Trở ngại từ hóa đơn điện tử
Cục Thuế TP HCM mới có đề xuất quy định cho các ngành hàng ăn uống, dịch vụ cao cấp sử dụng máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế, không dùng tiền mặt trong thanh toán.
Đồng thời, các đơn vị này cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử để xác minh chính xác doanh thu thực tế phát sinh. Đây được coi là biện pháp nhằm tăng cường quản lý thuế với hoạt động kinh doanh ngành ăn uống, dịch vụ cao cấp.
Đề xuất này còn phải thông qua việc lấy ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình UBND TP HCM thẩm định và phê duyệt. Nhưng với các cơ sở kinh doanh ăn uống và dịch vụ cao cấp, họ cho rằng, đề xuất ấy khó khả thi. Lý do là khách hàng không mặn mà với hình thức thanh toán này vì họ phải mất thêm một khoản phí ngân hàng và cũng không có nhu cầu lấy hóa đơn để làm gì.
Luật sửa đổi các luật thuế quy định rằng, hóa đơn từ 20 triệu đồng thì phải thanh toán qua ngân hàng. Vì thế, nếu quy định cho ngành ăn uống và dịch vụ cao cấp thanh toán theo hình thức mới thì số tiền phải hạ xuống mức 5 triệu đồng mới có thể khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ năm 2015, tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam, vấn đề hạ ngưỡng 20 triệu xuống 5 triệu đồng cũng đã được ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính đề xuất và khẳng định, Bộ Tài chính sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm cơ chế khuyến khích thanh toán điện tử. Đây là công cụ mạnh nhất thúc đẩy thanh toán điện tử bởi về công nghệ, hạ tầng thanh toán của Việt Nam đều đã cho phép thực hiện.
Nhưng hiện nay, tỷ lệ người dân dùng thẻ để thanh toán khi ăn uống tại các nhà hàng ở TP HCM vẫn chưa nhiều. Một số nhà hàng đã lắp đặt máy POS khoảng 5 năm nay nhưng tỷ lệ khách hàng thanh toán qua thẻ vẫn ít, chiếm chưa tới 20% so với việc thanh toán bằng tiền mặt. Lý do là khách hàng dùng thẻ nội địa, ngân hàng phí tính cho nhà hàng khoảng 2% tổng số tiền thanh toán. Còn dùng thẻ Visa hoặc Master thì có ngân hàng trừ 4-5%.
Bỏ kinh phí ra lắp đặt máy thanh toán nhưng vì quá ít người thanh toán bằng thẻ nên nhà hàng sẽ chịu thua thiệt. Có nhà hàng đã thu thêm phần phí từ khách để bù vào thì xảy ra tranh cãi, phản đối. Hơn nữa, ngay các nhân viên một số nhà hàng cũng tỏ thái độ lạnh nhạt, không muốn khách dùng thẻ thanh toán vì họ sợ không được cho tiền bo. Chưa kể đến bản thân khách hàng cũng có tâm lý ngại rủi ro khi cà thẻ mà máy móc có gì trục trặc thì một là mất tiền, hai là phải chờ xử lý.
Trước thực tế này, một số chuyên gia cho rằng, song song với những giải pháp mà Cục Thuế TP HCM nêu ra, Bộ Tài chính cần xem xét và có chính sách giảm phí để khuyến khích các điểm giao dịch thực hiện thanh toán qua thẻ.
Thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang phát triển, đặc biệt có sự đột phá trong dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Đến nay Việt Nam đã có hơn 40 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Mục tiêu tới đây là mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, muốn đạt hiệu quả, Cục Thuế TP HCM nói riêng, ngành thuế và ngân hàng nói chung cần phải làm sao để tất cả những cơ sở, hộ gia đình, cửa hàng cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho ngành dịch vụ ẩm thực có thể xuất hóa đơn đầy đủ cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Nếu không thể có đầy đủ hóa đơn đầu vào nhưng bị quản chặt doanh thu đầu ra (thanh toán qua ngân hàng) thì chắc chắn rất ít đơn vị chịu làm việc này. Vì khi họ phải đóng thuế cao hơn thì buộc họ phải tìm cách né thuế; rồi họ lót tay, “đi đêm” với cán bộ thuế. Mục tiêu quản lý thuế không đạt được mà còn tạo cơ sở để cán bộ thuế nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Ngân hàng phải thực hiện giảm phí vì hiện mức phí khá cao, trung bình khoảng 2-5%. Nếu không giảm phí mà “ép” phải thanh toán bằng thẻ ngân hàng thì nhà hàng sẽ tính cho khách hàng chịu. Khách hàng bị tính phí thì càng không muốn sử dụng thẻ trong giao dịch... Thế là kế hoạch giảm tiền mặt trong lưu thông của Chính phủ sẽ không được thực hiện.
Chuyện đi ăn uống, mua bán mà phải cà thẻ, lấy hóa đơn thì với nhiều khách hàng, họ chẳng cần lấy hóa đơn để làm gì. Hóa đơn ấy có được ngành thuế tính cho họ để khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân không? Với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì cần hóa đơn về thanh toán và được hoàn thuế; còn người dân thì không cần. Nếu lấy hóa đơn chỉ để ngành thuế dễ quản lý doanh thu của doanh nghiệp mà không có lợi ích gì cho người dân thì chắc chắn chẳng ai muốn làm.
Với những lý do trên, ngành thuế và ngân hàng cần phải có giải pháp tháo gỡ.
Linh Trang