Du lịch MICE Đà Nẵng hậu APEC 2017
Sẽ tận dụng cơ hội kim cương?
Sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, vị thế của Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng được nâng lên đáng kể. Nhưng không phải đến bây giờ Đà Nẵng mới chú trọng đến mảng du lịch MICE mà đã có chiến lược phát triển từ lâu. Vậy, sau thành công của APEC 2017, Đà Nẵng sẽ làm gì để tận dụng cơ hội kim cương, tiếp tục đưa du lịch MICE lên tầm cao mới?
Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng: Đà Nẵng chú trọng phát triển du lịch MICE
PV: Nhìn lại Tuần lễ Cấp cao APEC, Đà Nẵng đã tổ chức rất tốt tất cả mọi việc. Vậy, ngành du lịch Đà Nẵng đã chuẩn bị những gì cho sự kiện đặc biệt quan trọng này?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là một thành tựu lớn của Đà Nẵng, là dịp để du lịch Đà Nẵng giới thiệu về cơ hội đầu tư, tiềm năng du lịch đến với các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC và những người đứng đầu của các tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới.
Để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC, đầu tiên, thành phố đã bố trí đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho sự kiện quan trọng này. Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch để đào tạo nâng cao chất lượng nghiệp vụ của những người lao động, đặc biệt là những người làm việc trực tiếp tại các resort, nhà hàng, khách sạn. Sở Du lịch cũng chủ động tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để hướng dẫn họ nắm bắt các thông tin, yêu cầu của khách hàng, hiểu văn hóa của các nước, nhất là tín ngưỡng, tôn giáo… Tất cả nhằm mục tiêu phải làm sao quan khách đạt được mức độ hài lòng cao nhất. Theo chúng tôi ước tính, có khoảng 13.500 lao động ngành khách sạn đã phục vụ cho các nhà lãnh đạo, chính khách, doanh nghiệp... của 21 nền kinh tế thành viên tham gia sự kiện lớn này.
Về cơ sở vật chất, rất nhiều khách sạn 3-5 sao đã được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư, nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, sẵn sàng đón khách. Số lượng phòng trên địa bàn có khoảng 25.000 phòng. Số lượng khách sạn 3-5 sao là khoảng 4.000 phòng. Những khách sạn được lựa chọn phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC không chỉ đáp ứng các tiêu chí về quy mô, thương hiệu, cảnh quan mà còn phải đáp ứng được chất lượng dịch vụ đi kèm như: an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm... Các phòng tổ chức hội nghị cũng đang được triển khai khẩn trương.
PV: Trong thời gian đó, Đà Nẵng cũng làm rất tốt việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch. Liệu đó có phải là những động thái nằm trong chiến lược phát triển du lịch MICE của Đà Nẵng?
21 lãnh đạo các nền kinh tế APEC chụp ảnh lưu niệm mừng thành công của Tuần lễ Cấp cao |
Ông Nguyễn Xuân Bình: Về công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thì thành phố đã phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương và quốc tế triển khai nhiều hoạt động. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng với các hoạt động: Thực hiện clip quảng bá du lịch, Chiến dịch “Nụ cười APEC”, Diễn đàn Đầu tư du lịch hướng đến APEC, các chương trình tham quan dành cho các đại biểu, phu nhân, phu quân các nguyên thủ…
APEC là một “điểm tựa” để phát triển du lịch MICE. Sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các phòng hội nghị hạng sang, các đơn vị lưu trú mới được đầu tư sẽ tận dụng cơ sở vật chất đã được đầu tư, triển khai mạnh mẽ phát triển du lịch MICE. |
APEC 2017 với sự tham gia của hàng nghìn doanh nghiệp lớn trong khu vực và trên thế giới, là cơ hội vàng để du lịch MICE Đà Nẵng phát huy những lợi thế và tiềm năng của mình, đồng thời chứng minh năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của thành phố là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, logistics của khu vực.
Về chiến lược phát triển du lịch MICE, Đà Nẵng đã chú trọng từ lâu. MICE là sự kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm, sự kiện với du lịch. Sau Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng đã và sẽ tiếp tục kết hợp với các doanh nghiệp thực thi chiến lược này, thu hút dòng khách du lịch cao cấp và trung cấp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng giám đốc Furama Resort: Cơ hội kim cương để Đà Nẵng quảng bá du lịch MICE
PV: Trong thời gian qua, Đà Nẵng nổi lên như một điểm đến rất hấp dẫn về du lịch công vụ trong nước và quốc tế. Theo ông, tại sao Đà Nẵng lại có được thành quả đó?
Ông Huỳnh Tấn Vinh: Đầu tiên, chúng ta phải nói về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông. Đà Nẵng là trung điểm của nhiều đường giao cắt kinh tế. Đồng thời, cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng cũng rất ổn, sẵn sàng đón tiếp và tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế. Đà Nẵng là trung điểm của các đầu mối giao thông, có cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế, là vị trí trung điểm của Quốc lộ 1A, của hệ thống đường sắt Bắc - Nam. Đà Nẵng cũng có thể coi là trung điểm của các nước Đông Dương, nằm giữa hành lang kinh tế Đông - Tây... Đồng thời, Đà Nẵng rất dễ kết nối với các khu vực kinh tế trên thế giới.
Còn về cơ sở vật chất, Đà Nẵng đáp ứng rất tốt các yêu cầu của loại hình MICE về các trung tâm hội nghị lớn, các khách sạn lớn... Đà Nẵng hiện nay có gần 25.000 phòng nghỉ. Trong thời gian diễn ra APEC vừa qua, khách nghỉ có yêu cầu khách sạn từ 3 sao đến 5 sao rất nhiều, Đà Nẵng đều bố trí đủ số phòng.
Thời gian gần đây, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Ariyana đã được đưa vào sử dụng phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trung tâm có 2.500 chỗ ngồi. Và nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn khác cũng có các phòng hội nghị, hội thảo đẳng cấp cao. Thậm chí, Đà Nẵng cũng đủ khả năng tổ chức những cuộc triển lãm lớn, thậm chí là những cuộc triển lãm mà ôtô có thể đi thẳng vào hội trường và cả những cuộc triển lãm ẩm thực, công nghiệp lớn khác. Đấy là cơ sở vật chất nội tại để loại hình du lịch MICE có điều kiện phát triển.
Khi khách hàng đến dự hội nghị, hội thảo, họ cũng có thể sắp xếp thời gian đi thăm thú những điểm du lịch nổi tiếng xung quanh thành phố. Đà Nẵng là điểm trung tâm của các di sản văn hóa thế giới như Hội An, cố đô Huế. Ví dụ, một tour MICE 3-5 ngày được tổ chức tại Đà Nẵng, ngoài thời gian hội nghị, người ta có thể thưởng ngoạn các cảnh trí đẹp của Đà Nẵng. Đó là các bãi biển ở Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, thăm đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế...
Đó chính là yếu tố để các tập đoàn, công ty lớn lấy Đà Nẵng làm nơi tổ chức các hội thảo, hội nghị của công ty mình, đồng thời thưởng cho đối tác, khách hàng, cho nhân viên, bằng những cuộc đi tham quan, nghỉ dưỡng tại một nơi có cơ sở vật chất tốt và cảnh trí đẹp như thế.
PV: Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, theo ông, sau APEC 2017, các doanh nghiệp du lịch phải làm gì để duy trì và phát triển thị trường du lịch MICE tại Đà Nẵng?
Ông Huỳnh Tấn Vinh: Tôi nghĩ, trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì lượng khách hội thảo, hội nghị trong mảng du lịch MICE đến với Đà Nẵng thì cần phải đẩy mạnh việc marketing dưới nhiều hình thức, phải tận dụng cơ hội.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là cơ hội vàng, thậm chí là cơ hội kim cương không dễ gì có được. Tại Tuần lễ này, 21 nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC đến Đà Nẵng. Đi kèm với họ là các doanh nhân, CEO của các tập đoàn lớn cùng với số lượng các cơ quan thông tấn, báo chí rất lớn. Đây là dịp rất tốt để chúng ta quảng bá du lịch Đà Nẵng nói chung và du lịch MICE nói riêng. Việc cần làm là tiếp tục marketing theo sự thành công của sự kiện này ra các châu lục của thế giới, đặc biệt là Đông Nam Á, châu Á, rồi các thị trường xa hơn như châu Âu, Bắc Mỹ. Cần cho các đối tượng khách hàng tiềm năng tại những khu vực này thấy được một sự kiện lớn, yêu cầu cao như Tuần lễ Cấp cao APEC mà Đà Nẵng đã tổ chức rất tốt thì những sự kiện khác Đà Nẵng cũng đủ khả năng để tổ chức.
Một tour MICE 3-5 ngày được tổ chức tại Đà Nẵng, ngoài thời gian hội nghị, người ta có thể thưởng ngoạn các cảnh trí đẹp của Đà Nẵng. Đó là các bãi biển ở Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, thăm đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, cố đô Huế... |
Bên cạnh đó, sau APEC, chúng ta nên tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực của các khách sạn, các công ty du lịch, các công ty tổ chức sự kiện để đáp ứng yêu cầu của các sự kiện lớn. Sau APEC, chúng ta phải chủ động bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở những kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian phục vụ APEC.
Tôi nghĩ là một trong những thứ cần tiếp tục quảng bá là ẩm thực Việt Nam. Lâu nay, chúng ta hầu như chỉ quảng bá điểm đến, quảng bá nơi nghỉ, khách sạn nhưng ít quảng bá tinh hoa ẩm thực rất đặc biệt, phong phú của Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực miền Trung nói riêng rất hấp dẫn đối với du khách, ví dụ như mì Quảng, báng tráng thịt heo, bún bò Huế, bánh xèo... Trên thực tế, khi các khách hàng đi dự hội nghị, hội thảo thì ẩm thực là một khía cạnh được rất nhiều người quan tâm.
Đồng thời, Đà Nẵng phải tiếp tục kết nối với các bộ, ngành của Trung ương để khi có những sự kiện quốc tế tầm vóc lớn thì có thể giới thiệu điểm đến với bạn bè quốc tế.
Đương nhiên, bên cạnh loại hình du lịch MICE, chúng ta cũng không thể quên phát triển các loại hình du lịch khác.
PV: Xin cảm ơn ông.
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: “Cung hội nghị Ariyana và quần thể phòng họp, hội nghị, hội thảo của Furama là một trong những trung tâm hội nghị lớn nhất Việt Nam. Trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Cung hội nghị Ariyana đã đón tổng cộng 10.000 lượt khách dự hội nghị. Sắp tới, chúng tôi sẽ quảng bá cơ sở vật chất và các dịch vụ với các tập đoàn, công ty của Việt Nam và thế giới. Chúng tôi cũng sẽ gửi thông tin, thông báo cho những địa chỉ mà khách đã để lại cho chúng tôi, để qua đó họ hiểu thêm về sản phẩm, dịch vụ của Ariyana. Ở Việt Nam không nhiều nơi có khả năng tổ chức các triển lãm ôtô. Một số hãng ôtô còn yêu cầu đường chạy thử của ôtô phải có ở gần khu hội nghị. Về vấn đề này, Ariyana đang tìm kiếm ở những khu đất bên cạnh, có thể đáp ứng được”. |
Du lịch MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện, khen thưởng của các công ty dành cho nhân viên, đối tác, khách hàng. MICE- Meeting Incentive Conference Event - là viết tắt của các từ Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Convention (hội nghị, hội thảo) và Event (sự kiện, triển lãm). Ngoài hội thảo, hội nghị tổ chức trong nội bộ tập đoàn, công ty hoặc đối tác còn là hình thức tổ chức những sự kiện, triển lãm ôtô, quảng bá ẩm thực, thi hoa hậu... Các công ty, tập đoàn hoặc các tổ chức có trụ sở ở một nơi nhưng có thể tổ chức một sự kiện lớn ở một địa phương khác, rồi sau đó tổ chức những tour cho các nhân viên, đối tác của mình. Đó cũng là một hình thức khen thưởng cho nhân viên, tri ân với khách hàng, đối tác. |
Thanh Hiếu