Ngộ độc do… tự thải độc?
Trong một môi trường không khí, nguồn nước, thực phẩm chưa sạch và cả hành vi sử dụng thuốc tùy tiện đã làm cho hiện tượng ngộ độc cơ thể của con người ngày càng nhiều hơn. Người ta tự thải độc, tự detox làm sạch cơ quan nội tạng theo đủ mọi cách mà không theo bất kỳ hướng dẫn nào của bác sĩ, “lợi bất cập hại”.
Tự thải độc cũng nguy hiểm
Theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, chuyên gia truyền nhiễm, hiện nay việc cơ thể nhiễm độc là một vấn đề nghiêm trọng bởi có quá nhiều nguyên nhân, trong đó có cả ngoại sinh và nội sinh. Ngoại sinh là những nguyên nhân từ môi trường, không khí, thực phẩm hay sử dụng thuốc để điều trị bệnh dẫn đến nhiễm độc cơ thể. Nội sinh là khi chất độc vào cơ thể tích tụ ở gan, khiến gan không thải độc được nên cũng tiết ra “tại chỗ”, làm cơ thể nhiễm độc.
Tuy nhiên, nhiễm độc cơ thể theo nguyên nhân ngoại sinh thường mang tính chất cấp tính như ngộ độc rượu, nấm độc, hóa chất và dẫn đến suy đa phủ tạng. Còn ngộ độc do nguyên nhân nội sinh “âm thầm” nhưng dai dẳng, đeo đuổi cả đời (mạn tính), lại khó phát hiện hơn so với ngộ độc cấp tính. Những biểu hiện của ngộ độc mạn tính là mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, mất ngủ sau dần dần chuyển sang bệnh nan y.
Một hình ảnh quảng cáo trên mạng về tự thải độc cơ thể |
Hiện nay, trên mạng xuất hiện rất nhiều thông tin hướng dẫn tự thải độc theo cách nhịn ăn, chỉ uống nước hoa quả hoặc những loại nước tự chế từ thập cẩm… nông sản. Nhưng theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, như vậy là rất nguy hiểm và phản khoa học. Vì chính những “giải pháp” được ưa chuộng chỉ trên cơ sở “truyền miệng” đó có thể là “con dao hai lưỡi” thay vì thanh lọc cơ thể lại làm cơ thể nhiễm độc thêm.
Th.S Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng Quốc gia phân tích: nhịn ăn - một trong những giải pháp kết hợp mà người ta nghĩ đến đầu tiên khi thải độc cơ thể - có thể làm mất nước, gây rối loạn điện giải, cơ chế bù trừ của cơ thể khiến cơ thể cạn kiệt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến nhiều chức năng hoạt động khác của các cơ quan nội tạng. Hay khi chúng ta nhịn ăn, chỉ uống nước chanh, nước hoa quả để thanh lọc cơ thể, thì lập tức dạ dày sẽ có phản ứng và nguy cơ viêm loét dạ dày dễ dàng xảy ra.
Th.S Lê Thị Hải nói: “Cơ thể là một chỉnh thể hoàn hảo nếu bớt đi thì thiếu, thêm vào thì thừa. Nếu chúng ta thay đổi dù một cơ chế rất nhỏ cũng làm đảo lộn hoạt động của các cơ quan. Các cơ quan đó bản chất hoạt động là mang lại lợi ích cho cơ thể. Nhưng khi thay đổi nó sẽ “lợi bất cập hại”.
Phải qua bác sĩ
Không chỉ hướng dẫn thanh lọc cơ thể, nhiều trang mạng còn quảng cáo “đại ngôn” thải độc cơ thể để phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, không có một cách thải độc nào mà có thể phòng ngừa được tất cả các loại ung thư. Bởi ung thư do nhiều nguyên nhân gây ra và có nhiều bộ phận khác nhau có nguy cơ mắc căn bệnh nan y này. Như gan, viêm gan virus B hay C là bệnh nhân gần như nắm chắc nguy cơ mắc ung thư. Bởi vậy, dù có thải độc cơ thể bằng cách nào thì khả năng phòng ngừa căn bệnh cung hư là rất khó.
Gan được ví như “nhà máy hóa chất” thải các chất độc hại. Chính vì vậy, bảo vệ gan là bảo vệ cơ quan xử lý các chất độc hại đi vào cơ thể bằng cách không uống rượu bia và cần ăn uống điều độ. |
“Để ngăn ngừa ung thư phải dựa vào nguyên nhân, cơ chế gây bệnh, không thể tùy tiện thực hiện những phương cách, nhất là không có cơ sở khoa học để phòng ngừa. Nếu có thuốc thải độc, chẳng hạn như gan cần phải có chỉ định của bác sĩ mới được dùng”. PGS.TS Ngọc nói.
Để giải độc hay thải độc cho cơ thể, PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho rằng, phải tùy từng trường hợp cụ thể mới đưa ra giải pháp. Trường hợp ngộ độc cấp tính như ngộ độc rượu, thực phẩm… ở mức nhẹ có thể gây nôn rồi cho uống nước lọc hoặc nước chanh gừng, nước hoa quả (với những người say rượu)… Trường hợp nặng, phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu ở các cơ sở y tế để tại đây các bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp cấp cứu rửa ruột, truyền dịch, lọc máu…
Còn muốn thải độc hằng ngày, theo PGS.TS Ngọc không cần phải nhịn ăn mà cách đơn giản, hiệu quả nhất chính là ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, tập luyện thể thao và áp dụng biện pháp thải độc kép ở gan và thải độc tế bào nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguyễn Bách