Pháp phát triển khí biogas
Pháp vừa mời thầu các dự án phát triển khí biogas trong vùng Île-de-France. Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, Pháp nói riêng và châu Âu nói chung rất có tiềm năng phát triển khí biogas.
Chính quyền vùng Île-de-France vừa cùng với Cơ quan quản lý Năng lượng và Môi trường Pháp (ADEME) lần thứ 4 kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển khí biogas. Thông qua đề án mang tên "Climat Air Energy" (SRCAE), vùng Île-de-France đặt mục tiêu vào năm 2020, 11% năng lượng tiêu thụ trong khu vực sẽ được cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo trong đó gần 1/5 là khí biogas (với mục tiêu sản xuất là 2 TWh/năm vào năm 2020, gấp khoảng 7 lần sản lượng hàng năm của vùng này hiện nay). Mục tiêu đến năm 2050, khí biogas phải là nguồn năng lượng chủ đạo ở Île-de-France.
Một cơ sở chưng cất khí biogas ở Pháp |
Trong thư mời gọi các nhà đầu tư, vùng Île-de-France cho biết, họ khuyến khích các công trình chưng cất khí biogas khác nhau, dù đó là ở nông trại hay trên quy mô công nghiệp... Các nhà sản xuất khí biogas có thể chưng cất loại khí này thông qua quá trình lên men các chất hữu cơ thối rữa (chất thải gia súc, bùn thải, chất thải thực phẩm...). Khí sinh học tự nhiên (biogas) cũng có thể được thu hồi trong các cơ sở lưu trữ chất thải. Hiện phần lớn khí biogas ở Pháp được sản xuất ở trong những cơ sở như thế.
Tính đến cuối tháng 6-2017, Pháp có 519 cơ sở sản xuất điện từ khí sinh học (hơn một nửa trong số đó sử dụng biogas từ các trang trại chăn nuôi) và 35 cơ sở lọc và bơm biomethane vào mạng lưới khí quốc gia.
Luật chuyển đổi năng lượng cho phát triển xanh được Quốc hội Pháp thông qua vào mùa hè năm 2015, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ khí đốt ở Pháp lên 10% vào năm 2030. Năm 2013, Pháp đã đưa ra kế hoạch Énergie Méthanisation Autonomie Azote (EMAA) để phát triển 1.000 cơ sở thu khí biogas tại các trang trại vào năm 2020. Biogas đang đóng một vai trò ngày càng tăng trong các nguồn năng lượng tái tạo của Pháp.
Chương trình Quy hoạch năng lượng quốc gia (EPP) đã đặt ra những mục tiêu khác nhau để phát triển khí sinh học ở Pháp trong những năm tới, với mục tiêu cụ thể cho từng mục đích sử dụng (để phát điện, mục tiêu là tăng lên tới 137MW công suất của các nhà máy sử dụng khí biogas vào cuối năm 2018, sau đó lên 300MW vào cuối năm 2023, so với mức 110MW vào cuối năm 2016).
Việc sử dụng biogas và biomethane đem lại những lợi ích môi trường rất đáng kể, Viện Nghiên cứu Năng lượng mới (IFP Énergies nouvelles) của Pháp cho biết trong một báo cáo gần đây. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành khí biogas Pháp vẫn đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía chính quyền do loại khí đốt này hiện thiếu khả năng cạnh tranh so với các loại chất đốt khác trên thị trường.
Tại Pháp, giá bao tiêu khí biogas trong thời hạn 15 năm rơi vào khoảng từ 45 đến 95 euro/MWh, trong khi giá khí đốt trên thị trường châu Âu khoảng 15 euro/MWh.
Theo một nghiên cứu của Ủy ban Tư vấn chuyển đổi Năng lượng Pháp (Enea), chi phí sản xuất hiện tại của biomethane có thể giảm 30% trong vòng 5 đến 10 năm tới. Sản lượng biomethane bơm vào mạng lưới khí đốt Pháp đã tăng 3 lần kể từ năm 2015. Tuy nhiên, so với Đức, ngành khí biogas của Pháp vẫn còn thua xa.
Khí biogas có thể được sử dụng để sản xuất nhiệt, điện hoặc được bơm vào mạng lưới khí quốc gia sau khi đã được lọc tạp chất (khi ấy nó được gọi là biomethane). |
Ở cấp độ châu Âu, khí sinh học chiếm 8% sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2015, theo số liệu mới nhất của IFP Energies nouvelles. Sản lượng khí sinh học của Liên minh châu Âu đạt 15,6 triệu tấn khí quy đổi vào năm 2015, một nửa trong số đó đến từ Đức (7,8 triệu tấn khí quy đổi vào năm 2015).
Kế đến là Anh và Italia (khoảng 2 triệu tấn khí quy đổi trong năm 2015), tiếp đến là Cộng hòa Séc và Pháp (0,5 triệu tấn khí quy đổi vào năm 2015). Gần 62% sản lượng khí sinh học ở châu Âu được dùng để phát điện, 27% dùng để sản xuất nhiệt, phần còn lại được chuyển đổi thành biomethane để bơm vào mạng lưới khí quốc gia.
Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng, tiềm năng khí sinh học của Pháp ước tính từ 14 đến 24 triệu tấn khí quy đổi mỗi năm tính từ năm 2040.
S.Phương