Tình hình chuyển đổi năng lượng tại Úc
Úc là quốc gia có nguồn năng lượng dồi dào, nhưng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, nhất là khi Úc đang tham gia vào quá trình giảm bớt lượng khí cacbon ra khỏi cơ cấu năng lượng trong khi vẫn đảm bảo nguồn cung ứng.
Trong báo cáo được công bố vào tháng 2-2018, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chia sẻ các kiến nghị của họ để giúp Úc hoàn thành quá trình chuyển tiếp năng lượng này.
Năng lượng hóa thạch chiếm 93,4%
Theo dữ liệu mới nhất của IEA, năng lượng hóa thạch chiếm tới 93,4% mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Úc trong năm 2016. Mặc dù trong 10 năm qua, tỉ trọng than trong cơ cấu năng lượng này đã giảm 12%, nhưng than vẫn được xem là nguồn năng lượng chính trong hệ thống năng lượng của Úc. Đất nước với 25 triệu dân này đứng thứ 4 thế giới về trữ lượng than. Nhiên liệu giá rẻ này chiếm tới 74,5% trong sản lượng năng lượng quốc gia và gần 2/3 sản lượng điện của cả nước Úc.
Úc có tỉ lệ lắp đặt các tấm pin quang điện trong các hộ gia đình cao nhất thế giới |
Úc là nhà xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới (theo dữ liệu của Tập đoàn Dầu mỏ Anh BP báo cáo về năng lượng thế giới vào tháng 6-2007, Mỹ, Trung Quốc và Nga là ba quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng than) với 90% sản lượng than được xuất khẩu nhưng ngược lại, quốc gia này phải nhập khẩu hoàn toàn dầu thô và các sản phẩm của dầu mỏ (với trữ lượng thấp hơn so với các quốc gia phát triển khác).
Nhờ vào trữ lượng khí tự nhiên khổng lồ (nhất là khí than - coalbedmethane), Úc đã trở thành một trong những nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (GNL) hàng đầu thế giới. Úc xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ năm 1989 và kể từ năm 2009, sản lượng khí xuất khẩu đã tăng đáng kể, chủ yếu là xuất khẩu sang Nhật. Theo IEA, hiện nay cũng giống như Mỹ, Úc có khả năng hóa lỏng khí đáng kể. Điều này biến Úc trở thành đối thủ cạnh tranh với Qatar trong cuộc đua trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Cần biết rằng, Úc cũng là quốc gia có trữ lượng uranim tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đất nước này lại không có lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động nào cả. IEA báo cáo Úc không có bất kỳ lò phản ứng hạt nhân nào, nhưng quốc gia này vẫn có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu (OPAL).
Đến năm 2030, khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm 26-28%
Chiến lược về năng lượng của Úc dựa trên ba ưu tiên mà chính phủ nước này đã đưa ra vào tháng 4-2015 trong kế hoạch Energy White Paper: cạnh tranh nhiều hơn trên thị trường năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng giá rẻ và đầu tư vào việc đổi mới và phát triển các nguồn năng lượng mới.
Sơ đồ cơ cấu năng lượng của Úc năm 2016 |
Theo Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu, Úc cam kết giảm từ 26-28% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, so với mức của năm 2005. Để đạt được mục tiêu này, theo IEA, quốc gia này phải nỗ lực hơn nữa, vì hiện tại Úc vẫn chưa có chính sách lâu dài nào để ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ năm 2012-2014, Úc đánh thuế khí thải carbon với những doanh nghiệp có lượng phát thải lớn, nhưng đã gỡ bỏ sắc thuế này vào hè năm 2014. Tuy nhiên, sáu tiểu bang và các vùng lãnh thổ Úc đã cam kết cắt giảm hoàn toàn lượng khí thải vào năm 2050.
Lượng khí thải CO2 của Úc đã tăng 46,7% từ năm 1990, đạt mức 380,9 triệu tấn vào năm 2015, theo dữ liệu mới nhất của IEA (so với mức 290,5 triệu tấn CO2 của Pháp, nhưng nên biết rằng mức tiêu thụ năng lượng của Pháp gấp gần 2 lần của Úc). Theo IEA, Úc cần đặt trọng tâm vào việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng vì gần một nửa lượng khí thải hiện tại của Úc bắt nguồn từ ngành điện than. Lượng khí CO2 phát ra từ việc sản xuất điện than của Úc đã giảm 15% từ năm 2015 nhưng vẫn còn khá cao (740g CO2/kWh vào năm 2015) so với các nước phát triển khác.
Năng lượng tái tạo chiếm 48% tại bang Nam Úc
Úc là quốc gia có trữ lượng uranim tự nhiên lớn nhất thế giới nhưng lại không có lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động nào cả. |
Việc đóng cửa các nhà máy điện than cũ và phát triển năng lượng tái tạo phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình chuyển tiếp năng lượng của Úc. Nhưng tại các tiểu bang và vùng lãnh thổ của quốc gia này, cơ cấu năng lượng lại rất khác nhau: ví dụ tại Tasmanie, thủy điện chiếm 86% sản lượng điện trong khi đó, khí tự nhiên lại chiếm phần lớn trong cơ cấu năng lượng tại vùng lãnh thổ phía Bắc của quốc gia này. Theo IEA, sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo (gió và mặt trời thì Úc có tỷ lệ lắp đặt các tấm pin quang điện trong các hộ gia đình cao nhất thế giới. Tại bang Nam Úc, hơn 200.000 hộ gia đình đã lắp đặt các tấm pin quang điện trên các mái nhà của họ. Trong năm 2016, năng lượng tái tạo chỉ chiếm khoảng 7% trong cơ cấu năng lượng Úc, nhưng lại chiếm đến 48% trong cơ cấu năng lượng của Nam Úc (chủ yếu là điện gió).
Tại Nam Úc, vấn đề an toàn nguồn cung năng lượng là một thách thức lớn. Vào tháng 9-2016, người dân ở bang Nam Úc đã bị mất điện sau khi một cơn bão lớn tràn vào khu vực này. Sau vụ việc này, các nhà chức trách của bang đã bị cáo buộc vì phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng tái tạo, sản lượng điện gió và nhiệt điện không đủ để đáp ứng nhu cầu về điện của bang. Cũng tại bang này, vào năm 2017, công ty Tesla đã cho vận hành một hệ thống trữ điện bằng pin khổng lồ, có thể lưu trữ tới 129 MWh điện được cung cấp từ trang trại điện gió gần đó để giải quyết tình trạng mất điện tại Úc và tạo điều kiện dễ dàng cho việc quản lý mạng lưới điện.
S.Phương