EVN giải bài toán tăng năng suất lao động
Sau gần 2 năm thực hiện Đề án Nâng cao năng suất lao động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thu được những kết quả bước đầu. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã phỏng vấn ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN xung quanh vấn đề này.
PV: Sau gần 2 năm triển khai, Đề án Nâng cao năng suất lao động, đã thu được những kết quả quan trọng nào, thưa ông?
Ông Đinh Quang Tri |
Ông Đinh Quang Tri: Đề án Nâng cao năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 là một phần của Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 của Tập đoàn.
EVN đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 do Chủ tịch HĐTV EVN làm Trưởng ban, phân công các phòng, ban chức năng chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và tham mưu chỉ đạo, đồng thời giao các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thành viên, trong đó có chỉ tiêu về năng suất lao động. EVN đã sửa đổi các quy chế, quy định liên quan đến quản lý lao động, hoàn thiện khâu quản lý và sử dụng lao động hợp lý, gắn sử dụng lao động với hiệu quả SXKD của từng đơn vị. Đồng thời, EVN tiến hành tái cơ cấu các đơn vị thành viên, bố trí, sắp xếp hợp lý lao động. Năm 2017, EVN đang thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ”, với mục tiêu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động.
EVN đã rà soát mô hình tổ chức sản xuất, sửa đổi, bổ sung định mức lao động cho các khâu trong dây chuyền SXKD điện, tăng cường quản lý lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động có tính đến việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), trên cơ sở đó, tiến hành đổi mới mô hình tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa cao, tách khâu dịch vụ sửa chữa với khâu quản lý vận hành tại các tổng công ty. Định mức lao động trong SXKD điện cũng được rà soát, sửa đổi và tăng 15-50% so với định mức trước đây. Các đơn vị thành viên đã đạt được các chỉ tiêu về năng suất lao động hằng năm theo yêu cầu của đề án. Năng suất lao động thực hiện năm 2016 đạt 1,76 triệu kWh điện thương phẩm/lao động SXKD điện, tăng 12,6% so với thực hiện năm 2015.
PV: Ông có thể cho biết, trong quá trình triển khai đề án, EVN đã gặp những khó khăn vướng mắc gì và các giải pháp khắc phục?
Ông Đinh Quang Tri: Trong quá trình triển khai đề án, EVN cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, quản lý và sử dụng lao động.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2016-2020: - Tăng trưởng điện bình quân 10,5-11%/năm; - Năng suất lao động bình quân tăng 8-10%/năm; - Chỉ số tiếp cận điện năng của EVN từ năm 2016 giảm xuống còn 10 ngày; - Huy động đủ vốn đáp ứng đầu tư giai đoạn 2016-2020 trên 610.000 tỉ đồng. |
Một số thiết bị, công nghệ của các nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp, công tơ đo đếm của Việt Nam... được đầu tư từ trước năm 1990, đến nay đã lạc hậu, trình độ tự động hóa chưa cao dẫn đến hao phí lao động nhiều. Việc quản lý lao động, tuyển dụng lao động trước đây chưa chặt chẽ, định mức lao động chưa sát, còn tồn tại lực lượng lao động phổ thông không có chuyên môn, tay nghề. Một số lao động do tuổi cao, sức yếu không đảm bảo làm việc trên cao, nhưng không đủ trình độ để bố trí việc khác.
Đứng trước khó khăn, thách thức đó, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, với mục tiêu từng bước nâng cao năng suất lao động. Đó là:
- Sửa đổi các quy chế, quy định liên quan đến quản lý lao động nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý và sử dụng lao động hợp lý.
- Sắp xếp, bố trí lại lao động trong các khâu thuộc dây chuyền SXKD điện gắn liền với đào tạo lại số lao động dôi dư; sửa đổi và xây dựng mô hình tổ chức, tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ và định mức lao động tiên tiến; kiểm soát nghiêm việc tuyển dụng lao động của từng đơn vị, sử dụng hợp lý lao động hiện có, mở rộng hình thức thuê lao động ngoài cho các công việc phụ trợ.
Thi công lắp đặt trạm biến áp ở huyện Nam Trực (Nam Định) |
Thực hiện luân chuyển cán bộ, nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc; tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thường xuyên có hệ số dự phòng về lao động, tránh trường hợp thiếu hụt lao động khi có người nghỉ việc...
PV: Một trong những giải pháp nâng cao năng suất lao động là đổi mới cơ chế tiền lương, đồng thời tích cực đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề cho CBCNV và người lao động (NLĐ). Tập đoàn đã thực hiện giải pháp này như thế nào, thưa ông?
Ông Đinh Quang Tri: EVN đã xây dựng và triển khai các giải pháp về tiền lương và đào tạo tay nghề cho NLĐ. Cụ thể:
Các đơn vị trong EVN xây dựng quy chế trả lương theo vị trí chức danh công việc, gắn tiền lương với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và mức độ đóng góp của người lao động theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch. |
Xây dựng cơ chế trả lương cho NLĐ một cách hợp lý, với mục tiêu, tiền lương, thu nhập là công cụ quản lý lao động hiệu quả và đòn bẩy tăng năng suất lao động. Từ năm 2015, EVN đã xây dựng cơ chế tiền lương đối với NLĐ; tiền lương, thù lao đối với người quản lý các đơn vị gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu tối ưu hóa chi phí. Các đơn vị trong EVN xây dựng quy chế trả lương theo vị trí chức danh công việc, gắn tiền lương với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc và mức độ đóng góp của NLĐ theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch; nghiên cứu cơ chế trả lương và chế độ đãi ngộ phù hợp đối với lực lượng lao động chất lượng cao, từ đó thu hút và xây dựng được đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực SXKD.
Về đào tạo, EVN đã đề ra chỉ tiêu mỗi CBCNV ít nhất được đào tạo 1 lần trong năm. Chương trình đào tạo cũng đưa ra định hướng, đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyên sâu trong các lĩnh vực kỹ thuật, từng bước làm chủ công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác cung cấp thiết bị của nước ngoài, giảm chi phí thuê chuyên gia. Các chương trình đào tạo cho khâu chuẩn bị sản xuất được tổ chức bài bản, chất lượng, bảo đảm nhân lực đủ năng lực tiếp nhận các công trình điện có công nghệ tiên tiến, giảm sự cố trong vận hành và bảo đảm hiệu suất làm việc cao.
Trong thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng đưa công nghệ thông tin vào đào tạo (E - learning) để CBCNV có thể tiếp cận các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với công việc mọi lúc, mọi nơi, nâng cao chất lượng xử lý công việc của CBCNV.
Công nhân EVNHANOI thao tác trên lưới điện đang mang điện |
PV: Hệ thống KPI do EVN đang áp dụng có thể trở thành công cụ quản trị, là thước đo chính xác năng suất lao động không, thưa ông?
Ông Đinh Quang Tri: Để đạt được chỉ tiêu về năng suất lao động trong đề án, EVN đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc xây dựng và triển khai hệ thống chỉ số đánh giá thực hiện công việc (Key Performance Indicator - KPI) cho từng vị trí chức danh công việc. Đây là một công cụ quản trị doanh nghiệp hiện đại đã được nhiều công ty đa quốc gia sử dụng. Việc triển khai KPIs giúp lãnh đạo Tập đoàn cụ thể hóa chiến lược thành các mục tiêu quản lý và chương trình hành động cụ thể cho từng đơn vị thành viên, từng bộ phận, từng nhân viên, giúp các đơn vị có cái nhìn tổng thể về hoạt động SXKD của mình. KPIs cũng giúp EVN và các đơn vị đánh giá một cách có hệ thống, minh bạch, rõ ràng, cụ thể và công bằng hơn hiệu quả công việc và năng lực của mỗi nhân viên.
Hệ thống KPI đang được EVN triển khai rộng rãi đối với các đơn vị thành viên cũng như đối với cơ quan Tập đoàn, tiến tới sẽ gắn việc đánh giá hiệu quả công việc qua hệ thống KPIs với việc trả lương theo 3P (Pay for Position - Trả lương theo vị trí; Pay for Person - Trả lương theo cá nhân; Pay for Performance - Trả lương theo hiệu quả, kết quả hoàn thành công việc) trong toàn Tập đoàn.
PV: Để thực hiện Đề án Nâng cao năng suất lao động một cách hiệu quả, bền vững, EVN có kiến nghị gì với Chính phủ và các bộ, ngành?
Ông Đinh Quang Tri: Trong quá trình thực hiện Đề án Nâng cao hiệu quả SXKD và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020, EVN có một số kiến nghị về chế độ chính sách tiền lương và quản lý lao động.
Cơ chế quản lý lao động: Khi EVN tiến hành thay đổi mô hình tổ chức sản xuất, rà soát định biên lao động cũng như tổ chức thuê ngoài những công việc giản đơn đã phát sinh nhiều lao động dôi dư có trình độ chuyên môn thấp, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc. Để có cơ chế khuyến khích lực lượng lao động này chấm dứt hợp đồng, EVN đề xuất: Ngoài những chính sách hỗ trợ lao động nghỉ việc của Nhà nước, EVN có thêm cơ chế đặc thù trong việc chi trả, hỗ trợ cho NLĐ bị mất việc làm.
Cơ chế tiền lương: Hiện nay, giá bán điện do Nhà nước điều hành và quyết định, bảo đảm ổn định giá cả thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, khi các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá… biến động theo giá thị trường, sẽ tác động trực tiếp đến tình hình cân đối tài chính hằng năm của EVN. Ngoài ra, kết quả hoạt động SXKD điện còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu... Vì vậy, chỉ tiêu lợi nhuận của EVN phụ thuộc rất lớn vào giá điện được Chính phủ, Liên bộ Công Thương - Tài chính phê duyệt. Trên cơ sở chỉ tiêu lợi nhuận của toàn EVN được phê duyệt trong phương án giá điện, EVN điều hành (phân bổ) chỉ tiêu lợi nhuận cho đơn vị. Do đó, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, bảo đảm tiền lương của NLĐ và người quản lý, xét về dài hạn là vấn đề khó khăn đối với các đơn vị thuộc EVN. Vì vậy, để có cơ chế tiền lương khuyến khích NLĐ nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, EVN đề nghị được xây dựng cơ chế tiền lương đặc thù trình các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam: Có thể thấy rằng, cả giai đoạn 2011-2015 và năm 2016, năng suất lao động của EVN đều cao hơn so với năng suất lao động trung bình của cả nước. Riêng trong lĩnh vực Công Thương, năng suất lao động của ngành điện chỉ thua ngành điện tử - tin học (tăng 17%, do có sự đóng góp của Tập đoàn Samsung - doanh nghiệp FDI) và cao hơn rất nhiều so với các ngành khác như: dệt may tăng 1,1%/năm; da giày tăng 4,9%/năm; nhựa tăng 2,1%/năm; hóa chất tăng 4,2%/năm… Như vậy, nếu xét trong phạm vi hẹp, EVN đã là “anh cả ” trong nỗ lực tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, nếu so sánh với các DN FDI, ngành điện Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện năng suất lao động. |
Ông Khuất Quang Mậu, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam: Những năm qua, ngành điện đã đầu tư rất lớn vào các công trình nguồn điện cũng như xây dựng hệ thống các công trình truyền tải điện, đưa điện đến mọi miền đất nước (hơn 98% số hộ dân được sử dụng điện), tổ chức bán điện trực tiếp tới khách hàng. Lực lượng lao động của ngành điện đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đã đến lúc, chúng ta cần phải quan tâm đến chất lượng lao động và năng suất lao động, từ đó, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời tăng thu nhập chính đáng cho NLĐ. |
Nguyễn Tuấn