Đừng để mất giá trị xưa!
Cùng với đình, đền, chùa, lăng tẩm, nhà cổ nông thôn cũng là di sản cần được tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhưng trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, công tác bảo tồn nhà cổ nông thôn hiện nay gặp không ít khó khăn.
Nan giải bảo tồn
Có lẽ, nếu không có những ngôi nhà đá ong thì không có làng cổ Đường Lâm được nhiều người biết đến như hiện nay; nếu không còn những ngôi nhà rường thì thành Huế mộng mơ mất đi một chút đặc sắc; nếu không có những dãy nhà gỗ cổ xếp lớp dày đặc, Hội An rất khó có tên trên bản đồ di sản thế giới…
Chứng kiến những ngôi nhà cổ nông thôn dần mất đi, những người làm công tác bảo tồn không khỏi xót xa |
Nếu có dịp về làng Cốc Thôn, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi ngôi làng vẫn giữ được nét thanh bình với cây đa, giếng nước, sân đình đặc trưng của vùng nông thôn truyền thống. Đặc biệt, Cốc Thôn vẫn còn hàng chục ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Điều lạ lùng là dù chỉ cách xã Đường Lâm (Sơn Tây) vài trăm mét nhưng số phận nhà cổ ở Cốc Thôn và Đường Lâm lại hoàn toàn khác nhau. Nhà cổ ở Cốc Thôn chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ người dân bảo tồn làng cổ, nhà cổ. Cũng chính vì thế, nhiều ngôi nhà ở Cốc Thôn đã và đang bị xuống cấp trong sự bất lực của người dân địa phương.
Nhiều ngôi nhà bị mối mọt tấn công, nhưng chủ nhà nhất quyết giữ lại với lý do, họ vẫn thích ở nhà cổ, vừa thoáng mát vào mùa hè, ấm cúng vào mùa đông. Nhưng có lẽ đằng sau suy nghĩ giản đơn ấy là những mong muốn khác, họ muốn giữ lại ngôi nhà tổ tiên bao đời để lại cho con cháu. Tất nhiên, không phải ai cũng có quyết tâm giữ nhà cổ như vậy. Do nhiều ngôi nhà đã quá xuống cấp, không bảo đảm an toàn và bức xúc về chỗ ở nên cũng có một số ngôi nhà đã bị chủ nhân phá bỏ.
Tương tự, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện vẫn còn hàng trăm ngôi nhà cổ. Đó không chỉ đơn thuần là nơi sinh sống của mỗi gia đình mà còn là nơi bồi đắp, tích tụ văn hóa và thể hiện rõ sự sáng tạo trong kiến trúc, nghệ thuật sống giao hòa, cộng cảm với thiên nhiên của người Nghệ An... Tuy nhiên, nếu không có chiến lược bảo tồn, gìn giữ kịp thời thì chẳng bao lâu, nhà cổ ở nơi này sẽ dần vắng bóng.
Qua tìm hiểu thực tế, dễ dàng nhận thấy một khoảng trống trong công tác bảo tồn di sản của tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung. Chúng ta thường chú ý vào các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh có tính cộng đồng cao gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo và các nghi lễ hằng năm như đình, chùa, đền, miếu… còn nhà cổ dân gian truyền thống là loại hình di sản văn hóa chưa được quan tâm.
Về làng quê nào cũng dễ dàng nhận thấy, hồn cốt văn hóa chính là nhà cổ, không gian quanh nó và nếp sống của những con người trong đó. Tiếc rằng những giá trị này đang từng ngày từng giờ bị mai một. Nếu đó chỉ là sự phũ phàng của thời gian thì có lẽ chúng ta không xót xa đến thế, nhưng bởi nhiều ngôi nhà cổ bằng gỗ có giá trị, được gìn giữ hàng trăm năm đã bị chính đôi tay con người phá một cách không thương tiếc, để nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, bê tông cốt thép rực rỡ, hoành tráng nhưng vô hồn.
Cũng do “khoảng trống” trong vấn đề bảo tồn nhà cổ nên đến nay, nhiều ngôi nhà tồn tại một cách lặng lẽ, nhưng rồi cũng biến dạng, thậm chí biến mất lặng lẽ. Sẽ là mất mát lớn nếu một mai, các ngôi làng vắng bóng những ngôi nhà cổ. Điều đó khiến chúng ta - những người có trách nhiệm, cả những người yêu và hiểu giá trị của nhà cổ đều phải suy nghĩ. Và càng đáng buồn hơn, khi công tác bảo tồn nhà cổ hiện nay chỉ “khoanh vùng” ở một số nơi, mà lác đác ở đâu đó cũng có rất nhiều ngôi nhà giá trị, đang bị xuống cấp trầm trọng.
Di sản độc đáo
Ở Đồng bằng Bắc Bộ, một ngôi nhà cổ, dù ba, năm hay bảy gian, hình thành từ điều kiện sống và nhu cầu sử dụng của người dân, phản ánh đầy đủ những giá trị về nghệ thuật tổ chức không gian sống, nghệ thuật ứng xử với thiên nhiên của ông cha ta từ bao đời đọng lại. Kiến trúc của những ngôi nhà cổ, thực chất được hình thành từ dân gian, mà vẻ đẹp, giá trị của nó được bồi đắp dần, lưu truyền, bảo lưu và nhân rộng trong thời gian dài nên đã trở thành truyền thống. Dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau, song những ngôi nhà cổ ở khắp mọi miền đất nước đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Bởi thế, nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Nhiều ngôi nhà cổ truyền thống làng quê Việt tính đến nay đã có tuổi thọ cả trăm năm và hơn thế. Đó thực sự là những di sản kiến trúc, xây dựng quý giá của các làng quê, nơi phản ánh kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật tạo hình, sự giao thoa văn hóa trong đời sống nông thôn từ hàng trăm năm trước về sau này. Công bằng mà nói, chúng rất đáng được bảo vệ và trân trọng! Nhưng, trước hàng loạt câu hỏi về sự bảo tồn có tính hệ thống, tổng thể... những người có trách nhiệm sẽ thực hiện ra sao? Xem ra, bài toán tìm sự cân bằng giữa sở hữu tư nhân và tác động, điều chỉnh của quy định pháp luật hẳn sẽ làm đau đầu nhiều nhà nghiên cứu và quản lý.
Tính đến nay, chưa có số liệu nào thống kê cả nước có bao nhiêu ngôi nhà cổ, bao nhiêu trong số đó đã bị tàn phá bởi thời gian và bởi sự thiếu ý thức của những người mải chạy theo xu hướng thời đại. Không thể phủ nhận, cảnh quan làng quê Việt đang bị tác động dẫn đến sự đổi thay, biến dạng, một trong những mất mát lớn nhất chính là hệ thống nhà cổ, nhà cũ nông thôn. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời, những ngôi nhà còn lại, những giá trị xưa cũ sẽ ra đi mãi mãi.
Hồn cốt văn hóa ở mỗi làng quê chính là nhà cổ, không gian quanh nó và nếp sống của những con người trong đó. Nhà cổ không đơn thuần là nơi tránh mưa nắng, nơi sinh hoạt của mỗi gia đình, mà còn là nơi tích tụ một hàm lượng văn hóa, kiến trúc rất đặc biệt của chính những con người nơi đó. |
Tùng Lâm