Tăng thuế có để bảo vệ môi trường?
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường, trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể là thuế môi trường sẽ đẩy lên kịch khung - Giá xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít.
Mục đích của việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là để bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, môi trường có được bảo vệ như kỳ vọng hay chỉ nhằm mục đích tăng thu ngân sách là chính? Đó là điều khiến người tiêu dùng băn khoăn khi sắp tới phải bỏ ra thêm 1.000 đồng cho 1 lít xăng. Bởi trong những lý do mà Bộ Tài chính nêu ra thì chủ yếu là nói về việc tăng thu ngân sách và giá cả xăng dầu.
Nghị quyết này đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít… Bộ Tài chính lý giải rằng, vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm. Năm 2017, số thu từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, hiện nay giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước. Cụ thể, thấp hơn Lào là 5.304 đồng/lít, Campuchia là 2.988 đồng/lít, Trung Quốc là 1650 đồng/lít. Xăng, dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia... Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Trong đó, tiếp xúc với chất benzen trong một thời gian nhất định có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư.
Do đó, Bộ Tài chính xét thấy cần thiết phải điều chỉnh, nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học).
Năm nay, cả nước đã chuyển sang dùng xăng E5 là loại xăng sinh học thân thiện với môi trường. Đó là biện pháp thiết thực bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp sản xuất ethanol trong nước đang cố gắng bảo đảm đủ nguyên liệu để pha chế xăng E5 phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng có thiện chí giữ ổn định mức giá xăng E5 như hiện nay. Vậy mà Bộ Tài chính lại đưa ra dự thảo nâng mức thuế môi trường từ 3.000 đồng lên kịch khung là 4.000 đồng thì chắc chắn đẩy giá xăng tăng lên.
Nếu lấy giá xăng dầu của các nước để so sánh với giá xăng dầu nước ta thì cũng là sự khập khiễng. Bởi mỗi nước có hoàn cảnh kinh tế xã hội và mức thu nhập khác nhau. Nếu bình ổn được giá xăng dầu cho người dân thì đó là việc cần làm chứ không nên tận thu bằng việc tăng giá.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm đại đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường. Cho nên, với phương án tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, dự kiến ngân sách sẽ tăng mạnh. Theo tính toán của Bộ Tài chính, số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đối với xăng dầu khoảng 55.591 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỉ đồng/năm. Số tiền đó chiếm tỷ trọng 0,98% trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hằng năm. Nếu năm 2012 là 11.160 tỉ đồng thì năm 2017 đã thu về khoảng 44.825 tỉ đồng. Như vậy, rõ ràng việc tăng thu thuế môi trường đối với xăng dầu đã nhằm tăng thu cho ngân sách là chính.
Đất nước đang tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lượng xăng dầu tiêu thụ hằng năm sẽ còn tăng nhanh; đồng nghĩa với nguồn thu từ giá xăng dầu sẽ tăng lên gấp bội. Nếu kinh tế phát triển, thu nhập của người dân cũng tăng lên thì chuyện tăng giá xăng dầu lên 1.000 đồng/lít không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, thực trạng đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, thu nhập còn thấp nên mỗi khi giá cả có sự điều chỉnh tăng là thêm một nỗi lo gánh nặng mưu sinh.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho rằng, khung thuế dự kiến của Bộ Tài chính là quá cao. Trong những năm qua, dù khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường mới là 1.000-3.000 đồng/lít thì hàng chục ngàn tỉ đồng tiền thuế thu được cũng không được giải trình đầy đủ là đã chi bao nhiêu để bảo vệ môi trường? Có thông tin cho rằng, số tiền chi cho công việc này không cao. Hơn nữa, thuế đó lại chi cho đầu tư xây dựng cơ bản, cho mua sắm xe công, tổ chức hội nghị, hội thảo... thì rất khó chấp nhận đối với người dân.
Một điều đáng chú ý nữa là các đại biểu Quốc hội từng nêu lên: hiện nay, vẫn còn có những lĩnh vực có thể tăng thu, có thể thu được nhiều cho ngân sách mà ngành tài chính vẫn chưa làm như thu thuế tài sản nhà đất, kinh doanh trên mạng xã hội… Vậy, Bộ Tài chính nên triển khai ngay việc thu thuế đối với những lĩnh vực này và “khoan sức dân” với giá xăng dầu!
Đức Toàn