Núi băng trôi ở Nam Cực tiếp tục nứt vỡ
Một núi băng với diện tích gấp 4 lần quận Manhattan (quận đông dân nhất của thành phố New York) đã tách khỏi sông băng đảo Pine (Pine Island Glacier), Nam Cực từ 2 tháng trước và phân rã thành nhiều mảnh nhỏ, trang Science Alert mới đây đưa tin.
Sông băng tan chảy nhanh nhất ở Nam Cực
Cụ thể, núi băng rộng khoảng 267km2 đã tách rời khỏi sông băng ở Tây Nam Cực hồi cuối tháng 9. Hình ảnh từ vệ tinh Copernicus Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy, núi băng này sau đó đã phân rã thành nhiều mảnh nhỏ. Giới khoa học dự đoán, núi băng sẽ trôi ra Nam Đại Dương trước khi vỡ, nhưng trên đường đi nó bị lớp băng biển dày cản đường.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 17-11 cho thấy, núi băng trôi Nam Cực tách ra hồi tháng 9 đang phân rã thành những khối nhỏ (ảnh: ESA/BAS) |
Tiến sĩ Robert Larter, nhà địa vật lý thuộc viện Nghiên cứu Nam Cực của Anh nói: “Những hiện tượng đang xảy ra đối với sông băng Pine Island là rất đáng lo ngại. Hoạt động phân tách của thềm băng đang thay đổi. Chúng tôi đã theo dõi lớp băng mở rộng và thu hẹp, một tảng băng trôi lớn tách ra và phần rìa băng trở lại vị trí cũ trong suốt 68 năm”.
Cũng theo ông Larter, dữ liệu về những lần núi băng trôi nứt vỡ vào các thời điểm: tháng 1-2001; tháng 11-2007; tháng 8-2015 và tháng 9-2017 đều được lưu giữ cẩn thận. Mỗi lần rìa băng quay trở về vị trí cũ và thềm băng tiếp tục trải ra biển. Tuy nhiên, lớp băng ngày càng mỏng đi báo hiệu rằng, sớm muộn gì quá trình này cũng thay đổi.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Seongsu Jeong ở Trung tâm Nghiên cứu khí tượng và vùng cực Byrd thuộc Đại học Ohio cho rằng, sông băng đảo Pine đã trải qua nhiều lần núi băng trôi nứt vỡ, nhưng sự kiện kiểu này đang xảy ra với tần suất cao hơn và nhanh hơn trong thời gian gần đây.
Sông băng đảo Pine là dòng sông băng tan chảy nhanh nhất ở Nam Cực. Khu vực này chiếm khoảng 1/4 lượng băng mất mát của lục địa băng giá, tương đương khoảng 45 tỉ tấn băng mỗi năm. Hiện tượng núi băng khổng lồ tách ra hồi tháng 9 là lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được rìa băng thật sự thu lại kể từ năm 1947.
“Trong trường hợp thềm băng tiếp tục mỏng đi và phần rìa băng thu hẹp, tác dụng làm tường chắn cho sông băng đảo Pine sẽ suy giảm. Từ đó, sông băng đối mặt với nguy cơ ngày càng mỏng và co lại nhiều hơn”, Tiến sĩ Larter nhấn mạnh.
“Người khổng lồ” thức giấc
Trước đó, trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Geophysical Research Letters hồi năm 2016, Jeong và nhóm của ông đã phát hiện dòng nước ấm của đại dương là thủ phạm gây ra các vết nứt ở thềm băng.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, núi băng rộng 582km2 và tách ra vào năm 2015 bắt nguồn từ vết nứt ăn sâu gần 32km kể từ năm 2013. Quá trình nứt vỡ mới đây dường như cũng bắt nguồn từ vết nứt giữa sông băng.
Thực tế đã chứng minh, những khe nứt thường xuyên hình thành ở phần rìa các tảng băng, nơi có lớp băng mỏng và dễ nứt. Tuy nhiên, sự kiện sông băng đảo Pine bị vỡ một mảng lớn hồi năm 2015 là do rạn nứt từ bên trong và lan ra phía ngoài khối băng. Nhà nghiên cứu Howat thuộc Đại học Ohio cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc phần trung tâm của khối băng bị yếu đi, rất có thể do một đường nứt lớn xuất hiện bên dưới bởi sự ấm lên của đại dương. Song các nhà khoa học chưa kết luận về nguyên nhân này.
Pine Island hiện là sông băng ở Nam Cực góp phần lớn nhất khiến mực nước biển toàn cầu tăng lên. |
Giới nghiên cứu nhận định, hiện tượng tan chảy từ trong ra ngoài cũng có thể xảy ra do biến đổi khí hậu làm ấm đại dương, hoặc do lượng nước biển tiếp xúc với đáy sông băng tăng mạnh.
Mới đây, một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Texas tại Austin, Mỹ tiết lộ, những cơn gió mạnh thổi qua Nam Đại Dương mang theo nước ấm đang khiến sông băng lớn nhất ở đông Nam Cực Totten tan chảy từ phía dưới đáy.
Tác giả chính của nghiên cứu Chad Greene, nghiên cứu sinh thuộc Viện Địa vật lý Texas nói: “Totten được giới khoa học ví với hình ảnh “người khổng lồ đang ngủ” bởi kích thước đồ sộ của nó. Song, Totten được đánh giá là kém nhạy cảm đối với những thay đổi của môi trường”. Tuy nhiên, mới đây, các nhà khoa học lại đang ghi nhận những dấu hiệu chịu tác động của nó và có thể chỉ một luồng gió thổi qua cũng đủ để “người khổng lồ” này tỉnh giấc.
Trần Quân