Chia sẻ với Logistics Việt
Tiềm năng ngày càng mở rộng nhưng năng lực lại ngày càng thấp đi, đó là thực trạng đáng quan tâm của logistics Việt Nam hiện nay, thứ hạng chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 trong năm 2014 xuống 64 năm 2016.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn nhận xét, logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu; đặc biệt là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…
Vậy logistics là gì và hướng tháo gỡ những rào cản như thế nào?
Theo Điều 233 Luật Thương mại: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, logistics là một dịch vụ tổng hợp bao gồm nhiều khâu, nấc trong quá trình đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Muốn giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh thì chi phí logistics tất yếu phải giảm.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực, nhờ đó trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, với tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt trên 170%. Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 15% trong 5 năm qua, cao gần gấp 5 lần tăng trưởng thương mại toàn cầu. Nhờ đó, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI, thu hút khoảng 35 tỉ USD vốn đăng ký vào năm 2017.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu của WB, chi phí logistics ở Việt Nam hiện nay bằng khoảng 20,9-25% GDP. Mức chi phí này cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới… 3 lần (!?).
Để con số chi phí cao ngất ngưởng như vậy có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân luôn luôn ám ảnh các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là những “chi phí không chính thức”. Tại Tọa đàm “Tháo bỏ nút thắt tăng trưởng” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hồi đầu năm 2017, dẫn báo cáo của WB, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã đưa ra một con số khiến cả hội trường “giật mình”. Đó là chi phí không chính thức mà các chủ hàng xuất khẩu của Việt Nam phải gánh chịu có thể lên tới 250 triệu USD vào năm 2020. Con số này được tính toán dựa trên chi phí để làm thủ tục hải quan nhanh chóng và chi bồi dưỡng chặng vận tải nội địa.
Một chi phí khác mà theo đánh giá của Chủ tịch VLA là rất lãng phí, đó là chi phí kiểm tra liên ngành. Mỗi năm, doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng cho kiểm tra hàng hóa (dẫn báo cáo CIEM). Trong đó, tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm đến 58%!
Thì ra toàn những nguyên nhân “quân ta buộc chân quân mình”!
Nhìn ra được những rào cản thì đồng thời hy vọng vào những nỗ lực không chỉ ở tầng vĩ mô mà cả nội tại của các doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhận định rằng, sự phát triển logistics ở nước ta trong thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Đồng thời, các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính cũng được các bộ, ngành quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, cùng nhau thúc đẩy phát triển ngành logistics của Việt Nam lên một tầm cao mới trong khu vực và trên thế giới".
Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, với khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia tích cực vào lĩnh vực logistics thì hầu hết đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên mức đóng góp cho nền kinh tế chỉ khoảng 2-3%. Vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp chỉ khoảng 4-6 tỉ đồng, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 72% (vốn dưới 20 tỉ đồng) với số lượng lao động 30-40 người, trong đó chỉ 5-7% có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đáng chú ý, gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Chính vì thế, chỉ có 25% thị phần nằm trong tay doanh nghiệp Việt Nam, 75% còn lại ở trong tay doanh nghiệp nước ngoài. |
Nguyễn Long Vân