Tương lai của nhiên liệu hóa thạch sau năm 2040
Nhiên liệu hóa thạch đã và đang là nguồn năng lượng chiếm ưu thế cho sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu trong hơn 150 năm qua. Nhưng liệu chúng còn giữ được vai trò này trong hơn 20 năm tới và xa hơn nữa không?
Hy vọng từ năng lượng tái tạo
Trên trang tin tức chuyên ngành dầu khí oilprice.com mới đây, Tiến sĩ Salman Ghouri - một chuyên gia đánh giá thị trường dầu khí đã phân tích và đưa ra quan điểm đáng lưu ý.
Ngành công nghiệp dầu mỏ đang thay đổi do ngành công nghiệp ôtô cũng đang có sự chuyển đổi cơ cấu từ động cơ đốt trong (ICE) sang xe điện (EV) làm giảm nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Nhưng điều này sẽ tạo ra nhu cầu điện bổ sung. Năm 2016, dân số toàn cầu là hơn 7,3 tỉ người, nhưng trong số đó, hơn 1,5 tỉ người (20%) không có điện và hàng tỉ người thiếu điện, chỉ được sử dụng điện trong vài giờ đồng hồ. Để đáp ứng nhu cầu điện năng của dân số toàn cầu, ngành công nghiệp điện sẽ cần hàng nghìn tỉ USD trong hệ thống phát điện, truyền tải và phân phối điện.
Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đều được phú cho nguồn tài nguyên gió và mặt trời |
Lịch sử cho thấy, đối với sự thịnh vượng kinh tế toàn cầu, điện là điều kiện tiên quyết để phát triển. Than đá vẫn là nguồn phát điện chính. Nhưng dưới sự bảo trợ của Hiệp định khí hậu Paris, mọi quốc gia - đặc biệt là các nước tiêu thụ than lớn để phát điện như Trung Quốc và Ấn Độ đều có kế hoạch chuyển sang sử dụng năng lượng sạch.
Điều này dẫn đến nhận thức chung là khí đốt tự nhiên sẽ có một trợ lực mạnh mẽ để thay thế than đá. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các loại năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và năng lượng mặt trời dường như đã làm giảm nhận thức này. Công suất năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã tăng lần lượt từ 59GW và 5,6GW trong năm 2005 lên 486GW và 306GW vào năm 2016, với sự sụt giảm mạnh về giá cả.
Trong khi đó, nguồn tài nguyên khí đốt tự nhiên lại nằm cách khá xa các trung tâm tiêu thụ. 43% trữ lượng khí đốt tự nhiên tập trung ở Trung Đông và 7,6% nằm ở châu Phi. Ngược lại, các nước tiêu thụ khí đốt tự nhiên nằm ở các khu vực phát triển và đang dịch chuyển sang châu Á. Khu vực châu Á - nơi có 60% dân số thế giới sinh sống, có tiềm năng tiêu thụ khí đốt tự nhiên rất lớn, nhưng lại bị hạn chế bởi sự sẵn có, cơ sở hạ tầng và chi phí vận chuyển. Năm 2016, tổng tiêu thụ khí đốt trên toàn cầu là 3.543 tỉ m3, nhưng chỉ có 31% trong số đó được giao dịch dưới dạng đường ống (737 tỉ m3) và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (347 tỉ m3). Hơn nữa, thị trường khí đốt tự nhiên giao ngay vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, phần lớn khí đốt được bán theo các hợp đồng dài hạn.
Ở nhiều quốc gia, chi phí sản xuất và phát điện từ năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể nhờ có sự trợ cấp từ các chính phủ. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Mexico và Chi-lê, giá điện năng lượng tái tạo thấp đến mức chỉ còn 3 cent/kWh. Chi phí phát điện trung bình toàn cầu ước tính sẽ tiếp tục giảm từ nay đến 2022. Vì vậy, để thay thế than đá, khí tự nhiên chưa chắc, nếu không muốn nói là đang yếu thế hơn so với năng lượng tái tạo.
Chiến lược công nghiệp khí cần thay đổi
Vai trò của khí đốt tự nhiên trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 24% (năm 2016) lên 30% (năm 2040). Tất nhiên, mức tăng này là không đáng kể so với năng lượng tái tạo - được dự báo là sẽ có tăng trưởng nhảy vọt từ 3% của năm 2016 lên khoảng 12-15% vào năm 2040. Chắc chắn, sự thâm nhập của các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện sẽ làm suy yếu tỷ trọng của các nguồn năng lượng khác.
Ngành công nghiệp khí được khuyến cáo nên tập trung vào nhiên liệu hàng hải trong tương lai |
Lợi thế của các nguồn năng lượng tái tạo là không nhất thiết phải đầu tư vốn lớn ngay vào hệ thống truyền tải. Các tấm pin năng lượng mặt trời và trang trại gió có thể cung cấp điện cho cộng đồng mà không cần đầu tư lớn vào hệ thống truyền tải, đặc biệt là khi những cộng đồng đó nằm rải rác ở các nước đang phát triển, qua đó khắc phục được rào cản về chi phí, hạn chế truyền tải.
Sự sẵn có và giá cả cạnh tranh là rất quan trọng. Chẳng hạn như ở Mỹ, do sự bùng nổ của khí đá phiến, công suất phát điện từ than đá đã giảm từ 53% trong năm 2007 xuống còn khoảng 30% vào năm 2016. Như vậy, vai trò của nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm từ 85,6% vào năm 2016 xuống khoảng 75% vào năm 2040. Vai trò của thủy điện và hạt nhân dự kiến sẽ duy trì ở mức hiện tại, lần lượt khoảng 7% và 6% vào năm 2040.
Đối với khí đốt tự nhiên, để đạt được vị trí vững chắc và chiếm 30% trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu, ngành công nghiệp này phải có nhiều đổi mới chiến lược. Thay vì bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) với lượng lớn, phải cân nhắc bán với khối lượng nhỏ hơn và tìm kiếm các tàu chở LNG cỡ nhỏ, thậm chí dùng các FSRU (kho nổi chứa và tái hóa khí) để vận chuyển LNG, đáp ứng nhu cầu của một số lượng lớn khách hàng nhỏ hơn.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp khí tự nhiên nên tập trung vào nhiên liệu hàng hải (đặc biệt là vận tải hàng hải) và tìm kiếm, mở rộng thị trường ở châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ chứ không nên chỉ tập trung vào các thị trường châu Á truyền thống.
Tỷ trọng dầu mỏ trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu sẽ bị giảm từ 33% trong năm 2016 xuống khoảng 25% vào năm 2040, do sự phát triển của năng lượng tái tạo và các phương tiện vận chuyển chạy bằng điện. Than đá trong sản xuất điện, có thể giảm từ mức 28% của năm 2016 xuống còn 20% vào năm 2040. |
Linh Phương