Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu:
Có bảo đảm quyền lợi người lao động?
Trước đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) về nâng tuổi nghỉ hưu (nam lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi), nhiều quan điểm cho rằng đây là việc cần thiết, bởi dân số Việt Nam đang trong giai đoạn “kép” (giữa dân số vàng và già hóa). Tuy nhiên, vẫn có ý kiến trái chiều, nếu nâng tuổi nghỉ hưu vô hình trung sẽ khiến tình trạng thất nghiệp ở lao động trẻ càng thêm trầm trọng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp: Tránh gây sốc cho thị trường lao động
PV: Thưa Thứ trưởng, ở các nước trên thế giới, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là 25% tiền lương cho quỹ hưu trí và tử tuất. Mức đóng BHXH ở Việt Nam chỉ 22% cả từ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động. Đây có phải là lý do của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, quy định về độ tuổi nghỉ hưu 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ đã được áp dụng từ năm 1961, đến nay đã hơn 50 năm nhưng vẫn chưa có bất cứ điều chỉnh nào. Trong khi đó, các nước trên thế giới đều đang hướng tới tăng dần độ tuổi nghỉ hưu, nhiều nước quy định độ tuổi nghỉ hưu từ 65-67 tuổi. Tăng tuổi nghỉ hưu để thực hiện Công ước CEDAW nhằm không phân biệt đối xử về giới. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị Việt Nam cần tăng tuổi nghỉ hưu để bảo đảm cân bằng quỹ BHXH dài hạn.
Để tránh gây sốc cho thị trường lao động, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra với nhiều phương án. Có phương án mỗi năm tăng lên 6 tháng cho tới khi nam giới đạt 62 tuổi và nữ giới đạt 60 tuổi. Tuy nhiên, về lâu dài thì sẽ nâng dần lên tới ngưỡng 65 tuổi. Phương án khác là mỗi năm, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ sẽ tăng thêm 3 tháng…
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu được đưa ra với nhiều phương án. Có phương án mỗi năm tăng lên 6 tháng cho tới khi nam giới đạt 62 tuổi và nữ giới đạt 60 tuổi. Tuy nhiên về lâu dài thì sẽ nâng dần lên tới ngưỡng 65 tuổi. Phương án khác là mỗi năm, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ sẽ tăng thêm 3 tháng… |
PV: Theo ông, việc nâng tuổi nghỉ hưu của NLĐ có ảnh hưởng tới tỷ lệ thất nghiệp?
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện tỷ lệ thất nghiệp đang ở tình trạng cao nhất và hằng năm vẫn có lực lượng lớn tham gia thị trường lao động. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn vào bối cảnh dân số ở Việt Nam đang giảm, trước đây mỗi năm có khoảng 1,5-1,7 triệu người tham gia BHXH, nhưng hiện nay chỉ khoảng 800-900 ngàn người. Trong tương lai, với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, chúng ta có lượng dân số già, số người nghỉ hưu xấp xỉ số người tham gia vào lực lượng lao động. Do vậy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lâu dài chứ không thể ngay lập tức.
Bên cạnh đó, để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đã tính đến việc tăng tuổi nghỉ hưu giữa các nhóm ngành sao cho mức chênh lệch không quá 5 năm. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ công bố những ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà đến độ tuổi nào đó người lao động không còn phù hợp làm việc thì tuổi nghỉ hưu có thể sớm hơn. Những ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao, những chuyên gia giỏi thì có thể nâng tuổi nghỉ hưu nhiều hơn. Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành đánh giá lao động chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân: Cần tránh cú sốc cho NLĐ!
PV: Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là cú sốc đối với cả NLĐ và người sử dụng lao động. Theo ông, cần chuẩn bị những gì để cân bằng thị trường lao động?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Tăng tuổi nghỉ hưu là 1 trong 12 vấn đề lớn đã từng được nêu trong chương trình sơ kết Bộ luật Lao động năm 2012. Vấn đề này đã có tác động lớn tới đông đảo NLĐ cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, nghỉ hưu không đồng loạt tăng ở tất cả các ngành nghề mà chỉ chọn một số ngành nghề lao động nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó yếu tố thể chất của người Việt Nam so với một số nước xung quanh khu vực không tốt lắm, chính vì vậy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì yếu tố thể chất cũng cần được quan tâm và nâng cao.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội Quốc hội: Cần có lộ trình cụ thể
PV: Thưa ông, tăng tuổi nghỉ hưu có phải là giải pháp tốt nhất để giảm tình trạng mất cân đối của Quỹ BHXH? Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải bảo đảm yếu tố gì cho NLĐ?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tăng tuổi hưu chỉ là một trong các giải pháp để giảm tình trạng mất cân đối Quỹ BHXH. Để xóa bỏ tình trạng mất cân đối Quỹ BHXH, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đưa ra trong Luật BHXH sửa đổi gồm: Mở rộng đối tượng, hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, giảm trợ cấp một lần, điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, đóng trên tiền lương đầy đủ, đổi mới hoạt động của tổ chức BHXH, quản lý quỹ an toàn, hiệu quả…
Bên cạnh đó, tăng tuổi nghỉ hưu phải bảo đảm được yếu tố sức khỏe của NLĐ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện đã là 73 tuổi, nhưng chất lượng cuộc sống vẫn là vấn đề đáng bàn, vì vậy, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình và không nên điều chỉnh tăng cho tất cả các đối tượng. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần phải được nghiên cứu cụ thể. Đặc biệt, khi thiết kế một chính sách cho một số nhóm nào đó ở ngành nghề nào đó để phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao thì điều đó phải có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, không nên đặt vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu cho tất cả mọi lao động…
Mặt khác, chúng ta phải tính thời điểm, lộ trình, bước đi phù hợp để vừa giữ được chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo cơ hội cho lớp trẻ được đào tạo có cơ hội tham gia xây dựng, phát triển đất nước.
Luật sư Bùi Văn Kim - Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư Hà Nội: Không để xảy ra xung đột quyền lợi giữa lao động trẻ và lao động lớn tuổi
PV: Theo luật sư, việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ liệu có gây ra những mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm tuổi lao động hay không?
Luật sư Bùi Văn Kim: Đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động quy định về tăng tuổi nghỉ hưu còn phải chờ được xem xét, thảo luận tại các kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Tuy nhiên, để có cơ sở đánh giá việc tăng tuổi nghỉ hưu có ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ hay không phải căn cứ thực tế thị trường lao động.
Phần lớn lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể… đến tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55 tuổi) đều là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, chuyên viên cao cấp... nên hưởng mức lương cao, có phụ cấp chức vụ và các chế độ ưu đãi khác. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu tức là kéo dài thời gian được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. |
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đa số NLĐ và người sử dụng lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu, trừ những người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi thực tế, sau khi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55 tuổi), nhiều NLĐ đã được hưởng lương hưu nhưng họ vẫn muốn tìm công việc phù hợp để tăng thêm thu nhập. Mặt khác, người sử dụng lao động - doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng lao động cao tuổi, vì phải tăng thời gian đóng BHXH và những chi phí phúc lợi khác trong khi năng suất lao động của NLĐ cao tuổi giảm. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quyền lợi của NLĐ và người sử dụng lao động.
Ngoài ra, lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể… gọi chung là khối hành chính, phần lớn những người đến tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55 tuổi) đều là những người đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, chuyên viên cao cấp... nên hưởng mức lương cao, có phụ cấp chức vụ và các chế độ ưu đãi khác như được sử dụng xe công, đi công tác bằng phương tiện máy bay… nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, tức là kéo dài thời gian được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước trong khi tiền BHXH mà NLĐ phải đóng là không đáng kể. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu có lợi cho NLĐ.
Người lao động Dầu khí làm việc trên giàn khoan |
PV: Ý kiến nâng tuổi nghỉ hưu để bù đắp sự thiếu hụt của Quỹ BHXH liệu có thuyết phục?
Luật sư Bùi Văn Kim: Việc Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay cao hơn so với trước đây, do đó số người hưởng lương hưu tăng, thời gian hưởng lương hưu kéo dài dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH… nên cần phải tăng tuổi nghỉ hưu để bù đắp quỹ này là chưa thuyết phục. Bởi thực tế, việc tăng tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi cho một bộ phận nhỏ NLĐ. Mặt khác, bộ máy hành chính đang ngày càng phình to, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian giữ chức vụ quản lý, chức vụ lãnh đạo của một bộ phận người cao tuổi hưởng lương làm tăng gánh nặng cho ngân sách. Nếu đề xuất này được thông qua thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết của Đảng về trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chỉ dẫn đến tăng chi Ngân sách Nhà nước, dẫn đến xung đột quyền lợi giữa thế hệ lao động trẻ với lao động cao tuổi. Do vậy, quan điểm cá nhân tôi là không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
PV: Xin cảm ơn các chuyên gia, luật gia.
Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: Việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đề xuất nhiều lần trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Từ năm 2007, khi xây dựng Luật Bình đẳng giới hoặc Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tuổi nghỉ hưu của NLĐ đều được đưa ra bàn thảo nhưng đến phút cuối đều không được Quốc hội nhất trí. Điều đó cho thấy, đây là vấn đề phức tạp, cần cân nhắc một cách thận trọng. |
Điều 187 Bộ luật Lao động quy định, độ tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện bình thường là 60 với nam và 55 với nữ. Mới đây, theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, từ ngày 1-1-2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Đây là 1 trong 2 phương án về quy định độ tuổi nghỉ hưu được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5-2019. |
Đông Nghi - Song Nguyễn