Nút thắt năng suất lao động
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam mới đây, nhiều chủ đề nhằm phát triển Việt Nam trong tương lai đã được đặt ra, mà một trong những nút thắt quan trọng nhất được quan tâm, đó là năng suất lao động.
Năm 2016, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với Singapore là 14,3 lần; với Malaysia là 5,7 lần; với Thái Lan là 2,7 lần...
Vấn đề không chỉ là lòng tự tôn dân tộc, danh dự đất nước, mà còn là “miếng cơm manh áo”, là năng lực cạnh tranh trên thị trường, là cuộc sống của hàng chục triệu con người.
Vậy cần giải bài toán này như thế nào?
Các chuyên gia phân tích, ở Việt Nam từ trước đến nay tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động. Cách mở rộng theo chiều ngang này dễ thực hiện hơn khi nền kinh tế ở trình độ thấp, nhưng không bền vững trong dài hạn. Hậu quả của chiến lược phát triển này là nền tảng vĩ mô bất ổn và một nền sản xuất chỉ dựa vào lao động giá rẻ.
Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, từ tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% của giai đoạn 1990-2000, xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2001-2010 và bình quân 5,96% cho giai đoạn 2011-2016.
Mặc dù vậy, nay lợi thế về vốn và lao động giá rẻ ngày càng trở nên hạn chế. Ngân sách eo hẹp, cộng với khó khăn trong việc thu hút thêm vốn từ công chúng cho đầu tư, khiến cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng vốn trở nên không dễ dàng. Về phía lao động giá rẻ, thực tiễn cũng cho thấy lợi thế này không tồn tại mãi mãi. Tăng trưởng lực lượng lao động có xu hướng giảm nhanh, đặc biệt là khi nước ta đang bước vào thời kỳ “dân số già”.
Trong nền kinh tế của đất nước, mỗi lĩnh vực lại có những nút thắt khác nhau khiến năng suất lao động nước nhà chậm được cải thiện. Ta hãy thử lấy lĩnh vực sản xuất lúa gạo làm ví dụ.
Tại nhiều diễn đàn và cũng đã cả chục năm nay, các chuyên gia, thậm chí nhiều nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra rằng, hạn chế lớn nhất của lúa gạo nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung chính là quy mô sản xuất rất nhỏ, khiến khó cải thiện được năng suất và thu nhập của người nông dân, mà nguyên nhân xuất phát từ chính sách về đất đai.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), 85% hộ trồng lúa có diện tích sản xuất dưới 0,5ha. Con số mới nhất được Thủ tướng Chính phủ đề cập ở hội nghị lúa gạo tại An Giang hồi đầu năm 2017 là hiện nay, chúng ta có 14 triệu hộ nông dân canh tác trên 7,8 triệu khoảnh đất. Sản xuất manh mún như vậy thì năng suất lao động không thể có cơ hội cải thiện.
Thêm một nguyên nhân nữa, theo TS Đặng Quang Vinh, sản xuất lúa gạo Việt Nam đang chú trọng về lượng, chưa chú trọng về chất. Các nhà sản xuất lúa gạo cũng đang sử dụng quá nhiều loại giống khác nhau với chất lượng khác nhau. Ngoài ra, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam còn sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, cường độ canh tác cao, 2-3 vụ 1 năm, do đó nguy cơ suy thoái đất và ô nhiễm môi trường là rất lớn. Đây sẽ là những thách thức tiềm ẩn trong tương lai.
Chưa hết, liên quan đến chính sách thương mại về lúa gạo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xóa bỏ ngay những quy định tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN). Hiện nay, việc xuất khẩu gạo đang tập trung chủ yếu vào các DN Nhà nước như Vinafood 1, Vinafood 2 và các DN Nhà nước cấp địa phương. Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, có thể nói đây là chính sách với xu hướng ngược khi tăng quyền cho cơ quan quản lý và DN Nhà nước để tăng sự chèn ép đối với DN tư nhân, DN nhỏ và vừa và nông dân, tự tạo thêm trở ngại cho việc xuất khẩu lúa gạo của nước ta trong bối cảnh cạnh tranh tăng trên thị trường quốc tế…
Còn nhiều ngáng trở nữa liên quan đến “số phận long đong” của hạt gạo Việt Nam, nhưng chỉ với vài ví dụ nêu trên đã thấy rằng, muốn nâng cao năng suất lao động ở những lĩnh vực khác nữa, biết bao bài toán cần có lời giải.
Giáo sư Nhật Bản Kenichi Ohno, người gắn bó với các chính sách phát triển công nghiệp ở Việt Nam hơn 20 năm nay, tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam cho rằng: “Chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện, để qua đó, Chính phủ có thể hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Ông nhận xét: “Cách thức tăng trưởng đó đã không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay, khi tình hình thế giới và cả trong nước đã có nhiều thay đổi, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam”. |
Nguyễn Long Vân