Đan Mạch: Nỗ lực chuyển đổi năng lượng
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 27-11 công bố một báo cáo về chính sách năng lượng của Đan Mạch, trong đó nhấn mạnh những nỗ lực của quốc gia này trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra
Đan Mạch là quốc gia đứng hàng 45 thế giới về trữ lượng dầu mỏ với khoảng 900 triệu thùng. Hoạt động khai thác dầu khí của Đan Mạch bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, với kim ngạch xuất khẩu dầu 142.000 thùng/ngày vào năm 2016. Tuy nhiên, quốc gia thuộc vùng Scandinavia với 5,7 triệu dân này vẫn đang theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng với một tốc độ nhanh chóng.
Vào năm 2016, mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Đan Mạch mặc dù vẫn còn cao với 65% lượng nhiên liệu hóa thạch, nhưng tỷ lệ này đã giảm đáng kể trong thập niên qua (87% vào năm 2006). Đồng thời, tỷ trọng năng lượng tái tạo đã tăng gấp đôi trong 10 năm (16,3% năm 2006 lên 32,6% vào năm 2016). Đan Mạch không có bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào.
Sơ đồ sản lượng điện của Đan Mạch năm 2016 |
Từ nay đến năm 2030, Đan Mạch muốn năng lượng tái tạo đáp ứng ít nhất một nửa nhu cầu tiêu thụ năng lượng của cả nước. Đến năm 2050, nước này thậm chí còn muốn bỏ hẳn nhiên liệu hóa thạch. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng theo IEA, Đan Mạch đang "đi đúng hướng". Cơ quan năng lượng quốc tế nhấn mạnh rằng, kế hoạch năng lượng của Đan Mạch giúp sự phát triển kinh tế của đất nước ổn định và có thể dự báo trước. Chiến lược năng lượng 2020-2030 đang được Đan Mạch soạn thảo.
Phát triển năng lượng tái tạo
Đan Mạch đã có những thay đổi đáng kể về sự gia tăng các nguồn cung cấp điện năng trong hai thập niên qua, với sự phát triển mạnh của điện gió và năng lượng sinh học, trong khi đó giảm tỷ lệ điện than. Năm 2016, năng lượng gió đóng góp tới 42,5% sản lượng điện quốc gia. Mức đóng góp này thậm chí còn có lúc đạt tới 48,8% trong năm 2015 nhờ nguồn gió tốt hơn. Tỷ lệ điện than trong hỗn hợp điện của Đan Mạch giảm từ 90% vào đầu những năm 90 xuống còn 28,8% vào năm 2016.
Nhìn chung, trong 10 năm qua, điện gió ở Đan Mạch đã tăng gấp đôi từ 6,1 TWh vào năm 2006 lên 12,8 TWh vào năm 2016 và nước này đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng các trang trại điện gió từ nay đến năm 2025. Theo IEA, điện gió có thể chiếm 60% sản lượng điện của Đan Mạch năm 2025.
Một lĩnh vực khác, năng lượng mặt trời cũng đang góp phần ngày càng tăng vào hỗn hợp điện của Đan Mạch, mặc dù vẫn còn khiêm tốn (2,5% vào năm 2016). Theo dự báo, sự đóng góp của năng lượng tái tạo ở Đan Mạch sẽ còn tăng trong những năm tới. IEA cho rằng, việc cung cấp điện của Đan Mạch được xếp vào loại ổn định và an toàn cao “nhờ hệ thống điện linh hoạt và mức độ kết nối qua biên giới cao của nước này”. Ngoài ra, các nhà máy điện than dự kiến vẫn sẽ duy trì vai trò trong phân phối điện quốc gia, đặc biệt là vào những thời kỳ hạn hán ảnh hưởng đến việc sản xuất thủy điện ở Na Uy và Thụy Điển (và do đó ảnh hưởng đến nhập khẩu điện của Đan Mạch).
Cần lưu ý rằng ở Đan Mạch, giống như ở Đức, giá điện cho tiêu dùng hộ dân cư thuộc diện cao nhất trong Liên minh châu Âu vì mức thuế cao (65% trên mức giá cuối cùng, so với 35% ở Pháp, theo số liệu của Eurostat công bố quý I/2017).
Mạng lưới điện ở Đan Mạch có đặc thù là không đồng bộ mà chia thành hai khu vực lớn: "DK.1" cho phía tây Đan Mạch, "DK.2" ở phía đông.
Một mục tiêu khó đạt được vào năm 2020
Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2015, Đan Mạch đã giảm được 27% lượng phát thải khí nhà kính trong khi GDP của nước này tăng khoảng 7% trong cùng giai đoạn, theo IEA. Riêng trong lĩnh vực năng lượng, phát thải khí nhà kính giảm được 34%, vận tải và sản xuất điện vẫn là những nguồn phát thải chính.
Cường độ cácbon của Đan Mạch (0,13kg CO2/mỗi đơn vị GDP) thuộc loại thấp trong những nước phát triển nhất (sau Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp và Na Uy). Cũng cần lưu ý rằng, Đan Mạch đã có thuế carbon từ tháng 3-1992.
Theo IEA, những chính sách và biện pháp hiện nay của Đan Mạch sẽ cho phép nước này đạt được các mục tiêu khác vào năm 2020 mà không cần thêm nhiều nỗ lực, ngoại trừ một mục tiêu: tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành giao thông vận tải (gần 7% vào năm 2015). Giống như ở tất cả các nước, chính phủ cần phải làm nhiều hơn để hạn chế phát thải của ngành giao thông vận tải, IEA nhấn mạnh. Cơ quan này kêu gọi khuyến khích phát triển xe điện, nhiên liệu sinh học.
IEA cho biết, trong khi vẫn tiếp tục giảm lượng phát thải khi CO2 trong quá trình sản xuất năng lượng, Đan Mạch cũng sẽ phải giảm chi phí liên quan đến việc chuyển đổi năng lượng. IEA khuyến cáo Đan Mạch nên điều chỉnh thuế năng lượng nhằm hướng sự lựa chọn của nhà sản xuất và người tiêu dùng đến với các giải pháp ít phát thải khí CO2.
S.Phương