Cải cách thuế và tác động đối với ngành năng lượng Mỹ
Kế hoạch cải cách thuế mà Thượng viện Mỹ thông qua mới đây dự kiến sẽ thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch, hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí nội địa. Nhưng những thay đổi này lại bị nhiều nhà quan sát cho là có thể gây thiệt hại cho đầu tư và việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Kẻ mừng
Với tỷ lệ phiếu sát sao 51 thuận - 49 chống, dự luật về cải cách thuế toàn diện đã được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 2-12. Do dự luật này đã được Hạ viện Mỹ tán thành từ giữa tháng 11 với một số điều chỉnh khác nên sau cuộc bỏ phiếu trên, Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ bắt đầu quá trình đàm phán để cho ra đời một dự luật thống nhất trình Tổng thống Trump ký thành luật. Mặc dù các phiên bản dự luật của Hạ viện và Thượng viện Mỹ có một số điểm khác nhau, nhưng đều thống nhất giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 20%. Bên cạnh đó, các phiên bản dự luật của Hạ viện và Thượng viện còn trực tiếp đề cập hoặc có những điều chỉnh đối với ngành dầu khí và năng lượng nói chung.
Cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều nhất trí duy trì các điều khoản thuế đối với ngành dầu khí, bao gồm các khoản khấu trừ chi phí khoan và các quy tắc kế toán ưu đãi, cho phép các công ty dầu khí giảm gánh nặng thuế.
Khai thác dầu đá phiến ở Texas, Mỹ |
Tuy nhiên, trong dự luật phiên bản Thượng viện, trên cơ sở đề xuất của Thượng nghị sĩ John Cornyn (bang Texas) và đã được Thượng viện chấp thuận, một số khoản thu nhập của các công ty dầu khí sẽ được đánh thuế với mức thấp hơn đáng kể. Nó sẽ cho phép các công ty năng lượng được phân loại là “các công ty hợp danh hữu hạn” (MLP - master limited partnerships) - mà phần đông có trụ sở ở bang Texas - đủ điều kiện để được giảm thuế theo một loại phúc lợi đặc biệt, gọi là “pass-through benefit”.
Một điều đáng lưu ý nữa là dự luật phiên bản Thượng viện sẽ cho phép các công ty dầu khí khoan thăm dò khai thác trong một khu vực rộng 1,5 triệu mẫu Anh ở Khu Bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực, rộng gần 20 triệu mẫu Anh ở Alaska. Phiên bản dự luật của Hạ viện cũng đề cập tới vấn đề này với nội dung tương tự.
Ông Jack Gerard, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Viện Dầu khí Mỹ (API) đã đánh giá dự luật cải cách thuế mà Thượng viện Mỹ thông qua là theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, có thể hỗ trợ các chính sách năng lượng hướng tới tương lai, để đảm bảo cho Mỹ tiếp tục vai trò lãnh đạo năng lượng toàn cầu. Theo ông Gerard, “các đề xuất hạ thấp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường các quy định về thu hồi chi phí có thể cho phép ngành dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tiếp tục đầu tư hàng tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ và tạo thêm 10 triệu việc làm cho nước Mỹ”.
Người lo
Trong khi đó, các nhóm năng lượng sạch và vận động môi trường ở Mỹ lại tỏ ra rất bức xúc về dự luật cải cách thuế, chủ yếu về điều khoản Thuế chống lạm dụng xói mòn cơ sở tính thuế (BEAT) trong dự luật phiên bản Thượng viện. Các tổ chức về năng lượng sạch ở Mỹ cảnh báo, điều khoản này sẽ có tác động “tàn phá” đối với lĩnh vực năng lượng sạch, khiến các nhà đầu tư bỏ chạy và đặt các khoản đầu tư trị giá 12 tỉ USD cho năng lượng sạch vào tình trạng rủi ro cao.
Phiên bản Thượng viện không đề cập đến các khoản tín dụng năng lượng mặt trời, nghĩa là sẽ duy trì lịch trình loại bỏ Tín dụng thuế đầu tư (ITC) cho các nhà phát triển và chủ hộ sử dụng năng lượng mặt trời: vẫn giữ mức 30% đến năm 2019, sau đó giảm dần theo từng năm và đến năm 2022, chỉ còn 10%. Nhưng trong phiên bản Hạ viện, đến cuối năm 2021, tín dụng cho chủ hộ sẽ giảm xuống còn 0% và tín dụng cho các nhà phát triển giảm xuống còn 10%. Khoản tín dụng 10% này sẽ chấm dứt vào năm 2027.
Đối với năng lượng gió, lịch trình chấm dứt khoản Tín dụng thuế sản xuất (PTC) cho các nhà phát triển điện gió (hiện tại là 2,3 cent/KWh) vào năm 2019 vẫn được giữ nguyên, nhưng dự luật phiên bản Hạ viện đã loại bỏ sự điều chỉnh lạm phát trong đó - một động thái làm giảm 40% giá trị tín dụng, xuống còn 1,5 cent/kWh.
Ngoài ra, dự luật phiên bản Hạ viện sẽ loại bỏ khoản tín dụng thuế 7.500USD hiện tại cho việc mua xe điện, bắt đầu từ năm thuế 2017.
Nói thêm về chính sách “tín dụng thuế”. Mỹ đã áp dụng chính sách này trong hơn 5 năm trở lại đây. Theo đó, Nhà nước cho phép các doanh nghiệp (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất) được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là hình thức Nhà nước cho doanh nghiệp vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển, phục hồi tăng trưởng nền kinh tế.
Do đó, việc giảm dần, loại bỏ các khoản tín dụng thuế nói trên không được coi là hỗ trợ phát triển năng lượng sạch.
Linh Phương