiều thẻ ngân hàng, sổ sách... được cho là tang vật bị thu giữ. Tuấn Anh có thời gian tham gia các câu lạc bộ Poker tại Sài Gòn. Biết nhiều người muốn ăn thua lớn, anh ta rủ đồng phạm tổ chức sòng sát phạt, sau đó lôi kéo người từ các câu lạc bộ về chơi. |