Dệt may Việt Nam - Từ lợi thế đến trật tự mới
Những năm qua, Dệt May Việt Nam (DMVN) rất nỗ lực để xây dựng chuỗi giá trị sợi - dệt nhuộm hoàn tất - may, nhằm mục tiêu tích hợp vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Trong khi mục tiêu này chưa thể thực hiện được phần nhỏ, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) lại tiếp tục đổ đến như vũ bão, thách thức ngành DMVN.
Trong hai thập niên qua, Việt Nam đã vươn lên ghi danh trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Càng ở trên cao, càng được nhìn rõ, càng bị tấn công mạnh hơn. Ngành DMVN không những bị các đối thủ cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần mà còn phải đối mặt với những thách thức từ khả năng tự hoàn thiện chuỗi giá trị để dịch chuyển lên tầng cao hơn của giá trị và thách thức công nghệ từ 4.0.
Truyền thông trong nước từng có bình luận bi quan rằng, cho dù Việt Nam đứng trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu, nhưng giá trị thực trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam thu về lại rất nhỏ, mà hầu hết là từ nhân công giá thấp. “Miếng bánh” lớn hơn trong chuỗi như thiết kế sáng tạo, giá trị thương hiệu, thậm chí là dệt nhuộm hoàn tất… lại thuộc về nước khác, nhà sản xuất khác. Đơn cử, với việc may gia công như hầu hết các doanh nghiệp may của Việt Nam đang thực hiện, giá bán chiếc áo sơ-mi thương hiệu CK trên thị trường quốc tế là xấp xỉ 50 USD, thì giá trị ở lại Việt Nam chỉ là 3 USD; một áo veston giá bán trên thị trường quốc tế khoảng 100 USD, thì giá trị gia công trả cho nhà máy may Việt Nam là 6 USD.
Dệt may Việt Nam từ lợi thế sản xuất - tiến đến trật tự mới |
Nhưng ngoài việc số tiền thực từ giá gia công mang lại, thì cần xét đến ý nghĩa của việc làm, của sản xuất công nghiệp trong lâu dài mà ngành DMVN mang lại. Hiện nay, ngành DMVN đang tạo ra số lượng xấp xỉ 3 triệu việc làm. Đây là một con số ấn tượng. Có thể thấy rằng, ngành đã tạo ra số lượng việc làm cao nhất trong các ngành công nghiệp của đất nước. Việc làm không chỉ tạo nên sự thịnh vượng quốc gia, mà còn giúp ổn định an sinh xã hội, phát triển giá trị con người.
Thực tế cho thấy, khi các doanh nghiệp dệt may dịch chuyển về các tỉnh, luôn thúc đẩy GDP và kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Và cần nhắc đến một thay đổi cơ bản, có tác động lâu dài tới sự phát triển về lối sống, văn hóa các vùng theo chiều hướng tiến bộ mà DMVN đã, đang tạo nên. Khi người nông dân chuyển dịch nghề, trở thành người công nhân, họ đồng thời dần thay đổi ý thức lao động công nghiệp hóa, sống hiệu quả hơn, loại bỏ dần những thói quen lè phè đủng đỉnh lãng phí thời gian vô ích trong những việc làng, nhờ đó mà dành thời gian học tập, tiến bộ, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, hạn chế tệ nạn.
Hơn nữa, sản xuất công nghiệp dệt may, khi phải đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng về chất lượng, bắt buộc các nhà máy may, dệt của Việt Nam phải thay đổi công nghệ tiên tiến, đồng nghĩa với việc năng lực của nhà máy, của người lao động phải được tăng lên, trình độ tay nghề, song song với tư duy cùng phát triển. Khi sản xuất phát triển, thì con người cũng phát triển và tất yếu dịch chuyển lên vị trí cao hơn.
Lịch sử gần đây cho thấy, khi nước Mỹ chuyển đổi sản xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ, đã khiến những nước này phát triển nhanh chóng, giờ đây trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ. Tương tự, việc ngành sản xuất dệt may của Việt Nam phát triển được mạnh mẽ, tất yếu sẽ khiến Việt Nam mạnh hơn lên và dần làm chủ được những khâu quan trọng. Tương lai này đã được một số nhà nghiên cứu kinh tế khẳng định.
Vaclav Smil - Giáo sư danh dự ĐH Manitoba là một tác giả quan trọng nhờ những bộ sách đồ sộ về năng lượng, môi trường và sản xuất công nghiệp. Một trong những công trình gần đây nhất của ông là “Made in USA” (sản xuất tại Mỹ), một cuộc khám phá những vinh quang về sản xuất của nước Mỹ trong quá khứ và những mất mát đáng buồn về công nghiệp sau đó. Bất kỳ ai nghĩ rằng, Mỹ đang tiến hành một bước chuyển đổi tự nhiên và khôn ngoan từ sản xuất sang các công việc xử lý thông tin được trả lương cao đều muốn đọc cuốn sách này và có cái nhìn thoáng qua những hậu quả lâu dài từ sự thay đổi này. Smil đã trình bày vô số ví dụ cho thấy, ngành công nghiệp sản xuất sẽ mở ra những bước đổi mới quan trọng, cũng như tạo nên một hệ thống việc làm rộng khắp.
“Chẳng hạn, khoảng ba thập niên trước, nước Mỹ đã ngưng sản xuất hầu như toàn bộ mặt hàng thiết bị điện tử dân dụng và màn hình; nó cũng mất khả năng phát triển và sản xuất đại trà các màn hình phẳng và pin cao cấp - hai loại sản phẩm thiết yếu dành cho máy vi tính và điện thoại di động; những ai nhập khẩu chúng với số lượng lớn sẽ tiếp tục đẩy nước Mỹ vào tình trạng thâm hụt thương mại”, Smil viết. Và thực tế là khả năng cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ đang dần suy yếu.
Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc ngành DMVN phải đầu tư, thay đổi nhanh để tiếp tục phát triển, làm chủ được sản xuất và theo đó, giành được nhiều lợi thế trong tiến bộ chung, thúc đẩy Việt Nam vươn lên nắm lấy cơ hội làm chủ cuộc chơi quan trọng này.
Hai thập niên qua, toàn cầu hóa đã dịch chuyển hàng triệu, triệu công việc như lắp ráp máy móc, sản xuất công nghiệp, dệt may, da giày, thậm chí nhiều ngành dịch vụ như chăm sóc khách hàng từ các nước phương Tây sang các nước đang phát triển như Việt Nam. Nơi nào có việc làm, nơi đó sẽ phát triển và dần thịnh vượng.
Tương lai đang biến đổi vô cùng nhanh chóng. Và không gì khác ngoài sản xuất sẽ tạo nên những trật tự mới cho chúng ta. Ai nắm được lợi thế sản xuất, kẻ đó sẽ tạo nên trật tự cuộc chơi.
Đặng Thanh