Ở đâu tiêu thụ nhiều than đá nhất thế giới?
(PetroTimes) - Than đá, nguồn năng lượng gây ô nhiễm nhất, sẽ tăng nhẹ từ nay đến năm 2022 trên toàn thế giới nhưng lại tăng mạnh ở một số nước châu Á, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 18/12.
Khai thác than ở Ấn Độ |
Mức tiêu thụ than thế giới dự kiến sẽ tăng rất khiêm tốn trong giai đoạn 2016-2022 với tốc độ trung bình là 0,5%/năm.
Trong báo cáo hằng năm về than đá, IEA cho biết nguồn năng lượng này sẽ tăng từ 5.357 tỷ tấn lên 5.534 tỷ tấn trong giai đoạn 2016-2022.
Tỷ lệ than trong sản xuất năng lượng sơ cấp dự kiến sẽ giảm từ 27% hiện nay xuống còn 26% vào năm 2022. Mức tăng trưởng của than đá sẽ thấp hơn nhiều so với các nguồn năng lượng khác.
Nhưng báo cáo về việc sử dụng than đá cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa các khu vực trên thế giới. Than đá giảm mạnh ở châu Âu, nơi chỉ có Đức và Ba Lan tiếp tục sử dụng một cách ồ ạt. Nhưng trong những năm tới, Ấn Độ sẽ trở thành nước có mức tiêu thụ than đá cao nhất mặc dù nước này đang phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Ấn Độ không chỉ cần than để sản xuất điện mà còn cho ngành công nghiệp luyện thép đang phát triển.
Theo báo cáo của IEA, các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Pakistan, Philippines và Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng tiêu thụ than tương đối mạnh do nhu cầu về điện tăng.
Vì những tác động của than đá tới khí hậu trái đất, IEA kêu gọi thế giới cần "hành động cấp bách" để hỗ trợ thu thập và lưu giữ carbon (CCS). Công nghệ này, bao gồm việc thu khí CO2 ở lối ra các ống khói nhà máy điện để lưu trữ chúng vào lòng đất, hiện vẫn còn rất đắt đỏ.
Nh.Thạch