Thị trường tranh Việt Nam
“Tranh tối, tranh sáng”?
3 thập kỷ qua, mỹ thuật Việt Nam phải đối mặt với tình trạng lẫn lộn tranh thật - tranh giả nhưng không có cách giải quyết triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến các họa sĩ, làm nền mỹ thuật nước nhà mất đi vẻ đẹp.
Tháng 7-2016, một sự kiện đã khiến giới mỹ thuật Việt Nam choáng váng: Cả 17 bức tranh của triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đều là tranh giả.
Họa sĩ Thành Chương bên bức tranh giả được ký tên “Tạ Ty” |
Ngay sau đó, họa sĩ Thành Chương cũng gửi đơn tố cáo về hành vi có dấu hiệu phạm tội làm hàng giả, xâm phạm bản quyền tác giả đến Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khẳng định bức tranh có tên “Trừu tượng” của họa sĩ Tạ Ty chính là bức tranh “Chân dung cô Kim Anh” của ông, sáng tác khoảng thời gian 1970 - 1975.
Trước đó, vào tháng 10-2016, bức tranh “Phố cổ Hà Nội” của họa sĩ Bùi Xuân Phái được đấu giá 102.000 USD trong một buổi gây quỹ từ thiện bị họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai danh họa Bùi Xuân Phái - “tố” không phải là tranh của cha ông.
Đến tháng 7-2017, bức tranh “Phố cũ” của Bùi Xuân Phái được nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (Chọn Auction House) mang ra trưng bày và đấu giá cũng gặp nhiều nghi vấn. “Phố cũ” được giới thiệu là tranh của Bùi Xuân Phái chất liệu sơn dầu, có mức giá khởi điểm 8.000 USD, giống bức “Phố cũ” (Hanoi Streets) xuất hiện trong phiên đấu giá của Sotheby’s (Singapore) bán 11.443USD năm 2006, sau đó nhà Christie’s (Hong Kong) bán 12.804 USD vào năm 2014...
Bức xúc trước vấn nạn các tác phẩm mỹ thuật đang trong tình trạng “tranh tối, tranh sáng”, ngày 16-3, giới họa sĩ đã phải lên tiếng phản ứng.
Các họa sĩ, nhà nghiên cứu mong muốn và kêu gọi thành lập Hội đồng Thẩm định quốc gia có vai trò, chức năng như Hội đồng Di sản quốc gia để bảo vệ bản quyền tác giả, đồng thời kêu gọi các cơ quan quản lý, cơ quan pháp luật vào cuộc và tội chép tranh làm tranh giả nên được coi là tội phạm hình sự.
Theo Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho hay, hiện nay đang thiếu khâu giám định - việc cần thiết để xác định tranh thật, giả. Cục đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép triển khai xây dựng Thông tư về tiêu chuẩn giám định viên mỹ thuật, trong đó sẽ có quy định về tiêu chuẩn giám định viên cũng như các sàn đấu giá phải công khai danh tính giám định viên, tránh tình trạng mù mờ như hiện nay.
Khi xảy ra vấn đề về bản quyền tranh, cần báo đến ba cơ quan có trách nhiệm xử lý là công an, quản lý thị trường và thanh tra văn hóa địa phương. Hành vi buôn bán tranh giả có thể quy tội xâm phạm bản quyền và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 158. Nếu các cơ quan cần tư vấn chuyên môn, có thể mời chuyên gia của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nếu không xử lý được có thể báo về Cục Bản quyền tác giả. Tiếp tục không giải quyết được nữa thì phải đưa ra tòa án dân sự. Chúng ta đã có đủ một hành lang pháp lý về hoạt động mỹ thuật, vấn đề quan trọng là cần có những vụ việc bị xử lý kiên quyết, đến cùng để làm gương.
Các họa sĩ, nhà nghiên cứu mong muốn và kêu gọi thành lập Hội đồng Thẩm định quốc gia có vai trò, chức năng như Hội đồng Di sản quốc gia để bảo vệ bản quyền tác giả. |
P.V