Xử lý doanh nghiệp nợ đọng thuế như thế nào?
Trong những năm gần đây, ngành thuế thường xuyên phải đối mặt với tình trạng các doanh nghiệp nợ tiền thuế. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế để thu hồi thuế nợ chưa thực sự hiệu quả và còn nhiều vướng mắc…
Thực trạng nợ thuế
Ông Nguyễn Minh Phong |
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 4-2017, trên cả nước có 95.925 doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ nợ tiền thuế từ 10 triệu đồng trở lên. Trong đó, số DN nợ trên 90 ngày là 83.256 (87%). Tổng số tiền nợ thuế của tất cả các DN là hơn 49.387 tỉ đồng, chiếm đa số là số tiền thuế nợ từ 121 ngày trở lên với 29.638 tỉ đồng.
Phần lớn những DN nợ thuế tập trung ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở những trung tâm về kinh tế. Đơn cử, TP HCM có gần 26.000 DN nợ hơn 9.400 tỉ đồng tiền thuế; Hà Nội có trên 18.800 DN nợ thuế gần 15.400 tỉ đồng; Bình Dương có trên 4.100 DN nợ thuế gần 2.100 tỉ đồng, Quảng Ninh có gần 1.700 DN nợ hơn 933 tỉ đồng...
Trước thực trạng trên, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) nhận định, có rất nhiều lý do dẫn đến nợ đọng thuế kéo dài, thậm chí tình trạng này còn có xu hướng tăng. Trong đó phải kể đến 3 lý do chính: Thứ nhất, do hoạt động kinh doanh của các DN không được suôn sẻ, có thể do lợi nhuận, do hợp đồng hay do các biến động thị trường nên DN không thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra vì thế nguồn thu không đủ để đóng thuế. Thứ hai, do số tiền nộp thuế là khá cao nên nhiều DN dùng cách nợ đọng thuế để chiếm dụng vốn mà không phải trả lãi. Thứ ba, do các hoạt động đốc thúc của chúng ta vẫn còn chưa thực sự mạnh, chế tài xử phạt chưa nghiêm và có chút nào đó còn “nương tay”.
Cần có chế tài
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật, khi DN nợ thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế để truy thu. Nếu DN có hành vi trốn thuế thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào số tiền trốn thuế mà các DN và người đứng đầu DN sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp các DN ngừng hoạt động, giải thể, đóng cửa hoặc phá sản, khiến ngân sách không thể thu hồi số tiền nợ thuế, chúng ta cần phân biệt rõ ba khái niệm, bao gồm: tạm ngừng kinh doanh (tạm ngừng hoạt động), giải thể DN và phá sản DN để xác định cách thức xử lý nợ thuế.
Theo đó, trước đây tình trạng các DN “giả chết” để trốn thuế là khá phổ biến. Tuy nhiên, từ khi Luật DN 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 thì DN muốn ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan thuế trước ngày tạm ngừng. Trong thời hạn tạm ngừng, DN vẫn phải nộp đủ số thuế còn nợ. Nếu DN vi phạm thì có thể bị xử lý hành chính, áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế hoặc xử lý hình sự, tùy tính chất, mức độ vi phạm.
Đối với trường hợp giải thể DN, trong Luật DN có quy định: DN chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, trong đó có nợ thuế. Do đó khi vẫn còn nợ thuế thì DN không thể giải thể. Người quản lý có liên quan và DN cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của DN.
Đối với thủ tục phá sản, DN phải nộp đơn đến tòa án nhân dân để yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tòa án sẽ tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản trong trường hợp cần thiết và quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. DN mất khả năng thanh toán là DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Do đó nếu như DN vẫn có khả năng thanh toán nợ nhưng cố tính trốn tránh, gian lận không thanh toán bằng việc yêu cầu mở thủ tục phá sản thì có thể bị xử lý hình sự về tội trốn thuế.
“Tuy nhiên hiện nay, pháp luật vẫn chưa có chế tài xử lý hình sự cụ thể đối với trường hợp trốn thuế bằng cách thức phá sản như trên. Do đó, ngành thuế cần phải có biện pháp mạnh tay hoặc nâng mức xử phạt nhằm giảm thiểu tình trạng nợ đọng kéo dài như” - Luật sư Cường nói.
Doanh nghiệp vẫn kêu thủ tục thuế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017. Tại đây, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù ghi nhận những chính sách, pháp luật thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng thủ tục thuế, hải quan vẫn còn những tồn tại khiến doanh nghiệp lo ngại. Ưu đãi thuế từ đầu năm 2018 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, sẽ áp dụng biểu thuế mới đối với nhiều nhóm hàng xuất nhập khẩu. |
Mỹ Hạnh - Song Nguyễn