Chống bạo hành phụ nữ, trẻ em
Thiếu dịch vụ phòng ngừa và ứng phó
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo Khởi động dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới.
Nạn nhân của “đòn thù”
Những ngày qua dư luận vô cùng bức xúc khi hàng loạt vụ bạo hành trẻ em diễn ra. Trong đó đáng nói là những người được ví “như mẹ hiền” là cô giáo, bảo mẫu lại đánh học trò hơn cả đòn thù. Điển hình là vụ chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, quận 12, TP HCM cùng 2 bảo mẫu Nguyễn Thị Đào và Phạm Như Quỳnh đã đánh đập dã man trẻ mới chỉ 1-4 tuổi bằng gậy lau nhà, bình nhựa, thậm chí cầm cả dao để dọa với mục đích “dạy dỗ”, “giáo dục”. Clip quay được cảnh này sau khi tung lên mạng đã khiến dư luận phẫn nộ và cơ quan công an vào cuộc. Các bảo mẫu không thể chối bỏ hành vi tàn bạo của mình, họ biện minh rằng phải chịu nhiều áp lực do mỗi người phải trông 2-5 trẻ, trẻ lại nghịch.
Một phụ nữ phải bó bột tứ chi vì bị chồng đánh |
Không chỉ trẻ em mà cả phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn cũng là nạn nhân của nạn bạo hành. Chị Nguyễn Thị H (28 tuổi, ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã phải bế đứa con trai nhỏ mới chập chững biết đi, tìm đến địa chỉ “Ngôi nhà bình yên” (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) để thoát khỏi chồng mình, một kẻ vũ phu thường xuyên cho vợ “lên bờ xuống ruộng” khi không vừa ý. Khi bế con đến “Ngôi nhà bình yên”, một bên mắt chị H thâm tím, sưng húp. Chị cho biết, đêm hôm trước, chị bị chồng khóa trái cửa rồi đánh đập như kẻ thù. Không chịu nổi, sáng hôm sau, nhân lúc chồng đưa cậu con trai lớn đi học, chị đã gọi điện nhờ một người bạn gái đến chở hai mẹ con đi trốn.
Phải tham vấn về các dịch vụ thiết yếu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về bạo lực gia đình, có 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; mỗi năm có 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền; 60% phụ nữ bị bạo lực không nắm được Luật phòng chống bạo lực gia đình. Đây là con số cũng khiến các tổ chức quốc tế bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam lo ngại.
Tại Hội thảo Khởi động dự án xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái tại Việt Nam, các chuyên gia cũng nhận định rõ: “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng này đã và đang diễn ra gây nên sự mất ổn định trật tự xã hội, ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động của nạn nhân. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến hết sức phức tạp”.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhận định: “Bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới mỗi nạn nhân mà ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp bạo lực không được báo cáo và các nạn nhân đều sống trong chịu đựng và đau đớn. Nó khiến cho các nạn nhân có thể mất khả năng lao động và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế cũng như những nỗ lực giảm nghèo”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, những năm qua, Chính phủ đã có những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Như năm 2017, lần đầu tiên Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, phiên họp đã được truyền hình trực tiếp tới toàn thể nhân dân - khẳng định bình đẳng giới được quan tâm và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng không phủ nhận công tác này gặp nhiều khó khăn do thiếu các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các hoạt động trợ giúp pháp lý, tâm lý, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự hiệu quả. Hay định kiến giới vẫn tồn tại trong một bộ phận lớn của người dân; Năng lực cán bộ làm công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lưc đối với phụ nữ và trẻ em gái còn thấp.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng UNFPA và KOICA ký kết Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam và tham vấn về các dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới” nhằm giúp các nạn nhân có thể thoát khỏi đòn thù từ chính những người thân cận hoặc những người không yếm thế như họ. Để triển khai dự án này, KOICA đã hỗ trợ cho Việt Nam khoản ngân sách 2.560.000USD cho giai đoạn 2018-2020 trong đó có 2.500.000 USD từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc.
Bà Lee Mi-kyung, Chủ tịch KOICA hy vọng mọi phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam được sống trong môi trường văn minh và có điều kiện tốt nhất để phát triển những khả năng vốn có của mình. Đồng thời tin tưởng dự án sẽ giảm được bạo lực với phụ nữ, trẻ em để trên cơ sở đó hai nước Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng nhau phát triển, ngăn ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Với nguồn kinh phí hỗ trợ của KOICA, dự án sẽ xây dựng mô hình trung tâm can thiệp bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là nạn nhân của bạo lực tình dục tại Quảng Ninh, hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân bạo lực… |
Nguyễn Anh