Thép Việt vào thị trường Mỹ
Vượt qua hàng rào thuế cao
Trước tuyên bố tăng thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Thế nhưng, nhìn chung, thuế cao cũng không ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất và xuất khẩu thép Việt.
Không phụ thuộc vào thị trường Mỹ
Ông Đỗ Duy Thái - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất thép Việt (Pomina) nhận định, lượng thép và nhôm Việt xuất khẩu vào thị trường Mỹ không lớn, vì vậy các mặt hàng này không ảnh hưởng nhiều khi sắc lệnh áp thuế cao đối với thép, nhôm được áp dụng. Thép Việt xuất khẩu mạnh vào các thị trường ASEAN và Canada vì không phải chịu thuế.
Thép Việt được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới |
Đại diện Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cũng khẳng định, việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho rằng, xét về tổng thể, việc xuất khẩu thép của Việt Nam cũng không có biến động mạnh. Mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường, thị trường xuất khẩu không bị ách tắc. ASEAN mới chính là thị trường tiêu thụ thép Việt nhiều nhất, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng xuất khẩu thép, Mỹ chỉ chiếm 11,1%. Trong 2 năm trở lại đây, lượng thép xuất khẩu vào thị trường Mỹ có xu hướng giảm. Đơn cử, năm 2016 sản lượng thép xuất khẩu vào Mỹ gần 1 triệu tấn, năm 2017 giảm xuống còn 500 nghìn tấn, trong khi tổng lượng thép xuất khẩu cả nước năm 2017 tới 4,7 triệu tấn. Những con số đó cho thấy, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam nếu mất thị trường Hoa Kỳ sẽ không gặp khó khăn gì.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 124,6 nghìn tấn sắt thép các loại sang thị trường Mỹ. Hiện Việt Nam đứng thứ 12 trong số 20 nhà cung cấp thép lớn nhất của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ nhằm bảo vệ ngành luyện kim trong nước. Theo đó, sẽ áp thuế 25% với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu, Việt Nam là 1 trong 12 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh tăng thuế này.
Giảm khó cho doanh nghiệp thép
Mặc dù không bị ảnh hưởng lớn, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Đại diện VSA nhận định, việc Mỹ áp thuế 25% với thép nhập khẩu chắc chắn sẽ gây ra biến động giá cả và sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm tính cạnh tranh đối với một số sản phẩm cùng loại của các nước.
Mong muốn giảm khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của ngành thép trong nước, VSA sẽ cùng với các doanh nghiệp ngành thép nghiên cứu thông tin vụ việc này xem chỗ nào chưa hợp lý để kiến nghị với Chính phủ Mỹ nhằm giảm bớt những thiệt hại không đáng có đối với mặt hàng thép xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, đã đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc việc áp dụng lệnh tăng thuế đối với thép Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng lượng thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ.
Mục tiêu của Chính phủ Mỹ là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để né thuế. Với vấn đề này, doanh nghiệp thép Việt có thể chứng minh xuất xứ thép Việt Nam để bán hàng tại thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU...
Các chuyên gia trong ngành thép nhận định, Việt Nam xuất khẩu thép cán nguội và tôn mạ vào thị trường Mỹ, trong khi ngành sản xuất nội địa không hề có khả năng cung ứng nguyên liệu là thép cán nóng, tất cả đều phải nhập khẩu (phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc). Đây chính là lý do các nhà máy tôn mạ Việt Nam nằm trong danh sách xem xét áp thuế của Mỹ. Tuy nhiên, năm 2017 ngành thép nội địa Việt Nam sản xuất gần 10 triệu tấn thép thô và gần 1,3 triệu tấn thép cán nóng. Thép thô và thép cán nóng đều là những sản phẩm phù hợp quy định về xuất xứ của Mỹ. Chính vì vậy mà từ năm 2018 trở đi, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng và đủ điều kiện để được cấp CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa). Tất cả điều kiện cần cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu mặt hàng thép đã có, do đó đòi hỏi ngành thép phải nỗ lực cùng Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc việc áp dụng lệnh áp thuế cao đối với thép và nhôm “made in Vietnam” khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ngoài giải pháp trước mắt là kiến nghị không áp thuế cao đối với thép Việt khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, yêu cầu đặt ra hiện nay là bên cạnh việc quan tâm đến các thị trường truyền thống như ASEAN, EU, Mỹ…, doanh nghiệp thép Việt Nam cần quan tâm đến các thị trường tiềm năng khác để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chủ động hơn trong xuất khẩu, đồng thời đề phòng các rào cản thương mại đã, đang và sẽ được các nước xây dựng ngày càng nhiều nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ đưa ra 3 lựa chọn: Áp dụng đồng loạt mức thuế 25% đối với toàn bộ các nước xuất khẩu thép sang Mỹ. Phương án 2 là áp dụng mức thuế thấp nhất là 53% đối với thép nhập khẩu từ Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Nga, Nam Phi, Thái Lan, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Phương án cuối cùng là cắt giảm thép nhập khẩu vào Mỹ khoảng 37% từ tất cả các nước. |
Thanh Hồ