|
Lễ khai mạc triển lãm "Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không" |
Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Công an (Bộ Công an) tổ chức.
Với gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu, triển lãm đã khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Triển lãm được chia làm 4 phần: Phần mở đầu, trưng bày một số hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh chủ trương, quyết tâm chiến lược của Đảng đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc.
|
Hình ảnh đau thương, mất mát và cả niềm vui chiến thắng của quân dân miền Bắc trong cuộc không kích bằng B52 của Mỹ năm 1972. |
Phần 1 với chủ đề “Cuộc đụng đầu lịch sử”, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ khi mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng; công tác chuẩn bị, kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, của Quân chủng Phòng không - Không quân và các lực lượng sẵn sàng cho cuộc đối đầu lịch sử.
Phần 2 với chủ đề “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không”, trưng bày các tài liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm, sự linh hoạt của bộ đội phòng không - không quân, của quân dân Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ buộc chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
“Âm vang bài ca chiến thắng” là chủ đề của phần 3, trưng bày các hình ảnh, hiện vật phản ánh tác động, ảnh hưởng, sự lan tỏa của Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đối với việc đánh bại hoàn toàn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và trong sự nghiệp xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, một số hiện vật lần đầu được giới thiệu trưng bày như: Bộ quần áo bay của Thượng tá Dương Văn Thanh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Huấn luyện bay 10, Trường sĩ quan Không quân đã sử dụng trong chuyến bay tập ngày 29/4/2005 và đồng chí đã anh dũng hy sinh để bảo vệ khu du lịch Hòn Ngọc Việt; mô hình buồng tập lái máy bay Su22M4 dùng để huấn luyện phi công và sĩ quan dẫn đường điều khiển máy bay Su22M4 đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
|
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khẳng định: Triển lãm “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không” là một trong những hoạt động thiết thực, chào mừng kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn và sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Triển lãm khẳng định, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng, ý nghĩa to lớn và giá trị lịch sử của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng Cộng sản cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, xây dựng ý chí quyết tâm vượt qua mọi thử thách, khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
|
Cuốn nhật ký bay của chiếc MIG21, số hiệu 5121 do phi công Phạm Tuân lái đã bắn rơi chiếc B52 trên bầu trời Sơn La đêm ngày 27/12/1972. |
Tham dự triển lãm, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân chia sẻ: “Riêng tôi khi xem lại những hiện vật, những trận mà mình đã tham gia trong cuộc chiến tranh thì cảm thấy rất bồi hồi, xúc động và thấy rằng những chiến công của quân và dân ta là cực kỳ oanh liệt, cực kỳ lớn lao và rất may mắn là mình được tham gia trong đó. Tôi mong muốn sẽ có nhiều cuộc trưng bày triển lãm như thế này để các thế hệ trẻ ngày nay nhìn nhận đánh giá và học tập được những gì mà các thế hệ trước đã làm, để các thế hệ sau này tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó”.
Một số hình ảnh tại triển lãm “Bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không”:
|
Sơ đồ chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng từ 18 - 29/12/1972. |
|
Hình ảnh tư liệu về Tổng thống Nixon và nội các bàn kế hoạch sử dụng máy bay ném bom chiến lược B52 đánh vào Hà Nội - Hải Phòng năm 1972. |
|
Máy bay B52 rải thả bom đánh phá miền Bắc, tháng 12/1972. |
|
Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân báo cáo phương án tác chiến đánh máy bay B52 của Mỹ năm 1972. |
|
Phân đội 12,7mm tự vệ nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ, tháng 4/1972. |
|
Bộ đội tên lửa sẵn sàng chiến đấu cao đánh trả máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. |
|
Máy bay B52 của Mỹ bị quân dân Thủ đô bắn rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội ngày 29/12/1972. |
|
Động cơ máy bay B52.D Mỹ sử dụng ném bom thủ đô Hà Nội bị Tiểu đoàn 72, Trung đoàn 285 bắn rơi tại khhu vực hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội, 27/12/1972. |
|
Một số hình ảnh phi công B52 bị bắt trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972. |
|
Các cuốn dự thảo về cách đánh B52 - "bảo bối" của một thời |
|
Chiếc Micro Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng phát sóng sau 9 phút tạm ngừng do B52 của Mỹ đánh phá ngày 19/12/1972. |
|
Nhân dân Hà Nội đi sơ tán phòng tránh máy bay B52, năm 1972 |
|
Các đại biểu từng là nhân chứng của sự kiện B52 năm 1972 cùng đông đảo người dân Thủ đô đến tham quan triển lãm. |