Khủng hoảng khí đốt Nga - Ukraine chưa đến hồi kết
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga tuyên bố từ ngày 1-3-2018 cắt cung cấp khí đốt cho Ukraine. Châu Âu - nơi nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga qua ngả Ukraine - đang lo sợ sẽ tái diễn mùa đông lạnh giá như hồi năm 2009 vì thiếu khí đốt sưởi ấm của Nga.
Giữa lúc cả lục địa châu Âu đang chìm trong mùa đông giá lạnh, ngày 1-3, Tập đoàn Khí đốt Gazprom thông báo cắt nguồn cung cấp khí thiên nhiên cho Ukraine với lý do một thỏa thuận bổ sung trong hợp đồng mua bán khí đốt hiện tại giữa tập đoàn này và nhà điều hành khí đốt Naftogaz (Ukraine) chưa được hoàn tất.
Phát biểu với báo giới tại Moskva ngày 1-3, Phó giám đốc điều hành Gazprom Alexander Medvedev nói Gazprom đã hoàn lại khoản tiền mà Naftogaz đã trả trước cho đơn hàng tháng 3-2018. Sang ngày 2-3, tập đoàn dầu khí của Nga cho biết, họ sẽ đệ đơn lên Tòa trọng tài Quốc tế nhằm chấm dứt hợp đồng với Ukraine sau khi Gazprom từ chối nối lại nguồn cung khí đốt cho Kiev.
Trong tuyên bố ngày 2-3, Tổng giám đốc Gazprom Alexei Miller nhấn mạnh tập đoàn này "buộc phải đệ đơn ngay lên Tòa trọng tài Stockholm (Thụy Sĩ) đề nghị xem xét tiến trình cắt đứt hợp đồng với Tập đoàn Năng lượng Naftogaz của Ukaine liên quan việc vận chuyển và cung cấp khí đốt".
Một trạm bơm khí đốt ở Ukraine |
Không phải tự dưng Gazprom kiếm cớ gây sự với Naftogaz. Số là ngày 28-2-2018, Tòa trọng tài Stockholm yêu cầu Gazprom trả 2,56 tỉ USD cho Naftogaz do không giao số lượng khí đốt theo thỏa thuận. Vụ kiện diễn ra từ năm 2014 sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine liên quan tới vấn đề Crimea.
Sau cuộc khủng hoảng khí đốt Nga - Ukraine - châu Âu tháng 1-2009 (Nga cúp khí đốt đưa sang Ukraine khiến không chỉ Ukraine mà còn cả châu Âu bị thiếu khí đốt để sưởi ấm vào mùa đông), Nga và Ukraine soạn thảo hợp đồng mua bán khí đốt giai đoạn 2009-2019 theo kiểu "take or pay" (mua hay nộp phạt) buộc phía Ukraine mỗi năm phải mua của Nga 52 tỉ m3 nếu không muốn bị nộp phạt. Naftogaz lấy cớ mức giá của Nga quá cao so với giá bán cho các đối tác khác ở châu Âu và không thực hiện đầy đủ các điều khoản theo hợp đồng khiến đến năm 2014 phía Nga phải đệ đơn ra Tòa trọng tài.
Việc Nga cúp khí đốt sang Ukraine ngày 1-3-2018 đã ngay lập tức khiến nước này bị ảnh hưởng. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ukraine Igor Nasalyk ngày 1-3 đã kêu gọi các trường mầm non, trường trung học và đại học tạm thời đóng cửa; hối thúc các công ty tại nước này điều chỉnh các hoạt động để tiết kiệm khí đốt. Trong khi đó, các công ty điện lực nhận được chỉ thị chuyển sang sử dụng dầu ở những nơi có thể. Biện pháp này đã giúp Ukraine chỉ trong 3 ngày giảm được 14% tiêu thụ khí đốt. Tuy nhiên, các tranh chấp đang gây lo ngại thực sự cho Ukraine. Naftogaz đã khẩn cấp ký hợp đồng với một nhà cung cấp khí đốt của Ba Lan để bảo đảm việc cấp khí đốt cho đến hết tháng 3-2018.
Mặc dù dòng khí đốt Nga vẫn liên tục đổ về Liên minh châu Âu và không bị gián đoạn, nhưng ngày 2-3, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách năng lượng Maros Sefcovic đã bày tỏ lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra đối với việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang EU sau khi xảy ra xung đột mới giữa Ukraine và Nga. Ông Sefcovic nói: "Theo quan điểm của ủy ban, tình hình này đặt ra mối quan tâm không chỉ đối với việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine mà còn có thể cho việc vận chuyển khí đốt sang EU. Bằng văn bản, ủy ban kêu gọi tất cả các bên liên quan, các công ty và các bộ, ngành ở Ukraine và Nga tìm giải pháp ngay lập tức phù hợp với quyết định của Tòa án trọng tài Stockholm".
Sự lo ngại của Ủy ban châu Âu là hoàn toàn có cơ sở. Châu Âu đang trải qua một đợt rét khủng khiếp. Trong đêm 28-2, nhiệt độ xuống đến -21°C tại vùng núi Croatia và Bosnia, -20°C ở Lübeck (bắc Đức), thậm chí đến -31°C tại Glattalp, vùng núi cao ở Thụy Sĩ. Còn tại Pháp, đây là đêm giá lạnh nhất trong mùa đông năm nay tại miền Đông Bắc, với nhiệt độ -12°C ở Metz. Đợt rét này từ Siberia tràn qua toàn châu Âu đã làm cho gần 50 người chết, trong đó có nhiều người vô gia cư. Trên khắp châu Âu, tuyết và băng giá cũng đã gây rối loạn tại các tuyến giao thông. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc khủng hoảng khí đốt Nga - Ukraine năm 2009 đang dần tái hiện.
EU hiện nhập khẩu đến 1/3 nhu cầu khí đốt từ Nga, mặc dù thời gian qua châu lục này đã cố gắng giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Trong năm qua, Mỹ đã tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 6% lượng nhập khẩu khí đốt của châu Âu là tới từ Mỹ. Các lô hàng của Mỹ đắt hơn 50% so với giá tham khảo của châu Âu. Bởi thiếu năng lực cạnh tranh nên Mỹ đã tìm nhiều cách để áp chế các khả năng Nga cấp năng lượng sang EU.
Đến đầu năm 2020, Gazprom có kế hoạch cắt giảm quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine khoảng 10-15 tỉ m3/năm. |
Sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga ở châu Âu vẫn rất lớn. Ở Italia, khí đốt Nga chiếm 37% lượng nhập khẩu. Ở Đức tỷ lệ này ít hơn một chút, khoảng 28%. Các nước khác như Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan, Lithuania, Latvia, Estonia gần như phụ thuộc 100% vào khí đốt Nga.
Theo Ivan Karyakin, chuyên gia phân tích đầu tư của Global FX, trong vụ tranh chấp mới giữa Ukraine và Nga, chắc chắn EU sẽ gây sức ép tối đa để Kiev không tìm cách lấy nguồn khí đốt mà Nga chuyển sang EU qua lãnh thổ Ukraine như những gì xảy ra hồi năm 2009. Ông Karyakin cho rằng, vụ lùm xùm hiện nay giữa Nga và Ukraine có lẽ là vụ sau cùng vì sau sự cố năm 2009, cả Nga và EU đều muốn xây dựng các đường ống dẫn khí khác từ Nga sang EU tránh đi qua lãnh thổ Ukraine. Hiện Nga đang xây dựng hai đường ống dẫn khí là Nord Stream 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.
Mặt khác, trong tuyên bố tại Đại hội cổ đông thường niên hôm 30-6-2017, Tổng giám đốc Gazprom cho biết, đến đầu năm 2020, Gazprom có kế hoạch cắt giảm quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine khoảng 10-15 tỉ m3/năm. Được biết, mức bình quân hằng năm vận chuyển quá cảnh khí đốt Nga qua Ukraine hiện vào khoảng 50-60 tỉ m3. Về vấn đề này, hy vọng của Ukraine về khả năng ký tiếp một hợp đồng trung chuyển mới với Gazprom thay thế hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2019, là rất mong manh. Ukraine hiện đang rất lo ngại về viễn cảnh mất vai trò trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước mình, vì thế phải ráo riết tìm kiếm kế hoạch hành động.
S.P