“Chiến binh” khởi nghiệp với hoa lan
Lần đầu gặp nhau ở Hà Nội, nhà khởi nghiệp trẻ Phan Thanh Sang (SN 1984) đã nổi bật với việc sở hữu trang trại trồng lan ở xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, Lâm Đồng. Mỗi lần gặp sau này, anh đều có thêm những bất ngờ với hoa lan và mới đây là chuyện không tưởng: dựng được cơ ngơi hoa lan mới ở miền nắng cháy Ninh Thuận.
Những ngày đầu tháng 12, Phan Thanh Sang ra Hà Nội tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI theo cách chẳng giống ai. Anh ra trước cả tuần và mang theo 600 cành lan hồ điệp rực rỡ 7 sắc màu khác nhau, 1.000 cành lan monkara... Tiếp đó, Sang cất công xuôi ngược đất thủ đô mua thêm đủ thứ phụ liệu và xắn tay áo vào sắp xếp tạo tiểu cảnh hoa lan trong không gian Trung tâm Hội nghị Quốc gia - nơi diễn ra đại hội. Cùng với biểu trưng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, tiểu cảnh hoa lan "Tiên phong - Bản lĩnh - Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển" luôn gọi mời các đại biểu, tình nguyện viên ngắm nhìn, chụp ảnh selfie, chụp ảnh lưu niệm...
Phan Thanh Sang khởi nghiệp thành công với mô hình nghiên cứu, sản xuất lan (ảnh: NVCC) |
Không chỉ rực rỡ 7 sắc màu được kỳ công tạo hình, những nhành lan hồ điệp, nhành lan monkara tạo nên tiểu cảnh đó có xuất xứ thật đặc biệt. Anh Sang cho hay: "Hoa được trồng tại trang trại ở Ninh Thuận và cho ra hoa ở Lâm Đồng. Đây là sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên trên vùng đất đầy nắng gió Ninh Thuận vốn không mấy ai nghĩ có thể trồng lan theo hướng công nghiệp, bài bản". Hỏi thêm mới hay, trang trại cheo leo ở độ cao 300m lưng chừng đèo Ngoạn Mục của vùng Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). Từ 1ha trồng thử nghiệm các giống lan nhiệt đới năm 2015 đạt hiệu quả, đến năm 2016 anh đã đầu tư 15 tỉ đồng mở rộng quy mô sản xuất gần 5ha theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cả trang trại tràn ngập sắc màu của các loài lan hồ điệp, monkara, trầm hương, ngọc điểm...
Theo anh Sang, đây là những giống lan không quá kén chọn chỉ đòi hỏi đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ và quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh sẽ đạt năng suất cao, rất phù hợp với vùng đất Lâm Sơn có nền nhiệt không quá nóng, không quá lạnh, ban đêm 21-240C, ban ngày dao động 300C. Nếu trồng ở Đà Lạt phải có hệ thống sưởi ấm trong những ngày lạnh, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cũng không bằng các vùng khí hậu ấm nóng.
Anh Phan Thanh Sang cho biết: "Tôi mong muốn tạo ấn tượng tới các đại biểu về chất lượng hoa sản xuất ngay trong nước, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập. Thực tế, ở ngoài Bắc nhập hoa Trung Quốc rất nhiều và sản lượng cao, vì vậy, nếu các bạn trẻ phát huy được thế mạnh địa phương, sản xuất tốt thì rất có lợi thế cạnh tranh, tiến tới là xuất khẩu. Đây là tiền đề để các bạn trẻ chọn sản phẩm phù hợp để sản xuất và xuất khẩu mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội; mạnh dạn khởi nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt Nam".
Từ mảnh vườn vỏn vẹn 50 cây lan, đến nay Phan Thanh Sang đã gây dựng được 3 khu trang trại trồng các loại hoa lan tại 3 vùng khí hậu khác nhau với tổng diện tích hơn 10ha. |
Chiến binh khởi nghiệp
Những người mới gặp Phan Thanh Sang dễ có ấn tượng về dáng vóc lẫn chất giọng chân chất có phần đối lập vẻ đài các của những hồ điệp, monkara... được anh ươm tạo. Tình yêu và những trang trại sản xuất lan hàng chục tỉ đồng của Phan Thanh Sang được ươm mầm chỉ từ cây lan được ông ngoại tặng hồi học THCS. Mê mẩn vẻ đẹp của nữ hoàng các loài hoa, Sang sưu tập và sớm có vườn lan nhỏ chăm chút.
Những năm theo học ngành nông lâm của Trường Đại học Đà Lạt, Sang vừa mày mò nghiên cứu vừa thử sức mở rộng vườn lan mang thương hiệu Sang "còi" rộng gần 2.000m2, tạo việc làm cho một số lao động. Năm 2007, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư Nông lâm xuất sắc, anh mạnh dạn dùng tiền thu được từ kinh doanh hoa, vay mượn thêm bạn bè, người thân mở rộng vườn lan lớn hơn mang thương hiệu YSA Orchid chuyên trồng và thu mua lan tại các vườn quanh thành phố Đà Lạt, vừa bán, vừa xuất đi khắp các tỉnh.
Một góc hoa tại trang trại Ninh Thuận |
Không bằng lòng với việc kinh doanh giống lan sẵn có, Phan Thanh Sang tiếp tục đầu tư xây dựng phòng nghiên cứu để nghiên cứu, lai tạo giống. Anh nhập một số giống lan từ nước ngoài về trồng, rồi tự nghiên cứu nhân giống mới có giá trị, năng suất cao hơn. Lần lượt nhiều giống lan hoàn toàn mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa của Đà Lạt được lai tạo, như lan hài, lan hoàng thảo (dendrobium), lan vũ nữ (mitoniopsis), lan hồ điệp và một số giống phong lan rừng Việt Nam... Để lan có thêm những giống mới là cả quá trình bền bỉ vượt khó. Anh Sang kể, một số loài lan sinh trưởng trong tự nhiên đã khó, để phát triển được trong ống nghiệm còn khắt khe hơn phải tạo ra môi trường thích hợp. Đến khi đưa trồng trong nhà kính lại chăm chút phòng trừ cây bị hao hụt, nhiễm bệnh; lúc đơm hoa lại đòi hỏi chế độ riêng... Bên cạnh những giống mới, anh còn tạo ra những loại lan có hương thơm mới bằng cách lai tạo các cây khác nhau. Vì vậy, nhiều loại lan có hương bưởi, mùi dừa, mùi gừng, lan vũ nữ nâu có mùi chocolate...
Bên cạnh việc nghiên cứu, sáng tạo giống mới và kinh doanh hoa lan, “Vua lan cao nguyên Đà Lạt” còn dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu nhân giống một số loại phong lan rừng quý hiếm có tên trong sách đỏ để bảo tồn, khôi phục giống. |
Từ mảnh vườn vỏn vẹn 50 cây lan, đến nay Phan Thanh Sang đã gây dựng được ba khu trang trại trồng các loại hoa lan tại 3 vùng khí hậu khác nhau với tổng diện tích hơn 10ha. Tất cả đều được trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, với tổng giá trị hơn 70 tỉ đồng. Cùng trang trại lan mới mở ở Ninh Thuận, Sang còn hai trang trại tại thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng).
Hằng năm Sang cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước hàng nghìn chậu lan các loại và hoa lan cắt cành, bán cây giống với doanh thu hơn 20 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động. Bên cạnh việc nghiên cứu, sáng tạo giống mới và kinh doanh hoa lan, "Vua lan cao nguyên Đà Lạt" còn dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu nhân giống một số loại phong lan rừng quý hiếm có tên trong sách đỏ để bảo tồn, khôi phục giống.
Mát tay trong việc gây dựng những giống loài, hương sắc mới cho hoa lan tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, "Vua lan cao nguyên Đà Lạt" còn lập ra "Vườn ươm khởi nghiệp". Vườn ươm trở thành mái nhà chung để anh cùng những người trẻ khác có khát vọng khởi nghiệp làm giàu chính đáng chia sẻ, hỗ trợ nhau kinh nghiệm, kỹ năng... Vườn ươm cũng là nơi trưng bày giới thiệu những nhãn hàng của những bạn trẻ chưa được thị trường biết đến nhiều. Anh Sang cho hay: “Vườn lan trưng bày, giới thiệu sản phẩm của gia đình có lợi thế là nằm trong làng du lịch canh nông Xuân Hương, lượng du khách ghé đến tham quan khá nhiều nên tôi quyết định dùng một góc mở vườn ươm khởi nghiệp, hỗ trợ cho các thanh niên khởi nghiệp”.
Vua lan mang công nghệ trồng rau ra đảo
Trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, Phan Thanh Sang đã có dịp đến thăm những đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Anh cho hay, trước khi ra đảo, đã dành thời gian tìm hiểu điều kiện tự nhiên và những khó khăn, thách thức nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Nhiều câu hỏi được anh đặt ra, Trường Sa cần gì nhất, cách gì giúp quân dân trên đảo có thêm rau xanh, nước ngọt...
Phan Thanh Sang hướng dẫn, chuyển giao phương pháp trồng rau tiết kiệm nước khi thăm Trường Sa |
Tại các đảo đến thăm, anh đã chuyển giao và phổ biến cho quân dân trên đảo phương pháp trồng rau mới bằng cách sử dụng rêu rừng. Rêu rừng có khả năng giữ nước tốt, ngâm rêu trong nước rồi trộn cùng đất giúp tăng độ ẩm. Khi trời mưa, rêu rừng trộn lẫn trong đất sẽ hấp thụ và giữ nước cho đất hiệu quả. Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng mảng phủ đen và lưới xám che mát, cung cấp lượng ánh sáng vừa đủ để có thể giúp rau tránh nắng, hạn chế thoát hơi nước. Áp dụng mô hình này giúp tiết kiệm lượng nước ngọt để tưới rau lên tới 50-70%.
Cũng trong chuyến đi này, anh đã thiết kế vườn rau theo phương pháp mới bảo đảm tiêu chí tiết kiệm nước và ánh sáng phù hợp và trực tiếp tham gia lắp đặt các vật dụng vườn rau, làm nhà mái kính có mái che, bể chứa nước... Mô hình nhà kính được thiết kế có bể chứa nước mưa ngầm bằng bê-tông trữ cho mùa khô, phía trên phủ một lớp đất khoảng 60cm để trồng rau. Nhà kính che phủ 3 lớp. Lớp trong che bằng lưới dệt kim loại xám trắng đảm bảo thoáng mát, ánh sáng. Lớp giữa là nilon giảm nhiệt có khả năng hạn chế tia cực tím, bụi; được lắp cố định theo hình mái vòm hở để không khí lưu thông mà vẫn ngăn được nước mưa. Lớp ngoài cùng là lưới che mát di động dùng mùa nắng gắt được kéo bằng tay.
Theo anh Sang, mẫu nhà kính này hiệu quả nhất là dùng tay quay đóng mở nilon, chủ động thích ứng với điều kiện hai mùa mưa nắng ở Trường Sa. Mùa mưa quay nilon xuống, mùa nắng quay nilon lên. Trong nhà kính còn lắp quạt nhỏ có thiết bị hẹn giờ giúp lưu thông không khí, hạn chế sâu bệnh gây hại cho vườn rau trên đảo. Ngoài ra, bằng kiến thức nông học, anh còn hướng dẫn quân dân ngăn ngừa tình trạng sâu ăn lá trên cây bàng vuông bằng biện pháp cơ học trong giai đoạn sâu làm kén; tư vấn cách thu gom lá bị sâu hại và đốt để tiêu diệt triệt để và bón phân cho cây ra lá mới. Anh cũng dành tặng các đảo nhiều tấm bẫy dính côn trùng, hạt giống hoa Đà Lạt, dừa cạn.
Nếu theo cách gọi "mỗi thanh niên là một chiến binh khởi nghiệp" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu với Đại hội Đoàn toàn quốc lần XI thì Phan Thanh Sang là một chiến binh thực thụ. Cùng với việc tạo dựng những mùa hoa, từ anh vẫn đang lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cho các bạn trẻ. Rời Hà Nội, anh lại về với Festival Hoa Đà Lạt...
Phan Thanh Sang là chủ trang trại hoa lan YSA Orchid, Đà Lạt; Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Lâm Đồng (nhiệm kỳ 2014-2019). Anh đã nhận các giải thưởng: Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 4 dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức (năm 2009); Giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (năm 2012); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng (năm 2015); 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (năm 2015). |
Thanh Giang