Xóa nợ thuế cho doanh nghiệp
Thận trọng và minh bạch
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó có quy định xóa nợ thuế cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, việc xóa nợ cần phải được tiến hành thận trọng và công khai, minh bạch thông tin.
Điều kiện xóa nợ thuế
Cụ thể, các chủ DN tư nhân được xác nhận đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự... còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp sẽ được xóa nợ. Bên cạnh đó, các khoản nợ thuế đã quá hạn 10 năm và cơ quan quản lý thuế “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế” mà không thành cũng được xóa.
Bộ Tài chính đã đề xuất xóa 8.000 tỉ đồng tiền nợ thuế, khoanh nợ hơn 6.700 tỉ đồng để tạm thời không tính phí nộp chậm, xóa 1.000 tỉ đồng tiền nợ thuế cho các DN nhà nước…
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính cho biết, chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế, cho dù đó là những khoản nợ thuế trên 10 năm. Nguyên nhân là do DN đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế, không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; hoặc nhiều trường hợp DN bỏ trốn khỏi địa chỉ hoặc tự ý ngừng kinh doanh…
Nhằm giảm thiểu số nợ ảo mà thực tế không thể thu hồi, dự thảo của Bộ Tài chính cũng bổ sung quy định: Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn đối tượng để thu và đã quá 5 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế thuộc trường hợp được xóa nợ.
Để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng nợ thuế, một số nước đã thực hiện chính sách xóa nợ thuế cho những đối tượng không có khả năng thanh toán như đã chết, phá sản, mất tích... Tỷ lệ tiền thuế được xóa nợ trên tổng số nợ thuế của các nước khoảng 7-10%. |
Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung thêm quy định, trong 2 năm kế tiếp kể từ ngày thực hiện xóa nợ thuế, người thành lập DN, người đại diện theo pháp luật sẽ không được phép thành lập DN mới, trừ trường hợp đã thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo quyết định xóa nợ vào ngân sách Nhà nước.
Đây không phải lần đầu tiên đề xuất bổ sung, sửa đổi quy định về xóa nợ thuế vào Luật Quản lý Thuế được đưa ra. Trước đây, Tổng cục Thuế cũng đã từng trình Chính phủ xem xét, xóa nợ thuế với một số nhóm đối tượng. Tuy nhiên, những lần đề xuất trước đều không nhận được sự đồng thuận Chính phủ, Quốc hội.
Công khai thông tin
TS Nguyễn Minh Phong |
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: Đề xuất xóa nợ thuế cho DN chỉ dành cho những DN “đã chết” hoặc là không thể trả nợ được, nếu để lại cũng chỉ là gánh nặng để đó cho nên đây là một việc làm phù hợp để tinh giản tài chính và bớt đi những băn khoăn từ phía người dân và cơ quan Nhà nước.
Hơn nữa, việc xóa nợ thuế cho các DN “đã chết” còn giúp cho các DN này có thể nhẹ gánh và còn có thể hồi sinh để làm những việc mới. Nhưng rõ ràng, nếu lạm dụng việc xóa nợ thuế mà không có tính toán cẩn thận sẽ tạo ra những tiền lệ xấu vì những DN khác cũng theo lối đó và không thể xóa được hết.
Tuy nhiên, hiện tại danh mục những DN nợ thuế vẫn chưa được công bố rõ ràng cụ thể, có những lý do chưa phân tích hết nên cần xét từng lý do cụ thể. Cần có danh sách để tránh trường hợp từ việc làm trên tạo ra một nơi để mua bán hoặc để thương lượng giữa người nộp thuế và người thu thuế. Có thể có những DN tranh thủ cơ hội này để xin cho vào danh sách những DN được xóa thuế từ đó không đảm bảo được tính công bằng trước pháp luật giữa các DN. Do đó cần thiết phải công khai minh bạch thông tin giữa những người giám sát lẫn nhau và bắt lỗi những người làm sai, lạm dụng quyền hạn của mình để trục lợi.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, có hai vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, xét ở góc độ thu thuế, không thu được nên xóa nợ. Thứ hai, nếu xét ở góc độ mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế, xóa nợ có thể gây bất bình đẳng, đặt ra tiền lệ xấu. Bên cạnh đó, cần cân nhắc khi xóa nợ thuế với những doanh nghiệp thành lập mới, nhập khẩu ồ ạt hàng hóa với giá khai rẻ, sau đó giải thể, phá sản trước khi bị cơ quan thuế kiểm tra. Đây là hành vi trốn thuế, nhưng lại có thể được hưởng lợi từ chính sách xóa nợ thuế. |
Mỹ Hạnh - Song Nguyễn