Tiền công đức đi đâu?
Ai đã từng đi lễ đền, chùa, thăm viếng các di tích văn hóa, lịch sử đều thấy, ở những nơi này đặt khá nhiều hòm công đức.
Và hầu như ai đã đến đó đều thành tâm cúng tiến không nhiều thì ít một khoản tiền công đức. Hằng năm, số tiền công đức rất lớn, đều tính bằng tiền tỉ cả. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là số tiền ấy được quản lý và sử dụng như thế nào? Bởi vì, có nhiều đền, chùa, danh thắng, di tích muốn tu bổ, nâng cấp thì ban quản lý và các nhà sư vẫn phải đi vận động Phật tử hoặc nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí.
Kiểm đếm tiền công đức |
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 14.775 đền, chùa. Hòm công đức ở các đền, chùa đều được đặt ở khắp các ban. Thế nhưng, một số Phật tử đi lễ vẫn đặt tiền lên ban thờ, nhét vào tay Phật, thậm chí cài vào bất cứ chỗ nào chứ không bỏ tiền vào hòm công đức. Ở những đền, chùa lớn vào mùa lễ hội thì số tiền đặt bừa bãi rất nhiều.
Chẳng hạn, ở chùa Bái Đính (Ninh Bình), một bà được doanh nghiệp thuê đi thu gom loại tiền đó kể rằng, có ngày bà phải đi 5 lần mới thu gom hết tiền để cho vào hòm công đức. Mỗi ngày bà được trả công 150.000 đồng. Bà cũng thành thật tâm sự: “Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 5 giờ chiều thì có nhân viên đi mở các hòm công đức để cho tiền vào bao tải và cho lên ôtô chở đi. Chúng tôi không biết tiền được chở đi đâu và sử dụng vào mục đích gì?”.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chùa Bái Đính được giao cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đầu tư xây dựng và quản lý. Việc quản lý và sử dụng tiền công đức ở đây cụ thể mỗi năm là bao nhiêu, quản lý như thế nào và sử dụng ra sao chúng tôi cũng không nắm được”.
Cũng về vấn đề này, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Quán Sứ cho rằng, muốn bình an phải làm các việc phúc, việc thiện, có lối sống cao thượng, làm chủ cảm xúc, thái độ, thói quen chứ không phải dựa vào số tiền công đức hay nơi đặt công đức. Hòm công đức ở các đền, chùa do ban quản lý đặt ra. Giáo hội Phật giáo không rõ số lượng hòm công đức ở các đền, chùa và cũng không quy định việc đặt hay không đặt hòm công đức.
Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là đã “tích đức” và càng bỏ nhiều nơi, nhiều “cửa”, nhiều tiền thì đức sẽ càng “dày”. Nhưng theo quan điểm của nhà Phật, không phải công đức nhiều là lộc nhiều, không phải công đức bao nhiêu thì thánh thần sẽ biết và ban lộc trở lại bấy nhiêu. Bởi những người nghèo khó không có tiền công đức, nhưng họ lại tu tâm dưỡng tính, loại bỏ lòng tham, hận thù… thì đó đã là công đức.
Người đời vẫn thường có câu ví “tiền chùa” để nói đồng tiền không có ai quản lý và muốn chi tiêu như thế nào thì chi. Cho nên, con số khổng lồ tiền công đức tại các khu di tích tâm linh thu được hằng năm ấy, ai là người quản lý?
Đây là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, đã có nhiều vụ khuất tất xung quanh việc quản lý tiền công đức phải kiểm điểm, thanh tra bởi đã có những người xà xẻo khoản tiền này.
Một số nơi khoán trắng cho tư nhân tiền công đức hằng năm. Mỗi năm phải nộp cho địa phương một số tiền cố định, còn lời ăn lỗ chịu. Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An là một ví dụ. Từ tháng 7 đến tháng 12-2013, số tiền xã thu về là 3,3 tỉ đồng. Và dịp đó một cán bộ xã bị kỷ luật vì đã trộm tiền công đức. Trước đó, một số người đã nghi ngờ vì số tiền thu về thấp hơn với thực tế của lượng người đến công đức.
Cũng có những chùa ít người đến lễ thì tiền công đức không đáng kể. Đại đức Thích Minh Tuệ, trụ trì chùa Vạn Niên (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tiền phật tử bỏ vào hòm công đức tại chùa ít lắm, chỉ đủ cho nhà chùa trả tiền điện hằng tháng. Để có được một cơ ngơi lộng lẫy, khang trang như hiện nay là do sư ông đi kêu gọi Phật tử các nơi thành tâm cúng tiến công đức xây chùa. Từ trước tới nay, có Phật tử nào đưa tiền để xây di tích mà gửi ban quản lý di tích với bộ máy cồng kềnh hàng bao nhiêu con người đâu! Cái chính vẫn là niềm tin. Mà sư xây chùa rất thành tâm, nhanh gọn, đẹp đẽ lại không bị thất thoát.
Rõ ràng là khoản tiền công đức trên khắp cả nước rất lớn. Đó cũng là đồng tiền xuất phát từ mồ hôi công sức của người dân làm ra và thành tâm cung tiến. Và chuyện thất thoát là có thật. Vì thế, quản lý tiền công đức như thế nào và vai trò của Nhà nước trong việc quản lý đến đâu cần phải cân nhắc. Đây là vấn đề nhạy cảm, không thể thực hiện theo mệnh lệnh mà cần tham khảo ý kiến dư luận từ nhiều phía, đặc biệt những ý kiến từ các nhà tu hành. Mục tiêu cuối cùng là không để đồng tiền do người dân công đức bị thất thoát và chi sai mục đích, nhất là “chui” vào túi cá nhân.
Bùi Đức