Tận dụng cơ hội từ CPTPP
Cải cách thể chế là yếu tố quyết định
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ mang đến cơ hội mà cả thách thức cho 11 quốc gia thành viên. Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện chiến lược tiếp cận, khai thác hiệu quả các cam kết từ CPTPP để tận dụng các cơ hội, đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế.
Áp lực cải cách
Theo báo cáo Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngay sau khi CPTPP được ký kết, lợi ích trong việc thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau chính là điểm nhấn lớn nhất của CPTPP. Cụ thể, CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như: dịch vụ (tài chính, viễn thông, gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan...
Bình luận về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội lớn và là cơ sở để mang đến những lạc quan dài hạn từ những tác động của CPTPP.
Theo TS Trần Đình Thiên, cơ hội đó là Việt Nam sẽ có một thị trường mới với quy mô 500 triệu dân, trải khắp toàn cầu; một cấu trúc thị trường mới sẽ mở ra cho doanh nghiệp; cơ hội thương mại sẽ mở ra những cơ hội đầu tư… Tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên cũng chỉ ra rằng, thách thức từ CPTPP là không hề nhỏ, đặc biệt là vấn đề cải cách thể chế, chiến lược tiếp cận và khai thác các cam kết của CPTPP.
“Áp lực thay đổi thể chế, cải thiện khung khổ pháp lý theo những tiêu chuẩn của thị trường minh bạch, hiện đại sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp. Thậm chí cả việc phải tham gia, đối mặt với các cuộc chiến thương mại cũng là cách để hoàn thiện năng lực cạnh tranh của cả doanh nghiệp và nền kinh tế” - ông Thiên phân tích.
Sự thận trọng của TS Trần Đình Thiên cho thấy, dù là những người trong cuộc của sân chơi CPTPP, là đối tượng hưởng lợi trực tiếp, song chiến lược kinh doanh trong thời CPTPP cũng phải đi sau các động thái chính sách.
Đề cập về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay: Cho dù bước vào sân chơi CPTPP hay bất cứ một không gian nào sẽ được mở ra tới đây của các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp Việt Nam phải hít thở không khí, phải bơi trong môi trường nước tại Việt Nam, trong môi trường kinh doanh, môi trường chính sách của Việt Nam. Điều này có nghĩa, nếu các bước rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành, đề xuất các phương án sửa đổi không được thực hiện ngay, không được thực hiện đúng với tinh thần của CPTPP, những cơ hội tính đếm cho doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn chỉ nằm trong các bản nghiên cứu. Không phải vô cớ mà cả giới chuyên gia kinh tế và cộng đồng kinh doanh đặt lo ngại vào phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
“Chúng tôi rất trông chờ các bộ, ngành sớm có kế hoạch rà soát, đánh giá hệ thống văn bản để có thể cùng tham gia. So với hồi làm TPP, mọi việc thuận hơn vì đã có bước rà soát từ trước, lần này là tiếp tục. Nhưng vẫn phải nhắc tới yêu cầu minh bạch và trách nhiệm của các bộ, ngành trong công việc này” - bà Trang nói.
Doanh nghiệp chủ động nhập cuộc
Cải cách thể chế chính là yếu tố quyết định trong sân chơi CPTPP để Việt Nam tận dụng tốt nhất các cơ hội và hóa giải tối đa những thách thức mà hiệp định này mang lại. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ, của các bộ, ngành thì sự chủ động vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quan trọng.
Trong 2 năm trở lại đây, trên tinh thần hành động vì người dân, doanh nghiệp của Chính phủ, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, 675 điều kiện kinh doanh của ngành công thương đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bãi bỏ vào đầu năm 2018 và hàng loạt thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm được bãi bỏ tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP (thay thế Nghị định 38/2015/NĐ-CP).
Trong những kết quả được ghi nhận có tính cải cách lớn này, sự chủ động của doanh nghiệp rất lớn. Chỉ tính riêng hành trình kiến nghị sửa đổi Nghị định 38 trong suốt 2 năm qua, 10 hiệp hội doanh nghiệp đã sát cánh cùng với các cơ quan nghiên cứu để phân tích tác động của từng quy định, đề xuất các phương án thay thế.
Thậm chí, lần đầu tiên một bản dự thảo nghị định thay thế Nghị định 38 đã được các hiệp hội doanh nghiệp độc lập xây dựng, như một tài liệu tham khảo cho cơ quan soạn thảo được giao trách nhiệm là Bộ Y tế. Nhiều nội dung của dự thảo này đã được tiếp thu. Đây là điều mà các doanh nghiệp đang muốn tiếp tục thực hiện với các bước rà soát, đánh giá hệ thống văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải làm theo yêu cầu của CPTPP.
“VCCI đang có kế hoạch phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để thực hiện đánh giá độc lập hệ thống văn bản liên quan đến thực thi CPTPP nhằm khuyến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền” - bà Trang thông tin.
TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Chúng ta đều phải thay đổi tư duy với nguyên tắc thống nhất là cải cách, đổi mới là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Các cam kết hội nhập chỉ là chất xúc tác để tiến trình này đi nhanh hơn”. |
Ánh Tuyết